0 nhận xét

Tập nhạc XUÂN VỚI TÔI

                                             Tập nhac phổ thơ "XUÂN VỚI TÔI" của hai nhà thơ
                                            cao tuổi Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân được đưa
                                            vào KỶ LỤC VIỆT NAM người có nhiều thơ phổ nhac.
0 nhận xét

Với Kỷ Lục...

                             Nhà thơ Duy YênKim Vân nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam

                             Bài đăng ở báo Tết BÍNH THÂN (2016) của báo NGƯỜI HÀ NỘI

                     HAI NHÀ THƠ NGUYỄN DUY YÊN VÀ ĐOÀN KIM VÂN với KỶ LỤC
                                "Đôi vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ phổ nhạc nhiều nhất"  

                                                                                   Nhà Văn Nguyễn Tùng Linh      

Hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã có hơn 200 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có nhiều tác phẩm được thu hình, thu thanh và phát sóng truyền thanh và truyền hình trong cả nước. Hơn một nửa số tác phẩm thơ được phổ nhạc trên đã tập hợp và xuất bản với tiêu đề "XUÂN VỚI TÔI "do NXB Âm nhạcViệt Nam ấn hành.
  Tên tuổi của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã trở nên quen thuộc trong công chúng yêu nghệ thuật ở Thủ đô . Để có thơ phổ nhạc, trước hết phải có thơ hay. Trên 50 năm gắn bó với thơ hai nhà thơ đã sáng tác trên 1000 thi phẩm, có nhiều bài được in trên các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương,
Nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã có các tập thơ in riêng như :"Mênh mang xuân" "Một thoáng hương xưa" "Muôn nẻo đường thơ" :Nhà thơ Đoàn Kim Vân cũng đã in các tập "Ngược dòng thời gian"
 , "Mùa hoa nhãn", "Lăng kính thơ". Đặc biệt hai nhà thơ đã có nhiều thơ xuất bản chung trong các tập (Tiếng Lòng NXB Văn hóa- Thông tin , 1997), "Dặm đời" (NXB Văn học năm 2000), "Chân trời mới"  (NXB Văn học- 2003),"Biển đời" (NXB Văn học,2008), "Tuyển thơ" (NXB Văn học, 2010). Cả hai cũng đã biên soạn các tập thơ "Trăng với thi nhân" (NXB Văn học, 2010) , "Nợ bút nghiên" (NXB Văn học, 2012). Nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng là dịch giả của nhiều thơ nước ngoài in chung trong nhiều tập thơ.
 Như người xưa vẫn nói"Văn chương nết đất", cả hai nhà thơ đều sinh ra trong những gia đình có truyền thống văn hóa. Nhà thơ Nguyễn Duy Yên sinh năm 1931 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng Thụy Lôi , huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông nội ông là Đô Úy tỉnh Tuyên Quang, nghị viên Bắc kỳ. Ông ngoại là danh nhân văn hóa Phan Kế Bính, cha ông là nhà giáo. Năm 1949, nhà thơ Nguyễn Duy Yên tốt nghiệp Trung học, ông gia nhập quân đôi, là học viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Khóa V). Đến năm 1959 ông lại theo học ở Học Viện Thủy Lợi, rồi về công tác tại Bộ Thủy lợi, Sở Thủy lợi Hà nội đến khi
nghỉ hưu.
  Người bạn đời của ông, nhà thơ Đoàn Kim Vân sinh năm 1936 cùng quê với ông. Cha bà cũng là nhà giáo, ông gia nhập tự vệ địa phương rồi tham gia khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945. năm1946 ông tham gia trận đánh với Pháp và hy sinh. Nhà thơ Đoàn Kim Vân học hết thành trung năm thứ nhất, tham gia kháng chiến tại quê nhà. Năm 1959 bà về công tác  tại Vụ Bảo tồn- Bảo tàng (Bộ Văn Hóa) rồi qua Trung Ương Hội Đông y Việt nam  .
  Thật là duyên kỳ ngộ, cả hai ông bà đều yêu thích thơ ca từ lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Cả hai đều bắt đầu làm thơ và đã có một số bài thơ được bạn bè truyền tay ưa thích. Có phải chăng chính thơ ca đã khiến hai trái tim đồng điệu ấy đến với nhau . Sau ngày nên vợ nên chồng, ông bà đều bận rộn công tác và nuôi dưỡng con cái,việc thơ ca tạm gác lại. Cho đến những năm cuối thế kỷ trước, khi các con đã khôn lớn trưởng thành, ông bà có thời gian nhiều hơn cho thơ, hai người động viên nhau sáng tác và tập hợp những bài thơ viết rải rác trước đó xuất bản thành các tập thơ.
 Những sáng tác thơ của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã được công chúng đón nhận, Các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng cũng có nhiều nhận xét, đánh giá về phẩm chất thơ của ông bà. Nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Hà nội đã viết về nhà thơ Nguyễn Duy Yên "Một tiếng thơ tuy có vẻ như còn thầm lặng, nhưng lại có một phẩm chất cần thiết cho thơ hôm nay, đó là là sự tỉnh táo trong vẻ cao ngạo và sự cao ngạo ẩn mình trong các suy nghĩ tỉnh táo", Nhận xét 201 bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Đoàn Kim Vân, nhà thơ Bùi Việt Mỹ Tổng biên tập báo Người Hà Nội đã viết (Đoàn Kim Vân đã có một bước tiến dài trong sáng tác, đó là độ chín về lối viết,nhuần nhuyễn,  trau chuốt về cấu tứ, bản năng thơ được bộc lộ tự nhiên đi sâu vào tâm tư tình cảm qua các hiện tượng xã hội ... ).
  Ghi nhận những đóng góp của hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, Hội Nhà Văn Hà Nội đã kết nạp hai nhà thơ là hội viên của Hội.
  Thơ ca là cái gốc của âm nhạc và âm nhạc lại chắp cánh cho thơ ca. Thơ của ông,bà được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc là điều không có gì ngạc nhiên. Bên cạnh 110 bài thơ được phổ nhạc tuyển chọn trong tập" XUÂN VỚI TÔI", ông bà đã có nhiều bài thu trong đĩa VCD, CD như "Đường chiều" (NXB Âm nhạc Việt Nam 1997), "Hai sắc hoa Tigon" (NXB Hà nội, 2007), nhiều bài đã phát sóng trên sóng các đài phát thanh truyền hình Hà Nội, đài phát thanh Việt Nam, đặc biệt có bài "Em ơi biển",, "Trăng và biển" được phát trong chương trinh VTVI của đài truyền hinh Việt Nam. Và kỷ lục"ĐÔI VỢ CHỒNG NHÀ THƠ CAO TUỔI CÓ THƠ PHỔ NHẠC NHIỀU NHẤT" chính là kết quả của tình yêu với thơ ca, với âm nhạc bền bỉ cùng năm tháng của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân.
   






 
0 nhận xét

CẢM XÚC...

                                                                     Ảnh Internet

ĐOÀN KIM VÂN

CẢM XÚC - ĐÊM TRĂNG TÂY HỒ
Bài đăng trong số báo Tết "NGƯỜI HÀNỘI"
năm BÍNH THÂN (2016)

Đêm trăng ngắm cảnh Tây Hồ
Cành cây xanh ủ sương bay la đà
Yêu sao người đẹp Hằng Nga
Sông trăng một dải Ngân Hà sáng sao
Hương đêm êm dịu ngọt ngào
Vi vu tiếng gió tan vào ánh trăng
Nhớ xưa chuyện cũ kể rằng
Sâm Cầm* bơi lội tung tăng mặt hồ
Biết bao cảnh đẹp Thủ đô
Điểm tô non nước đón chờ ngàn xuân
Biến thiên tạo hóa xoay vần
Xa rồi mỹ nữ cung tần thuở xưa
Trời còn lúc nắng lúc mưa
Một vầng trăng lẻ cuối mùa về đâu?
Trăng suông lơ lửng trăng sầu
Rằm qua trăng khuyết để mau chóng già
Canh khuya ngả bóng trăng tà
 Tình trăng với nước đậm đậm đà sắc hương
Hàng cây im ngủ bên đường
Tàn đêm trăng lặn còn vương tơ lòng,

____________

*Chim Sâm Cầm,

                         Đoàn Kim Vân
0 nhận xét

MỪNG XUÂN BÍNH THÂN (2016)


MỪNG XUÂN

Bài đăng báo NGƯỜI HÀ NỘI 
số Tết BÍNH THÂN (2016)

Thoáng qua đã hết một năm
Mai, Đào đua nở mùa xuân lại về
Từ thành thị tới thôn quê
Chào mừng năm mới tràn trề niềm vui
Văn minh nếp sống con người
Cùng nhau phấn đấu cho đời ấm no
Quyết tâm xây dựng cơ đồ
Việt Nam giàu đẹp nên kho sử vàng
Làm cho nòi giống vẻ vang
Tiến cùng nhân loại ngang hàng năm châu
Ngoài trời lất phất mưa mau
Tu thân nên nhớ những câu Thánh hiền
Thăm chùa đất Phật cảnh Tiên
Khói hương lan tỏa bay trên tượng đài
Mơ màng thoát tục trần ai
Lắng nghe nhịp mõ nhớ hoài xa xăm
Thiền sư ngồi đó thâm trầm
Tụng kinh niệm Phật cõi trần ngân nga
Gió xuân nhẹ thổi hiền hòa
Còn vương đôi chút sương sa lạnh lùng
Bầu trời măt nước xanh trong
Ngày xuân vãn cảnh cho lòng thảnh thơi.

   Xuân Bính Thân (2016)

     Nguyễn Duy Yên
0 nhận xét

KÝ ỨC ÔNG NGOẠI TÔI



KÝ ỨC ÔNG NGOẠI TÔI
                                           
                                                       Nguyễn Duy Yên
       Ông ngoại đã mất 10 năm tôi mới cất tiếng khóc chào đời (1931). Bởi vậỵ hiểu biết về ông ngoại chỉ qua các  tác phẩm và   ký ức mà cha mẹ tôi kể lại.
Ông ngoại tôi có sáu người con: hai trai và bốn gái (đã mất), bác cả và cậu tôi không có con trai. Mỗi người chỉ có một con gái. Ông tôi sinh năm 1875 và mất năm 1921 thọ 47 tuổi, quê ở làng
Thụy Khê - huyện Hàm Long – tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận
     Cụ Phan Kế Bính      Ba Đình – thành phố Hà Nội).
         (1875-1921)              
Ông ngoại tôi vốn dòng dõi khoa bảng, thi đậu cử nhân Hán học khoa Bính Ngọ. Là một nhà nho tự rèn luyện chữ quốc ngữ nên ông đã sớm trở thành một nhà ngôn luận có tên tuổi trong báo giới.
Năm 1918, cha tôi học ở trường Sư phạm Hà Nội (cùng khóa với nhà văn Nguyễn Công Hoan) trọ học ở nhà ông Phan Kế Bính, vì yêu quý cha tôi nên đã gả con gái, đó chính là mẹ tôi.
Nhiều lần mẹ tôi đã kể cho con cái nghe: tuy hai bên gia đình đều là khoa bảng, đời sống khá giả nhưng đám cưới rất đơn giản, ngày ấy đi lại khó khăn giao thông không thuận tiện, đón dâu phải đi bằng thuyền, vì vậy đón dâu ông yêu cầu nhà trai không phải đến nhà gái, chọn ngày lành tháng tốt, đúng hẹn ông sẽ cử người đưa dâu về nhà chồng. Thế là đúng ngày làm lễ cưới ông cử bà cô (em ruột ông) đưa mẹ tôi về nhà chồng cùng đi còn có một người bạn gái của mẹ tôi. Thuận buồm xuôi gió chiếc thuyền buồm đã đưa cô dâu về nhà chồng đúng hẹn.
Còn hai bên họ nhà trai, họ nhà gái tổ chức thế nào thì không nên bày vẽ linh đình tốn kém.
Cha, mẹ chúng tôi chung sống hạnh phúc trọn vẹn trên 60 năm và cả hai ngoài 80 tuổi mới mất.
Cha, mẹ chúng tôi thường nói: Rất tiếc là có một số bản thảo tác phẩm của ông để lại trước khi mất, giao lại cho cha tôi, song năm 1949 giặc Pháp tràn đến quê hương đốt phá làng mạc nên những bản thảo bị thiêu hủy.
Cha mẹ chúng tôi thường dạy: Ông ngoại là nhà tri thức nho học, giàu lòng yêu nước, không ưa chốn quan trường, thích sống giản dị và thanh đạm, ông từ chối làm quan để chọn con đường viết văn, làm báo và dịch thuật, ông cho rằng làm như thế mới có ích cho dân tộc, nêu cao được truyền thống văn hóa Việt Nam và khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, chống lại sự nô dịch của thực dân Pháp.
Vì ông có tư tưởng yêu nước nên bọn thực dân Pháp để ý toan bắt ông. Nhưng nhờ có một số bạn bè giúp đỡ (trong đó có ông Nguyễn Văn Vĩnh) nên ông đã tránh vào Sài Gòn (1912) làm biên tập báo Lục tỉnh tân văn.
1
Đến năm 1914 ông trở về Bắc làm biên tập cho Đông Dương tạp chí, sau đổi thành Trung – Bắc tân vănHọc báo.
Ông ngoại tôi là người có đức độ, nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học, nỗ lực làm việc, cha tôi kể rằng những năm cuối đời ông mắc bệnh lao người gầy tọp song vẫn cần mẫn làm việc tới khi trút hơi thở cuối cùng.
Ông sống có khoa học biết mình có bệnh hay lây nên ở riêng, ngày hai bữa cơm ông tự lo ( vợ con chỉ nấu cho niêu cơm, thức ăn mua về ông tự làm lấy nấu nướng trên cái bếp lò người nhà mang đến).
Ông tránh tiếp xúc với vợ con và người xung quanh để  khỏi lây bệnh sang người khác, ông ăn uống có điều độ, trước mỗi bữa cơm uống ba chén hạt mít rượu với thức nhắm lúc đĩa lạc rang, lúc thì vài ba bìa đậu luộc hay rán, sau đó ăn hai bát cơm với thịt nhiều rau.
Những năm cuối đời biết mình sống chẳng còn bao lâu lại đau yếu luôn, nên ông đã dành hết sức lực để sáng tác và dịch thuật, rất tiếc những bản thảo của ông từ năm 1918 đến 1921 đã bị thất lạc, một phần do chiến tranh, một phần do gia đình lưu giữ không cẩn trọng.
Giữa năm 1921 (30 – 5 – 1921), ngôi sao trên trên bầu trời văn học đã tắt, thi hài ông được mai táng tại quê nhà, tang lễ cử hành trọng thể, họ hàng thân thích, bạn bè gần xa cùng nhân dân vô cùng thương tiếc tiễn đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng với dòng người kéo dài từ làng Thụy Khê đến làng Bưởi.
Trải qua năm tháng chiến tranh và gió bụi của thời gian, nay mộ chí danh nhân Phan Kế Bính đã chuyển  về nghĩa trang  Thanh Tước, bên cạnh mộ người vợ yêu quý của ông.
Cách đây không lâu, công trình của Phan Kế Bính viết năm 1915, Việt Nam phong tục  đã được bà Nicole Louis – Hesnard, thành viên Viện Đông Bác cổ Pháp, từ 1975 đến 1980 dịch sang tiếng Pháp có chú giải. Công trình này được đánh giá là một cuốn tham khảo quan trọng  cho những ai muốn am hiểu  xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Giới thiệu cuốn sách này bà Jeanne Beausoleil, quản thủ bộ sưu tập Albert Kahn đã đưa ra một sự so sánh thú vị. “ Sau khi đọc lời tựa cuốn sách của Phan Kế Bính, chúng tôi ta không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cách nhìn giống nhau  giữa tác giả Việt Nam (1875 – 1921) với Albert Kahn (1860 – 1940). Cả hai đều cảm thấy mình đang mang một sứ mạng giống nhau: giáo dục và những kiến thức về thực tế và nhờ sự giáo dục đó mà đem lại một định hướng mới cho xã hội”. Điều ấy đã được Phan Kế Bính diễn giải như sau: “Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau mà thành ra thói quen; hoặc bởi ở phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra; hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục.
Nhưng đại thể tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tin dung, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được …”
2
Trong bộ sưu tập ảnh của Albert Kahn vẫn còn giữ 1.700 tấm ảnh màu do Leson Busy chụp ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1915 đến 1920. Điều kỳ lạ là những tấm ảnh của Busy cứ như là hình ảnh minh họa cho cuốn sách của Phan Kế Bính, nếu đặt những tấm hình đó bên cạnh mục lục cuốn Việt Nam phong tục , ta sẽ nhận thấy cái giống nhau giữa chủ đề hai bên: làng xóm, chức sắc, công việc truyền thống, thành hoàng, lễ hội … đến đây người viết còn đặt ra giả thuyết: phải chăng Léon Busy đã từng gặp Phan Kế Bính và đã theo sát công việc của nhà biên khảo này. Vào năm 1915 quan hệ giữa nho sĩ và chính quyền thuộc địa còn khó khăn, nhưng Busy đã sống ở Hà Nội từ 1898, còn Phan Kế Bính thì sống ở ven Hồ Tây. Theo lời Phan Kế Bính thì “chồng bà luôn gặp gỡ bạn bè”:, biết đâu trong số đó có Léon Busy, vì ông này nói sõi tiếng Việt Nam thời đó.
Tháng 5 năm 2005 Hội KHLS Việt Nam và dòng tộc họ Phan sẽ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 85 năm ngày mất và trao tượng đồng danh nhân Phan Kế Bính cho dòng tộc họ Phan tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Thật sự là niềm vui, phấn khởi động viên tinh thần cho dòng tộc họ Phan. Chúng tôi nguyện noi gương rèn luyện và học tập để xứng đáng với danh nhân Phan Kế Bính, người đã đem lại niềm tự hào cho dòng họ.
NGUYỄN DUY YÊN
(Cháu ngoại cụ Phan Kế Bính)
Trích Tạp Chí Xưa Và Nay – Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam
Số 235 V – 2005 Năm Thứ Mười Hai
0 nhận xét

Chị cả của tôi

                                                                 
           Ảnh Đoàn Xuân Quỳ                                                       
CHỊ CẢ CỦA TÔI

Chị gái thân thương ánh sắc màu
Thay cha đỡ mẹ bớt lo âu
Đàn em thơ dại hằng chăm sóc
Làm chị nghĩa tình vẹn trước sau
Xót mẹ cuộc đời bao vất vả
Phận mình bươn trải ngại chi đâu
Bén duyên phải lứa nên chồng vợ
Hạnh phúc trăm năm ước nguyện cầu.

Hạnh phúc trăm năm ước nguyện cầu
Mối tình trong sáng giữ bền lâu
Danh thơm để lại cho con cháu
Nức tiếng thơ vang thế mới giàu
Trung hiếu hai nhà tròn đạo lý
Thủy trung đọng  mãi trái tim sâu
Một đời vun đắp xây vườn mộng
Thu lượm đầy thuyền quả đỏ au.

         Đoàn Xuân Quỳ
0 nhận xét

Tiễn người em gái

 












Ảnh hai chị em: Kim Vân&Xuân Quỳ

TIỄN NGƯỜI EM GÁI  

Bao cuộc chia tay một cuộc đời
Luyến tiếc làm sao lúc chia phôi
Hợp tan, tan hợp xưa nay thế
Cho lòng thầm kín nhớ xa xôi

Tiễn em hôm ấy một chiều mưa
Buồn lắm em ơi đến tận giờ
Vẫn biết chia ly là thương nhớ
Vẫn là muôn thuở tự ngàn xưa

Em có biết không cứ mỗi lần
Chia tay tạm biệt với người thân
Bâng khuâng lòng chị sao buồn thế
Đường về đôi ngả thấy xa xăm

Nào có xa gì để cho cam
Sài gòn - Hà nội chẳng tày gang
Em về trong ấy buồn xa vắng
Ngoài này chị nhớ lúc Đông sang.

              Mùa Đông 2014


           ĐOÀN KIM VÂN
0 nhận xét

Quê hương tôi...

                                       Quê hương tôi :PHỐ SUÔI XINH ĐẸP (Duy Yên&Kim Vân)
0 nhận xét

ĐÔI ĐIỀU CÙNG BẠN ĐỌC

                                                                       Ảnh Internet

                     ĐÔI ĐIỀU CÙNG BẠN ĐỌC

  Trước đây tôi đã cho ra mắt bạn đọc gồm các thể loại thơ in trong các tập : Tiếng lòng (1997), Dăm đời (2000) Chân trời mới (2003), Biển đời (2007),  Ngược dòng thời gian (2008), Mùa hoa nhãn (2010).
 Trong tập thơ này tôi có dụng ý viết theo thể loại tứ tuyệt (bốn câu), ngắn gọn nói về cảnh, người và sự việc.
Sử dụng lời tuy ít nhưng ý tứ sâu xa, tinh tế, gợi cho bạn đọc nhưng giây phút suy tư, rung động, dễ nhớ, khó quên.Tôi nghĩ thơ càng cô đọng, hàm chứa được nhiều ý và lời như thế sẽ làm giàu thêm chất thơ.
  Từ tuổi cắp sách tới trường, nay đã lĩn kĩn về già, ôn lại những chặng đường đã đi qua, thơ đã làm cho tâm hồn tôi trong sáng và an bình, vượt qua thác ghềnh giữa dòng đời đầy biến động
  Cái giới hạn thông thường của đời người sống được trăm năm đã là sung mãn lắm rồi, song thử hỏi được mấy ai?
  Ngẫm cho cùng :   Sinh tử chẳng qua cũng lẽ đời
                              Thời gian vun vút tháng năm trôi
                              Trần gian lận đận còn bao độ
                              Thấp thoáng qua đi một kiếp người.
  Thơ thẩn với cuộc đời ngót tám mươi xuân, tâm hồn thơ đọng mãi trong tôi, thơ có cá tính , phong cách, giọng điệu riêng, có buồn vui, ước mong và hy vọng, Mặc dù giai đoạn này có nhiều người mặc cảm với thơ văn, bới nó được xuất bản tùm lum, quá dễ dãi lại rơi vao thời kỳ khá nhiều người có lối sống thực dụng của nền kinh tế thị trường. Nhưng thơ ca vẫn có chỗ đứng với sức sống bền lâu, nó sẽ tồn tại mãi mãi, vì nó là cội nguồn của đất nước thơ ca.
  Trong một rừng thơ ca, có bài hay sẽ đi sâu vào lòng người, có bài không được hay thời gian sẽ tinh giản, sàng lọc, người đọc sẽ lãng quên. Âu cũng là quy luật khắc nghiệt của văn chương. ai đã đụng vào thì phải chấp nhận, ông "Thần văn học" phán xét chẳng kiêng nể ai, rất công bằng và chính trực.
  Tập "Lăng kinh thơ"này tôi muốn gửi tới bạn đọc đôi dòng kỷ niệm tinh thần, rất mong các bạn đón nhận và độ lượng.
                            Lòng còn gửi lại chút này
                           Tình thơ lai láng mà say hương đời
                           Trăm năm ra khỏi cõi người
                           Tâm hồn tôi vẫn sáng ngời niềm tin

                               Cuối Đông năm Quý Tỵ (1-2014)

                                        Đoàn Kim Vân

0 nhận xét

Cặp song ca...


Cặp Song Ca Hai Thế Kỷ


Ảnh Internet
(Đọc Biển đời, thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn Học, 2008)
Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật

Cặp Song Ca Hai Thế Kỷ

       Biển đời là tập thơ thứ tư của hai tác giả, cặp song ca hai thế kỷ: Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Họ song ca trên thi đàn suốt từ thủa đôi mươi đến lúc bạc đầu mà vẫn như chưa già. Sở dĩ có tên tập thơ Biển đời bởi nhà thơ chiến sĩ vệ quốc năm xưa Nguyễn Duy Yên có một bài thơ dài, có thể gọi là trường ca mang tên ấy. Trường ca biển đời có 6 chương, đánh từ I đến VI. Đọc đi đọc lại thấy có 5 chương đời và một chương đạo. Đời là đời người, là các quan hệ và ứng xử xã hội. Đạo là cái bao quát ở trên cao, chỉ dẫn cho lẽ sống, lối sống. Cái chương mang chất đạo ấy là chương thứ V toàn văn như sau:
Biển đời bát ngát mênh mông
Bao điều bí ẩn trong lòng đại dương
Lối đi trăm nẻo ngàn phương
Con đường định mệnh đoạn trường ai hay
Ngọt bùi chua chát đắng cay
Luân hồi một kiếp vần xoay bộn bề 
Tha hương mang nặng tình quê
Khát khao nỗi nhớ ngày về ước ao
Đất thì rộng trời thì cao
Biển đời sóng dữ dội vào quanh ta
Nắng mưa đâu có thuận hòa
Xanh đồng là bởi tay ta vun trồng
      Giọng thơ điềm tĩnh này chỉ thấy ở Nguyễn Duy Yên chừng hai mươi năm nay khi các suy nghĩ cùng thơ đã tới độ chín. Nói theo cách nói của các triết gia Trung Hoa xưa thì đạo là hình nhi thượng và đời là hình nhi hạ. Các thiết chế xã hội mà khổng tử đặt ra như: quân - thần - phụ - tử, quân - phu - phụ đều là hình nhi hạ. Còn với Trang Tử thì chỉ có hình nhi thượng mà thôi. Chính Khổng Tử cũng phải khâm phục Trang Tử ở tính uyên thâm.
       Khổng Tử viết: "Con chim kia có bay trên trời; trời rộng không cùng. Nhưng ta vẫn có thể lấy tên mà bắn. Con cá kia có lội dưới nước; nước rộng không cùng. Nhưng ta vẫn có thể lấy lưới mà quăng. Đến như đạo của ông Trang thì ta không lấy gì quản lý cho được".
      Trích dẫn câu nói để ý rằng thơ tới được cõi đạo là phải trải qua bao trầm luân của cuộc đời thường.
      Xuất thân từ một họ tộc lớn, trong họ hàng còn có người có tên trên văn bia danh giá tại Văn Miếu, Kim Vân là người quý trọng sự hiền tài, giao du rộng. Ấy là bối cảnh để cô đúc thơ ngày một sâu rộng.
       Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nguyên chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, khi phổ thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân có nói rằng: " Sự hiểu biết của anh, mới phổ thành nhạc được". Các nhạc sĩ hàng đầu Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân đến Trọng Bằng, từ Hồng Đăng, Huy Thục, Văn Dung đến La Thăng, Dân Huyền... đã cùng đồng cảm với hai tác giả, mà phổ nhạc một số bài thơ mang đậm nét chữ tình.
       Và theo quan sát của tôi còn có một người gọi là anh cũng được, là bạn vong niên cũng được, rất có thiện cảm với anh, chị Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên, nên đã có thơ tặng, in trong ba tập thơ: Dặm đời, Chân trời mới, Biển đời. Đó là nhà triết học, giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu, một nhà giáo, một nhà thơ, một nhà nho nữa. Bầu không khí tri thức và văn nghệ sĩ quanh hai tác giả nếu như ở Châu Âu thì gọi là " Bầu không khí quý tộc". Điều đó chỉ đúng bề ngoài thôi, bản chất thì không phải vậy. Cả hai tác giả vốn là  dân dã. Một Việt kiều tại Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Hoàn có mấy dòng sau đây:
Xuân nắng Cali rất dịu dàng
Trong vời thôn Thụy nhớ anh Yên
      Thôn Thụy trong dòng thơ ấy tức thôn Thụy Lôi thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ngạn ngữ có câu "Bánh dày nếp cái, con gái Tiên Lữ".Gái Tiên Lữ là vậy nhưng trai Tiên Lữ vất vả, muốn thành tài phải có máu phiêu bạt. Và cái thanh niên tân Yên trong thơ cũng là người có máu phiêu bạt nhưng phiêu bạt một cách.... cách mạng. Ngay từ thủa trẻ, Nguyễn Duy Yên đã phải rời xa quê hương nơi thật bình yên:
Nhớ tuổi thơ nhớ mái trường 
Cây đa giếng nước, con đường thủa xưa
Vẳng nghe vọng tiếng chuông chùa
Phố Suối sông Luộc sớm trưa đi về
      Từ tuổi thơ trong câu thơ ấy đến tuổi tám mươi như trong thoáng chốc, là người ở thế hệ đi sau, tôi mừng khi thấy tác giả Nguyễn Duy Yên còn tình tự được ở cái tuổi xưa nay hiếm, không phải tình tự với một thiếu nữ cụ thể mà tình tự với nàng xuân:
Xuân trẻ đẹp, xuân là muôn thủa
Đuổi theo nàng quên tuổi tám mươi 
Nồng cháy con tim đầy mộng ước
Hai đứa song hành dạo gót chơi
      Thú thật đoạn thơ vừa trích là câu cuối "hai đứa song hành", chữ "hai đứa" trong tiếng Việt chỉ những người không chỉ giống nhau về độ tuổi mà còn ở nhiều điểm chung khác.
      Câu thơ ấy là một sự kiêu ngầm: sánh với mùa xuân là sánh với sự bất tử. Nhưng dù sao đi nữa, ấy cũng là sự tình tự ước lệ, vu khoát từ trên cao, từ hình nhi thượng, từ cõi đạo người.
       Lật mở những trang thơ của mấy chục năm về trước, ta bắt gặp một Nguyễn Duy Yên  trẻ trung với tình cảm đời thường tinh tế trong nhớ nhung, chờ đợi, yêu đương... Đây là một đoạn trong bài Tiếc nuối có lẽ được tác giả viết trước ngày Giải phóng thủ đô1954:
 Dẫu rằng trăm nhớ ngàn thương
Vẫn không ngăn nổi đôi đường cách xa
Từ ngày em lên xe hoa 
Người về ngơ ngẩn vào ra một mình
    Và cả ở bải dấu yêu nữa, không biết viết vào ngày tháng năm nào:
Người đi mang thương nhớ
Nỗi buồn buổi tiễn đưa
Dù xa nhau mãi mãi
Vẫn nguyên vẹn tình xưa
      Những kỉ niệm như thế, đời người hẳn ai cũng có, như những đốm lửa đã tắt mà đôi khi còn hắt nóng ở những chặng đường sau. Cái buồn man mác của sự chia xa bao giờ cũng là cái buồn sang trọng.
Sông kia bên lở lại bên bồi
Bến cũ theo dòng lũ cuốn trôi
Người xưa vẳng bóng tìm đâu thấy 
Chỉ thấy chim sa tận cuối trời.
                                   (Bến xưa - 1964)
     Có thể, một vẻ đẹp cụ thể đã được nâng lên thành hình tượng của cái đẹp thẩm mỹ. Có thể tìm thấy điều này trong một bài thơ Nguyễn Duy Yên sáng tác cách đây gần sáu năm, bài thơ Tình lặng:
Thơ thẩn cô em đứng chờ ai
Tóc mây buông thõng tỏa hương nhài
Khách thơ chợt đến tình không nói
E lệ che nghiêng mái tóc dài
       Ấy là cô gái " chờ ai", tức là chờ bạn trai của cô ta chứ mắc mớ gì đến tác giả. Thế mà quen, thế mà hẹn, thế mà nhớ, thế mà buồn. Nghe thơ này không biết người bạn đời, bạn thơ của Đoàn Kim Vân có ghen không:
Mà có gì đâu để nhớ nhau
Một thoáng tơ vương một chút sầu
Ngược xuôi đôi ngả đường vạn nẻo 
Tình lặng thôi đành hẹn kiếp sau
      Nhưng đọc kỹ, thấy ghen để làm gì vì người đẹp trong thơ cũng như người đẹp trong tranh. Chính tác giả đã vẽ như vậy:
Từ ấy mang theo bệnh tương tư
Khắc khoải ngày đêm đợi ngóng chờ
Để rồi tất cả tan theo mộng
Người đẹp chỉ còn trong ý thơ
      Vâng, tôi không có ý bình luận tổng quát về thơ "giọng ca nam" Nguyễn Duy Yên trước khi nói về giọng ca nữ Đoàn Kim Vân mà chỉ muốn nói rằng thơ Nguyễn Duy Yên khi đạo rất đạo và khi đời rất đời. Nếu cần bình chọn một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Nguyễn Duy Yên trong tập thứ tư này, không thể thiếu bài Rừng chiều. Bài thơ bốn khổ vẻn vẹn 16 dòng mà man mác buồn. Thời gian tác giả chọn là lúc ngày sắp hết, đêm sắp sang:
Tôi muốn ôm hôn bóng dáng chiều
Chẳng có gì đâu một chút yêu
Hoàng hôn trĩu nặng gieo tĩnh lặng
Tia nắng cuối cùng cũng tắt theo
     Người đọc như ngợp trong khung cảnh tĩnh lặng, một màu nâu tối của kèn pha - gốt:
Dốc vắng lối đi mòn sỏi đá
Rừng chiều le lói bóng tà dương
Sương pha màu khói miền sơn cước
Thấp thoáng nẻo xa mấy bản mường
     Ngỡ như tranh Lêvitan, thấy cây, thấy cảnh, mà tĩnh lặng người, có đấy mà không đấy:
Trâu về lốc cốc mõ khuya vang
Nương rẫy xanh xanh lốn đốm vàng 
Dòng nước suối khe tuôn róc rách
Đi mãi về đâu bóng áo chàm
      Còn nắng thì còn thơ, tắt nắng thì thơ cũng dừng. Tô Đông Pha viết:"Ý hết ở đâu thì lời dừng ở đó là thơ mực thước. Lời hết mà ý chưa dừng là thơ trác việt". Cái cô đơn ở bài này là sự không dừng :
Rừng chiều tắt nắng ngả màu đen
Mờ nhạt xa xa mấy ánh đèn
Rừng khuya vắng lặng âm u quá
Canh trời còn lại ánh sao đêm
      Song hành cùng Nguyễn Duy Yên, thơ Đoàn Kim Vân đến hồi bừng nở như một mùa hoa có muôn loài rực rỡ. Cái khác về chất của giọng nữ so với giọng nam cùng tập thơ Đoàn Kim Vân nô nức hơn, tập trung hơn, người đọc thấy cuống lên khi gặp ở tập biển đời một cuộc duyệt binh mà vị tổng tư lệnh là Đoàn Kim Vân và người diễu qua khán đài là các loài hoa. Cho đến nỗi, tôi phải cố tra từ điển để biết loài hoa này khác loài hoa kia.
Trà hoa thưởng thức mùa xuân
Hồng hoa thanh nhiệt tinh thần thêm vui
      Trà hoa có phải là loại có tên là camellia, mà trà hoa tác giả nói là loài Camellia of Japan, hay loài Yellow Camellia? Là loài Water Plantago hay loài Water plantain ? 
Hoa tam thất chữa tiền đình
Trừ phong hoạt huyết lạc kinh phục hồi
Cúc hoa chữa sáng con ngươi
Thủy tiên kết hợp để rồi phát huy
       Không biết loài cúc tác giả nói tới là loài cúc nào, nếu là cúc vàng (Golden - Flowered Chrysan - Themum) thì dùng để chữa chóng mặt, nhức đầu và cả tinh mắt nữa. Còn loài thủy tiên( Daffodil) thì ở Nhật Bản coi là sự kết hợp của biểu tượng vương giả, thanh tao và kiêu hãnh  nữa.
Phù dung chữa bệnh béo phì
Hồng hoa công dụng phòng khi mạch vành
       Phù dung ở Mỹ gọi là Rose Nallow, sớm nở tối tàn. Còn loại hồng chữa bệnh tim tôi thật không tra cứu vào đâu. Chỉ thấy nói hoa hồng leo (Climbing rose) chữa bệnh say rượu thôi
      Không dừng lại ở đó, trong Những bông hoa rừng Đoàn Kim Vân nhắc đến hoa dã quỳ:
Dù cho giông tố bão bùng 
Dã quỳ vẫn nở giữa rừng Tây Nguyên
     Tác giả có cả một bài về hoa anh túc:
Nàng tiên nâu ẩn náu trong hoa 
       Đó là loài hoa đẹp mà phải lên án, khác hẳn loài hoa quỳnh trong bài thơ Kiếp hoa quỳnh:
Em từ kẽ lá nở ra
Quỳnh hoa em đẹp như là dáng tiên
Thẹn Thùng khoe sắc về đêm
Đợi người quân tử bên thềm ngắm trăng
Hoa cười cánh trắng như bông
Sao nhanh tàn héo cho lòng ai đau?
Bạn cùng trăng gió đêm thâu
Kiếp hoa để lại nỗi sầu thi nhân
       Xin cung cấp thêm tư liệu cho tác giả: hoa quỳnh còn được gọi là Hoàng hậu của màn đêm. Dạ hội thơ ngắm hoa quỳnh nở lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vào mùa thu năm 1939 tại nhà hàng chế dầu Khuynh Diệp mang tên Viễn Đệ ở Huế. Tên khoa học của hoa quỳnh là Phyllocatus và đúng là kiếp hoa để lại nỗi sầu thi nhân.
      Bà Đoàn Thị Kim Vân còn viết về hoa nguyệt quế:
Nhỏ nhắn xinh tươi trắng nõn nà
Đêm còn ươm nụ sáng đầy hoa
       Từ các loài hoa thật, nữ thi sĩ viết về các thành phố hoa. Ấy là Đà Lạt:
Đà Lạt lung linh một góc trời
Hoa đèn hòa quyện với hoa tươi
      Ấy là SaPa:
Cầu mây soi bóng suối SaPa
Thấp thoáng cao cao mấy nóc nhà
     Và cũng từ loài hoa thật. Nữ thi sĩ viết về "bông hoa người", ba cô con dâu mang tên loài hoa : Kim Cúc, Mai Hồng, Vân Anh:
Cúc vàng chào đón thu sang
 Hồng tô sắc thắm dịu dàng nở hoa
Anh đào cánh trắng nõn nà
Bốn mùa hòa quyện vườn nhà tỏa hương
                                     (Hoa đời - 2.2007)
      Tôi đi giữa các bài thơ của tác giả Đoàn Kim Vân như đi lạc vào trong các vườn hoa, không biết lối ra, chỉ thấy hương thơm của sự sang trọng mà không thấy bao quá khứ vất vả. Tôi chỉ muốn ngửi thấy hương thơm của hoa, không thấy mùi nhựa cây, mùi hăng hăng của mùn cưa, không gian tĩnh lặng đã xóa đi cái ồn ào vốn có của xưởng sản xuất đồ gỗ Mỹ Hà là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước, nơi mà nữ sĩ Đoàn Kim Vân đã sáng lập và làm giám đốc.
       Với tư cách là nhà thơ, đồng thời cũng là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi đã đọc rất nhiều bài báo ca tụng giám đốc sáng lập Công ty Mỹ Hà là bà Đoàn Kim Vân, một doanh nghiệp văn hóa năng động luôn biết kết hợp kinh tế với văn hóa, dân tộc với hiện đại, người đời ca tụng thôi chứ tác giả  khiêm nhường không tự nói về mình, chỉ thấy một thoáng buồn lúc tác giả nằm viện. Trong bài Tự sự, Đoàn Kim Vân viết:
Nhìn đời sóng mắt mờ sương khói
Ngán ngẩm nhân tình bạc tựa vôi
Tai chẳng muốn nghe lời kiệm nói
Sống đẹp sao đây trọn kiếp người
      Bài thơ còn được chú thích bằng một dòng nghe rất đỗi thê lương như sau:"Viết bài này vào tuổi 70, mắt mờ, tai nặng". May mà chỉ có mấy tuần ở trong cảnh ấy thôi, bây giờ thì khác. Không có một cụ già 70 tuổi nào tên là thế.
      Chỉ có một chị phụ nữ hơi cứng tuổi, tai tinh mắt sáng tên là Đoàn Kim Vân mà thôi. Ấy là không nợ ai tiền bạc, nhưng nợ tình thì vương vấn mãi:
Biển lặng mà sao tình không lặng
Xuân qua rồi vẫn nặng tình xuân
Tháng năm dồn góp bao thương nhớ
Xuôi ngược dòng đời nợ ái ân
       Ấy chính là con người không bao giờ ngừng nghỉ trong việc đi tìm cái đẹp:
Người đi tìm kiếm bạc vàng
Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
Ngẫm xem những tấn trò đời
Ai mà tìm thấy mặt trời nửa đêm
       Ngay ở đầu bài này tôi đã gọi vui hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân là "cặp song ca hai thế kỷ". Cũng bởi thế, đề tài thơ của hai tác giả có thể coi là một, có thể sắp xếp một tuyển tập thơ (cả hai có lẽ gần tới nghìn bài thơ), nếu biên tập, theo trình tự sau đây:
1. Quê hương
2. Tuổi hoa niên
3. Hà Nôi
4. Những  thành phố và những miền quê
5. Những hồ nước và những dòng sông
6. Thơ xuân
7. Thơ xướng họa
8. Thế sự
9. Chợ tình, chợ quê
10. Đình, đền, chùa, miếu
       Có một tuyển tập thơ như thế hẳn rất thú vị.
       Điều mà tôi mong được đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn từ hai tác giả là những chặng đường vất vả một thời (những năm tháng quân nhân của tác giả Nguyễn Duy Yên, những năm tháng tần tảo, một thời bao cấp vất vả của nữ sĩ Đoàn Kim Vân). Cái chung trong thơ hai tác giả là khá đa dạng rồi mà hình như hơi ít cái riêng. Cái được thì cũng đã rõ, nhưng cái mất cũng là nhu cầu mà bạn đọc quan tâm. Nói như trong bài Nỗi niềm của Đoàn Kim Vân:
Dễ đâu gặp được bạn hiền
Để cùng chia sẻ nỗi niềm hân hoan
Ước mơ cuộc sống thanh nhàn
Mà sao nặng gánh trần gian kiếp người
       Cũng bởi gánh nặng gánh đời nên phải gánh thơ.
       Chúc tác giả Nguyễn Duy Yên, tác giả Đoàn Kim Vân trẻ mãi trong đời và trong thơ. Chúc âm nhạc thơ của cặp song ca hai thế kỷ ngân mãi những bài ca bất tử.
Mùa hè 2007
0 nhận xét

BẠC VÀNG CỦA ĐỜI



BẠC VÀNG CỦA ĐỜI
Nhà báo Ngọc Phúc
Tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ lớn Chế Lan Viên:
Mỗi ngày ta gặp một người
Họ là một mảnh của thiên tài nhân loại
Nước mắt, máu của người đúc nên bao hình tượng ngữ ngôn
Vạt áo của triệu nhà thơ không đựng hết bạc, vàng đời rơi vãi
       Thơ trước hết là tiếng nói của con tim yêu thương, với Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân không ý thức mình là nhà thơ, nhưng thơ của anh chị chính là những sáng tạo đóng góp vào vườn thơ nhân loại, là "bạc, vàng của đời". Hai tập thơ của anh chị đã lần lượt được xuất bản: Tiếng lòng năm 1997 và Dặm đời năm 2000, gây được cảm tình của bạn đọc gần xa, nhiều bài có sự đồng cảm với giới âm nhạc, cho nên các nhạc sĩ có  tên tuổi đã phổ thơ của anh chị.
        Nhạc sĩ Hoàng Vân có Xuân với tôi phỏng thơ Nguyễn Duy Yên, nhạc sĩ Huy Du có Em ơi Biển! thơ của Nguyễn Duy Yên và Nhớ quê thơ của Đoàn Kim Vân, nhạc sĩ Trần Hoàn có Một chiều xa anh thơ của Kim Vân và Chiều buồn thơ Duy Yên, nhạc sĩ Thuận Yến có Thu cảm thơ Kim Vân và còn nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ của anh chị. Gần đây, đêm thơ nhạc Trăng và Biển do Nhà văn hóa Sinh viên - Học sinh Hà Nội tổ chức giới thiệu thơ, nhạc của anh chị với sự tham gia của các nhà văn nghệ sĩ tên tuổi đã đem lại cảm tình tốt đẹp trong khán giả Thủ đô.
         Từ Tiếng lòng đến Dặm đời chủ đề là tình yêu, anh chị đã có một số bài thành công, mà nguồn, cảm hứng lớn là mối tình chung thủy, trong  sáng của người thôn nữ với anh bộ đội cụ Hồ, chính hai tác giả là người trong cuộc. Nhiều cung bậc khác nhau của hai con tim yêu thương, say đắm từ cái thủa ban đầu lưu luyến ấy, đã xuyên suốt cuộc đời, tình yêu đã giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
       Trong cuộc sống, anh chị làm thơ như một nhu cầu của đời sống tinh thần, nhưng còn phải dành thời gian cho cuộc mưu sinh, lo toan nuôi dạy con cái trưởng thành.
         Anh chị còn là nhà doanh nghiệp nổi tiếng ở Hà Nội. Ngay sau khi về hưu, anh chị đã thành lập một hợp tác xã đồ gỗ mỹ nghệ với cái tên"Đồ gỗ Mỹ Hà". Hợp tác xã được thành lập từ năm 1982 qua gần 20 năm sản xuất và kinh doanh mỗi ngày một phát triển, tới nay đã có 12 của hàng đồ gỗ ở rải rác trong thành phố. Hợp tác xã Mỹ Hà đã khẳng định tên tuổi, vị trí của mình, được người tiêu dùng biết đến với cái tên quen thuộc.
        Sau mấy chục năm trời, ngày nay các con anh chị đã trưởng thành, anh chị đã giao phần lớn sông việc quản lí kinh doanh cho các con, vì thế anh chị có nhiều thời gian nghỉ ngơi đi tham quan du lịch, làm thơ, cũng vì thế mà bạn đọc yêu mến có thêm tập thơ thứ ba: tập Chân trời mới.
        Từ tình yêu lứa đôi trong hai tập thơ trước đến tình yêu quê hương, đất nước trong tập thơ này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cảm hứng sáng tạo của Duy Yên - Kim Vân. Nhờ có dịp đặt chân đến nhiều miền Tổ quốc, với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tâm hồn thơ lại được đánh thức, đến đâu anh chị cũng để lại những vần thơ kỉ niệm. Về thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, anh nhớ lại:
Quên gian khổ chỉ thấy lòng phơi phới
Hát bài ca đi  giải phóng quê nhà
                          (Một thoáng Điện Biên)
       Đến thăm Huế, anh chị viết thơ không chỉ nói về cái đẹp của Huế, mà còn có sự đồng cảm với một thi sĩ tài hoa đã khuất, Kim Vân cảm thông với tài thơ Hàn Mặc Tử phận mỏng:
Đọng lại bài thơ thôn Vĩ Dạ
Rảo bước ra về nắng nhạt thưa
                   ( Qua Thôn Vĩ Dạ nhớ người xưa)
Và Duy Yên cũng có chung một tâm trạng:
Qua Vĩ Dạ nhớ Hàn Mặc Tử
Lênh đênh sông nước bóng con đò
                        (Trở lại Huế)
       Với nhiều danh lam thắng cảnh, anh chị đều có chung một cảm xúc, nhưng thơ mỗi người lại một vẻ, một tâm trạng khác nhau. Mùa hạ năm 2000 đi SaPa, buổi ra về chị Kim Vân lưu luyến:
Rời Sa Pa mai xuôi Hà Nội
 Lưu lại lòng mình chút vấn vương
Núi rừng ơi hẹn ngày trở lại
Xa cách rồi biết mấy yêu thương
                       (Nhớ Sa Pa)
        Nói đến thơ là nói đến cảm xúc mãnh liệt, cô đọng, không ít người làm thơ thời trẻ về già phải buông bút, trái lại đến bây giờ anh chị đã ở tuổi "thất thập" mà sức viết vẫn còn sung sức, vẫn cảm xúc dạt dào ý thơ. Không phải bài thơ nào của anh chị cũng đạt đến trình độ nghệ thuật, nhưng lời và ý chân thành, hồn nhiên thì bài nào cũng có. Nhiều bài vẫn còn cái tươi nguyên của tuổi trẻ. Trước tình yêu, chị Kim Vân viết về Trăng và Biển, ai nghĩ là thơ của nhà thơ sắp tới tuổi cổ lai hy:
Thôi đừng nhớ cũng đừng mong
Đành ôm chiếc bóng cho lòng đỡ xa
Lênh đênh mặt biển đôi ta
Sóng xô lớp lớp, trăng sa đầy thuyền
Một trời sao biển mông mênh
Thuyền leo ngọn sóng bồng bềnh tóc em
        Không chỉ rung động trước những cảnh đẹp của thiên nhiên, đất nước mà cả khi xem một bộ phim hay một cuốn sách, cũng làm cho anh chị cảm thông, suy ngẫm. Ví như xem bộ phim Gonzaga của Braxin, thông cảm với nghệ sĩ Piano phải chấp nhận sự ruồng bỏ của gia đình, xa rời mọi vinh hoa phú quý để được sáng tạo âm nhạc với cây đàn Piano yêu quý, Kim Vân ca ngợi người nghệ sĩ ấy đã dũng cảm đấu tranh cho tự do, bình đẳng của phụ nữ trên toàn thế giới:
Nhạc với em là đấu tranh là tất cả
Vì con người đau khổ hãy vùng lên
Tìm cuộc sống tươi vui trong thế giới bình yên
Đòi phụ nữ có quyền tự do và bình đẳng
                                  (Bản nhạc ra đời)
         Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tốn nhiều giấy mực của thi nhân từ bao đời nay để ca ngợi, bình luận, Duy Yên đọc Kiều cũng động lòng trắc ẩn, thương cho người con gái tài hoa bạc mệnh:
Thương Kiều số kiếp long đong
Chuyện tình khéo đặt ra nông nỗi này
                            (Đôi mắt nàng Kiều)
      Văn học nước nhà có thêm một bài thơ về Kiều, cụ Nguyễn Du có thêm một người tri âm sau hơn hai thế kỷ, chứng tỏ tác phẩm của cụ nguyễn Tiên Điền vẫn gần gũi chúng ta, sừng sững như cây đại thụ trong vườn thơ dân tộc.
      Thơ tặng bạn bè cũng là nội dung trong tập Chân Trời mới, ở đó có sự đồng cảm chia sẻ nỗi lòng với bạn bè. Kim Vân nhớ tiếc nghệ sĩ nhân dân Lê Dung, không chỉ là tình thương cảm, nuối tiếc mà còn là sự tồn vinh của nhân dân với người nghệ sĩ tài hoa:
Ngôi sao đã tắt dưới bầu trời xanh
Người đi vào cõi tâm linh
Lời ca, giọng hát, riêng mình còn nguyên
Đời luôn nhắc đến tên em
Danh ca nghệ sĩ thân quen một thời
                         (Nhớ tiếc NSNN Lê Dung)
       Tình yêu quê hương sâu nặng trong lòng người xa quê, đã hơn 40 năm gia đình anh chị sống ở Hà Nội nhưng luôn hướng về quê nhãn Hưng Yên. Trong tập thơ Dặm đời có nhiều bài thơ cảm động nói lên nỗi lòng của người con xa quê, trong đó có bài Nhớ quê của chị Kim Vân, nhạc sĩ Huy Du đã đồng cảm phổ nhạc:
Xa rồi năm tháng thời gian
Mà sao nhớ quá xóm làng thân yêu
Nhớ con sông, nhớ những chiều
Con đê vắng mấy xóm nghèo bên sông
Ăn quả nhớ đến người trồng
Lớn lên bởi có tấm lòng quê hương
                         (Nhớ quê)
       Hà Nội quê hương thứ hai của anh chị, chị ca ngợi vẻ đẹp Hồ Gươm với nỗi niềm trắc ẩn, suy tư, bốn khổ thơ theo thể thất ngôn, tác giả vẽ nên cảnh đẹp Hồ Gươm gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Xanh thẳm Hồ Gươm giữa kinh thành
Tháp Rùa in bóng nước lung linh 
Đã trải bao thu mùa lá rụng
Chứng kiến bao lần lửa chiến tranh
                         (Bóng rùa Hồ Gươm)
          Nói đến rùa Hồ Gươm gợi cho ta nhớ đến chiến công của Lê Lợi ở thế kỷ XV chiến thắng quân Minh, Hồ Gươm còn là biểu tượng của Hà Nội, là "Thành phố hòa bình", được thế giới công nhận. Trong diễn văn khai mạc "Năm quốc tế vì hòa bình", chủ tịch thành phố đã khẳng định biểu tượng hòa bình của Thành phố Hà Nội là hình ảnh vua Lê Lợi trả lại thanh gươm báu cho thàn Kim Quy trên hồ Lục Thủy, nay gọi là Hồ Gươm, sau khi quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi quốc gia Đại Việt.
        Gần đây các nhà khoa học đã chứng minh trong lòng Hồ Gươm còn có cụ Rùa từ thời trả gươm ở thế kỷ XV và đặt tên khoa học là Rafetusleloii, một giống rùa chưa từng có trên thế giới gắn với truyền thuyết lịch sử về người anh hùng khai sinh triều đại nhà Lê. Và nói về rùa Hồ Gươm, chị Kim Vân viết:
Thần Rùa sinh sống ở nơi đây
Ẩn mình đáy nước có ai hay
Đôi lúc hiện lên cho đời thấy
Hình hài giỡn sóng giữa trời mây
                      (Bóng Rùa Hồ Gươm)
       Hồ Gươm nối quá khứ với hiện tại, đó cũng là lý do Bóng rùa Hồ Gươm trở thành nhạc phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến.
       Vào năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhìn về tương lai tương lai tươi sáng của đất nước chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI, chị Kim Vân tin tưởng và khẳng định Thế kỷ tương lai.
Thế kỷ mới chặng đường dài
Vượt bao gian khổ xây đài vinh quang
Giang sơn to đẹp đàng hoàng
 Dân sinh hạnh phúc vẻ vang giống nòi
        Duy Yên viết về năm chuyển giao thế kỷ, nghĩ về ngày mai Tổ Quốc mình, anh viết hai bài thơ cùng tên Chân trời mới với cảm hứng chủ đạo là niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước:
Chân trời mới 
Đường rộng thênh thang
Thẳng tiến chúng ta đi
Kỷ nguyên mới gắng nghĩ suy
Vươn tới tầm cao lý tưởng
        Có lẽ đó cũng là lý do anh chị chọn tên bài thơ này đặt tên cho cả tập thơ Chân trời mới.
        Tiếng lòng, Dặm đời và Chân trời mới là ba tập thơ của hai con tim hòa cùng nhịp đập.
Những đóa hoa về tình yêu cuộc sống đã hiến dâng cho đời, góp thêm một bông hoa tươi thắm vào vườn hoa văn học đang thi nhau đua nở, làm cho đời sống con người phong phú và lành mạnh hơn.
0 nhận xét

Hãy cứ nói...


LỜI BÌNH TẬP THƠ: HÃY CỨ NÓI NHỮNG ĐIỀU CỦA HƯƠNG NHÃN

HÃY CỨ NÓI NHỮNG ĐIỀU CỦA HƯƠNG NHÃN
(Đọc Mùa hoa nhãn, thơ của Đoàn Kim Vân
 Nxb, Hội nhà văn, 2010)
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ
       Tôi biết tác giả Đoàn Kim Vân có thời gian tham gia hoạt động xã hội nhiều năm. Bởi thế chị thường có mặt ở nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Vốn là người đa cảm, đi đâu, ở đâu chị cũng giành thời gian cho thơ. Phần nhiều bài trong các tập của chị được giành cho đề tài này - tất nhiên trong đó có cả chính cho quê hương mình. Đến nay chi đã có 5 tập in chung (2 tác giả) và 2 tập in riêng: Ngược dòng thời gian - Nxb. Văn học 2008 và đây là Mùa hoa nhãn - Nxb. Hội nhà văn 2010. Trong số các tập ấy, ngược dòng thời gian chiếm vị thế quan trọng trong quá trình thơ chị. Ở đây, các suy nghĩ hầu như diễn biến một cách chín đọng từ tư duy và từ lối thể hiện, làm cho thơ chị chuyển sang bước thang mới, đánh dấu sự chuyển đổi nghệ thuật thơ mình. Mùa hoa nhãn - tập thơ mà chúng ta đang có trên tay được tiếp nối ngay sau bước chuyển đó. Một chùm nhãn lồng Hưng Yên đầy đặn đang tỏa thơm như tấm lòng tác giả qua thơ trên trang giấy, nó cũng đạt đến độ chín.
         Chúng ta sẽ gặp ở đây một lối thể hiện tự nhiên phù hợp với nội dung thơ của Đoàn Kim Vân mà phần chị dành để ghi lại các điểm đến trên các vùng quê hương đất nước. Từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đến người lao động và quê hương của mình. Tuy nhiên, nhất định khác với những tập thơ trước bằng cách có chọn lọc mà chủ yếu ở sự thể hiện nâng cao.
       Trong bài "Mùa hoa nhãn", Đoàn Kim Vân đã thoát ra khỏi tình trạng mà khi viết về quê mình, nhiều tác giả thường tham gia đủ các chi tiết, chị đã cô đọng hơn ở những câu gợi tả bằng ba hình ảnh: dòng sông vỗ bờ nhãn hoa vàng có hương mật ong, là đủ. Đặc biệt, trong hình ảnh này, ta dễ nhớ được đôi câu:
Chuyến đò ngang mấy cánh buồm ngược gió
Hạ chớm về, hoa nhãn tỏa hương rơi
Đấy là ở quê, còn ở Hà Nội, nơi sinh sống hiện tại thì chị nhìn Hồ Tây như thế nào:
Giăng tơ trong ánh hoa đèn
Sương khuya mờ ảo, con thuyền đung đưa
        Và ở nhiều bài khác, ngoài việc chắt lọc, cô đọng mạch cảm xúc, chị chú ý nhiều đến cách dùng từ rồi để câu thơ tự nó gợi mở xúc cảm, giọng điệu phù hợp với địa danh. Tôi chỉ nêu thêm một vài nơi có đặc điểm riêng mà chúng ta dường như đã có lần đặt chân đến, như ở SaPa:
Khách đứng ngang trời, mơ mà thực
Ngẩng mặt trông lên đá đội đầu.
Ở Huế thì:
Lững lờ thuyền thả êm trôi
Gió vờn khua nước, trăng soi mạn thuyền
...
Đêm tàn lãng đãng sương rơi
Thuyền neo đậu bến, dòng đời cuốn theo...
       Đấy là những câu thơ hay, vượt lên khỏi sự mô tả cụ thể và đơn điệu như chúng ta vẫn bắt gặp, còn riêng với chị, vượt qua nhiều bài ở những năm trước đây.
        Trong thơ của tác giả, hầu như và dĩ nhiên ở tập nào nhà thơ cũng dành một phần nói khá đậm về suy tư với đời sống bằng cách cảm nhận riêng của mình. Đoàn Kim Vân cũng không là ngoại lệ. Gần một nửa số bài trong tập được chị giành cho việc ấy. Mạch tình cảm có chủ ý đã quán xuyến theo chuỗi quan sát, suy ngẫm tạo một trình tự có trước, có sau hợp với tâm trạng mà tác giả cần bộc lộ. Có thể ở đâu đó, khi vắng người thân, khi cần phải vượt khó, trước biển, chị viết:
Mênh mông biển rộng sông dài 
Sầu riêng một gánh, hai vai nặng tình.
      Rồi sau những ngày vất vả, lăn lộn với cuộc sống, lúc tĩnh tâm ở quê nhà, chị viết:
Trải bao mưa nắng, dãi dầu
Dừng chân vườn cũ, mái đầu điểm sương.
      Trong "Mùa hoa nhãn" còn nhiều bài, nhiều ý cô dọng về các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và vợ chồng - đều là sự gắn kết giữa tình cảm và trách nhiệm - đó chính là bản năng, ước muốn chính đáng của người làm thơ , trước bạn đọc. Có một lần, chị nhắn với em gái của mình:
Em về trong ấy buồn trống vắng
Ngoài này chị nhớ lúc đông sang.
        Thật cảm động. Có khá nhiều câu thơ hay ở các bài như: Thu cảm, Chiều tiễn biệt, Dòng sông nỗi nhớ, Qua thôn Vĩ Dạ nhớ người xưa, Đôi vầng nhật nguyệt, Hà Nội vào thu... mà tôi không trích ra đây. Chỉ xin thêm một ý với tác giả ở chỗ qua thơ chúng tôi hiểu về chị và mong ước cuộc sống của chị, làm đẹp cho mình và cho mọi người như đời và thơ chị là một việc khó. Với những bài thơ trân thành này - dẫu có câu còn chưa thoát ý nhưng khát vọng là chính. Hãy cứ nói những điều của hương nhãn dẫu từ chị cũng đã ý thức được từng bước đi trong thơ rất khiêm nhường của mình:
Bài thơ mới viết nửa chừng
Giấc mơ chiều, mãi xin đừng đi qua.
Hà Nội, Tháng 6-2010
0 nhận xét

ĐỂ CÓ NGỮNG BÀI THƠ DỊCH....

ĐỂ CÓ NHỮNG BÀI THƠ DỊCH ĐÚNG VÀ HAY
Nguyễn Duy Yên

      Dịch thơ là một vấn đề khó. Dịch thơ không phải là dịch nghĩa bài thơ. Dịch thơ là dịch một bài thơ từ ngôn ngữ này ra ngôn ngữ khác. Bởi vậy muốn dịch thơ trước hết phải là người biết làm thơ. Thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình, thông thạo luật lệ các thể loại thơ của mỗi nước. Nếu không thành thạo nhuần nhuyễn tiếng nói của dân tộc mình, không biết và hiểu các thể loại thơ thì chúng ta không thể dịch được thơ.
      Trong dịch thơ có hai tiêu chuẩn được coi trọng ngang nhau là dịch cho đúng và dịch cho hay. Dịch cho đúng một bài thơ, không phải là sát nghĩa từng chữ từng câu mà cần đúng với tinh thần bài thơ, nói được hồn của bài thơ. Dịch cho hay một bài thơ là làm sao bản dịch rung động trước người đọc, khi đọc nguyên tác bài thơ rung động thì khi đọc bản dịch cũng rung động như thế. Nếu dịch không đúng thì có thể phản lại ý tưởng của tác giả, nếu dịch không hay thì không có gì quyến rũ được người đọc.
      Bởi vậy muốn dịch cho đúng và cho hay bài thơ mình định dịch thì trước hết ta phải đọc kỹ bài thơ, xem tác giả muốn nói gì về đất nước, con người, về tâm tư tình cảm của tác giả. Ví dụ bài thơ "Việt nữ từ" của Lý Bạch có 4 câu:
"Da Khê thái liên nữ
Kiến khách trạo ca hồi
Tiếu nhập hà hoa khứ
Dương tu bất xuất lai"
      Ta phải tìm hiểu xuất xứ của bài thơ. Đây là bài thơ Lý Bạch làm khi đi vãn cảnh hồ Da Khê. Người con gái hái sen thấy khách đến thì thẹn thùng, quay thuyền về, nấp dưới lá sen không giám bước lên bờ. Thế thì phải dịch như Khương Hữu Dụng:
Gái Da Khê hái sen
Thấy khách hát quay thuyền
Cười lấp vào sen lánh
Thẹn thò chẳng bước lên.
      Người con gái hái sen thấy khách, hát quay thuyền và thẹn thùng nấp vào sen lánh mặt, chẳng dám bước lên, chứ không phải một số người đã hiểu lầm là Lý Bạch hát quay thuyền. Có hiểu xuất xứ bài thơ mình định dịch thì mới tránh được dịch sai nội dung bài thơ. Chính không tìm hiểu xuất xứ bài thơ nên dịch giả Vương Tử Ba đã dịch sai bài thơ "Demain des 1' aube" của Victor Hugo.
      Victor Hugo có người con gái là Leospoldine Hugo đã cùng chồng chết ở Villequier ngày 4/9/1843. Bốn năm sau ngày 4/9/1847, Victor Hugo đi thăm mộ con và làm bài thơ "Demain des 1'aube" vào ngày 3/9/1847, tức trước ngày người con gái của tác giả mất. Do đó bài thơ mới mang đầu đề là "Ngày mai, từ lúc rạng đông". Chính vì người dịch chưa hiểu xuất xứ của bài thơ nên đã dịch là: "Victor Hugo đi thăm mộ người yêu". Thật là một sai lầm tai hại!
      Lại nói thêm về dịch thơ Việt ra thơ Pháp. Bác Hồ có bài thơ "Cảnh khuya"
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa 
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ 
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà"
      Câu thơ "Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ", ý Bác Hồ nói cảnh khuya như vẽ, nhưng không phải cảnh khuya đẹp mà Bác chưa ngủ, mà Bác chưa ngủ, mà Bác chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Nhưng dịch giả Phạm Nguyên Phẩm lại hiểu sai ý câu thơ đó nên trong tập thơ Hồ Chí Minh (NXB Hội nhà văn, 1/2005), đã dịch là "La nuit brosse un tableau d'homme mal endormi". Dịch như thế là sai ý câu thơ của Bác Hồ. Sao lại cảnh khuya vẽ người chưa ngủ? Cho nên dịch thơ ta cần phải đọc kỹ bài thơ, đọc kỹ câu thơ để thấu hiểu ý tứ bài thơ thì mới mong tránh khỏi sai lầm.
       Trên đây, tôi nói muốn dịch thơ cho đúng, ta phải nghiên cứu kỹ câu thơ, ý bài thơ, phải hiểu được xuất xứ của bài thơ thì ta mới dịch được đúng bài thơ mình chọn dịch.
       Còn tiêu chuẩn thứ hai là dịch cho hay một bài thơ thì tôi nghĩ như thế này. Dịch thơ mà dịch sát nghĩa từng chữ (mot à mot) từng câu như một số người đã bảo vệ ý riêng của mình, thì dịch thơ làm sao hay được.
Dịch cho hay là làm sao khi dịch bài thơ người ta đọc thấy bản dịch rung động trong lòng như khi đọc nguyên tác. Chẳng hạn ta đọc bài thơ dịch "Sonnet d' Arvers" của Khái Hưng, ta thấy rất hay vì bản dịch đã lột tả được tâm hồn bài thơ. Bản dịch bài thơ của Khái Hưng như sau:
"Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
Hỡi ôi! Người đấy ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dầu ta đi trọn đường trần
Nỗi riêng há dám một lần hé môi
Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình
Một niềm tiết liệt, đoan trinh
Xem thơ nào có biết mình ở trong
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây"
      Những bài thơ hay hoặc dịch hay đều sống mãi trong lòng chúng ta.
      Lại nói đến bài "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu mà Tản Đà đã dịch:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
      Bài thơ dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà từ khi ra đời đến nay được đánh giá rất cao.
Dư luận trong văn học nhất trí cho rằng chưa có bài thơ dịch nào vượt được. Tôi còn nhớ khi báo "Ngày nay" giới thiệu bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu và bài dịch của Tản Đà, tòa soạn có lời nói đầu ngắn gọn nhưng trang trọng. Sau này năm 1992 NXB Giáo dục có in tập "Thơ Việt Nam 1930-1945" nhà phê bình Văn Tâm khi viết về Tản Đà, ngoài những bài thơ sáng tác của ông coi bài dịch Hoàng Hạc lâu như một bài sáng tác.
      Ta có thể nói trong 8 câu thơ dịch của Tản Đà câu nào cũng gợi ra sự xôn xao rung động của người dịch. Hai câu đầu khi Thôi Hiệu chỉ mở ra cánh cửa lầu Hoàng Hạc, khi chim bay đi thì Tản Đà đã có những chữ đầy luyến tiếc như "đi đâu", "còn trơ"...Đến câu 3-4 là hai câu đặc sắc nhất của Thôi Hiệu thì hai câu dịch của Tản Đà không kém gì nguyên tác
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
      Đến hai câu 5-6 tả cảnh sông nước xung quanh, Tản Đà đã có những chữ đưa đẩy rất duyên dáng như "sông tạnh cây bày", "xanh dày cỏ non". Đến hai câu 7-8, câu thơ dịch của Tản Đà vẫn chứa chan luyến tiếc "khuất bóng hoàng hôn", "cho buồn lòng ai"
       Bài thơ dịch của Tản Đà đã làm vui lòng bạn đọc. Trong việc dịch thơ ở nước ta không phải chỉ riêng Tản Đà dịch được thanh thoát, mà cha ông chúng ta cũng có rất nhiều bài thơ dịch hay, như bà Đoàn Thị Điểm dịch "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, Phan Huy Ích dịch bài"Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị ...
       Nói tóm lại, dịch thơ là một sáng tạo nghệ thuật, phải lột tả được cái hồn của những bài thơ mình chọn dịch. Dịch ngược hay dịch xuôi đều phải làm được như thế mới mong chinh phục được người đọc.
Trích trong tập "Bàn Về Quan Điểm Dịch Thơ" - Nhà xuất bản Hội nhà văn 7/2011
0 nhận xét

Lời giới thiệu...

                                                                   Ảnh Internet

  LỜI GIỚI THIỆU (Tập thơ LĂNG KÍNH THƠ- Thơ Đoàn Kim Vân)

           LĂNG KÍNH THƠ HAY KÍNH VẠN HOA CỦA ĐỜI
                      Nhà thơ Bằng Việt- Chủ tịch Hội LHVHNT Hà nội.

   Đã lâu, chúng ta mới có dịp được đọc liên hoàn cả một tập thơ thanh thoát gồm tới 200 bài thơ ở dạng tứ tuyệt thuần chất hoặc phá thể, đồng thời thêm một bài thứ 201 coi như làm đề từ cho cả tập: "Lăng kính thơ" của tác giả Đoàn Kim Vân. Có thể đọc một hơi mà không thấy đơn điệu dù chỉ toàn một thể bốn câu, và đọc liền một mạch mà cũng không hề thấy mệt mỏi, vì chất thơ tuy hàm súc nhưng lại mở ra nhiều suy tư và cảm nhận đa dạng, phong phú đến vô cùng. Tôi có thể ví "Lăng kính thơ" không khác gì ống kính vạn hoa của cuộc đời, soi vào đó, chúng ta nhìn thấy mọi cung bậc hỉ, nộ,ái, ố của chính đời sống hôm nay.
   Nếu làm một chút liệt kê theo chủ đề,thì trong :"Lăng kính thơ" có những mảng đậm về thế thái nhân tình, về cái đẹp và cao quý ở đời cũng như những điều ô trọc đáng phê phán, kể cả những thói xấu rất cụ thể của người đời như lòng tham, tính ti tiện trong cách sống giả nhân nghĩa, lắt léo, phỉnh phờ, xu nịnh, dối trá.thậm chí cả thói mua quan bán chức, lường gạt người dân lương thiện ở mặt trái của xã hội..Tuy nhiên, tác giả vẫn thiên về hướng tôn vinh và đề cao tính hướng thiện cũng như tình người đích thực trong cách sống, ca ngợi vẻ đẹp trong trẻo của con người thẳng ngay,lương thiện ; ca ngợi sự linh thiêng trong tình cảm lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Những bài thơ nửa như tự sự, nửa để răn đời tuy chỉ có bốn câu ngắn nhưng đúc kết được khá nhiều điều phong phú về triết lý sống, về đạo đức làm người. Điều này lại càng đáng tin cậy khi tác giả đã đứng ở tầm cao về tuổi đời và kinh nghiệm sống để truyền lại cho lớp người trẻ hơn với cách nói nhẹ nhàng mà thấm thía, với cách triết lý giàu từng trải và kinh lịch thực tiễn, không sa vào tự biện, cũng không rơi vào cung cách giáo huấn nặng nề.
   Những mảng đề tài khác cũng nổi bật trong tập thơ có thể kể ra như mảng vế đề tài Hà nội (Hồ Gươm, Tháp Bút,Tháp Hòa Phong, Văn Miếu, Tây Hồ...) cũng được chấm phá thanh thoát và nhiều sức khơi gợi. Đặc biệt, tác giả còn tả cả về "Hà Nội lụt" hôm nay với lời kêu than vừa chua chát vừa hóm hỉnh gửi tới"ông thoát nước" - chớ hẹn hò xuông mà cứ để dân đen cam chịu chống chèo mãi với tính đỏng đảnh của ông Trời! Một bài thơ vừa trữ tình lại vừa có tính hoạt kê.
   Tiếp đó, có thể kể đến mảng đề tài về hoa. Tác giả khá tinh tế và dịu dàng khi viết về hoa Sen, hoa Lộc vừng, lại không kém phần sắc sảo và uyển chuyển khi viết về hoa Nguyệt Quế, và cũng đầy thương cảm và chua xót khi viết về sự mỏng manh của kiếp hoa Quỳnh. Nhưng thú vị hơn nữa từ hoa thật tác giả đã liên hệ đến " hoa người" khi gọi tên từng cô con dâu hòa thuận ,nết na của gia đình mình- cũng vốn là tên các loài hoa- được cách điệu lên thanh những bông " hoa đời" dung dị nhưng luôn tỏa sắc hương tươi thắm và niềm vui cho mọi người.
   Tả mùa, tác giả tỉ mỉ đề cập cả đến bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với những chấm phá đặc trưng cho . cảnh quan và tâm trạng riêng của con người với từng mùa. Tả địa danh và các vùng quê đặc sắc trên cả nước, tác giả đề cập đến  rất nhiều cảnh quan nổi tiếng của cả dải non sông gấm vóc, như Hạ Long, Huế, sông Thạch Hãn, sông Hương, những nét thơ mộng của Sa Pa, Đà Lạt, Tản Viên, Tam Đảo, Sầm Sơn... Đặc biệt tác giả còn tràn đầy cảm xúc và tình cảm công dân sôi sục khi viết về các vùng biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân thương hiện còn đang bị thế lực nước ngoài xâm chiếm và cát cứ.
   Trong tập, cũng còn một mảng đề tài khá sâu đậm về các danh nhân văn hóa như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hải Thượng Lãn Ông, Tú Xương ; đến các văn nghệ sĩ đương thời có nhiều gắn bó với đời sống tình cảm và tâm hồn tác giả như : Giáo sư AHLĐ Vũ Khiêu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật, NSND Lê Dung, nữ anh hùng Đặng Thùy Trâm... Mỗi bài thơ, tuy chỉ như một nét chấm phá nhỏ về các nhân vật kể trên, nhưng đều thể hiện được tình cảm bộc bạch và chân thành của tác giả và các đối tượng mình đề cập đến - những tài danh ở góc độ này hay góc độ khác từng để lại trong trái tim tác giả những nốt trầm lặng lẽ nhưng còn đủ sức vang rung mãi về sau.
   Cuối cùng chúng ta không thể không dừng lại lâu hơn một chút ở mảng đề tài khà phong phú viết về  bản thân tác giả, với hàm ý của tác giả muốn gợi mở ra những điều gì chiêm nghiệm, tự răn mình, tự nhủ mình, cốt cũng nhằm để sửa mình; hoặc tự suy ngẫm sâu xa và lo tính nhiều bề để giải được những "mật mã cuộc đời", để chọn bạn, để lập thân và tu thân trong suốt chiều dài có rất nhiều biến cố và thăng trầm của mỗi thân phận con người : " Mênh mông mặt nước sông dài / Một chiều xa một mảnh đời lênh đênh...". Có những câu thơ trực giác, nhưng cảm động vì cố níu kéo một khoảnh khắc để cho nó còn ở lại với mình,  không bị tan nhòa vào vô tận : "Nhớ nhau thì nhớ hôm nay nhé / Có lệ rưng rưng nặng khối tình...".Có đôi lúc, tác giả bị lung lay niềm tin vào cái Chân, Thiện, Mỹ ở cuộc đời khắc nghiệt, chỉ còn lại một phút ngậm ngùi vì cái bon chen vô vọng của kiếp người " Thiên đường mơ tưởng nào đâu thấy / Chỉ thấy bon chen một kiếp người". Tuy vây, giọng điệu chủ đạo trong cả tập thơ dù sao vẫn là lạc quan, vẫn nắm vững ở thế chủ động :"Trăm năm ra khỏi cõi người / Tâm hồn tôi vẫn sáng ngời niềm tin". Và dù cho rằng mỗi con người có một số phận, nhưng tác giả không bao giờ chịu đứng ở thế bị động, để thả mình buông trôi vào yếm thế, mà luôn luôn nắm vững một chân lý chủ đạo,có thể nói là ở một tư thế tự tin làm chủ số phận, thể hiện rõ tính cách và bản lĩnh của một con người dám quyết đáp trong mọi việc "Số phận con người cũng tự ta...". Đó chính là cái gốc của mọi điều để ta tự răn mình, tự nhủ mình khi suy ngẫm về số và vận của đời mình.
   Phần suy ngẫm và chiêm nghiệm có thể nói là bay bổng nhất và thanh thản nhất trong tập thơ chính là phần cảm nhận về thơ và vai trò của thơ trong cuộc đời một con người. Đây cũng là phần tác giả viết nhẹ nhàng, tươi tắn nhất, và cùng với phần chiêm nghiệm về số phận con người, đây cũng là phần có nhiều câu thơ hay nhất trong cả tập. Có những câu lửng lơ mà da diết : "Bài thơ viết mới nửa chừng / Giấc mơ chiều đến xin đừng qua đi". Có những câu triết lý mộc mạc mà sâu sắc : Người đi tìm kiếm bạc vàng / Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi / Ngẫm xem những tấm trò đời / Ai mà tim thấy mặt trời nửa đêm "..Hoặc đôi câu khác lại có cái " ngẩn ngơ" rất thi sĩ, đó là chất thi sĩ trẻ, thơ lãng mạn vẩn vơ của ngàn đời " Có người đi nhặt hoàng hôn /Đêm về đan dệt nỗi buồn vu vơ..."Nhưng chất lãng mạn tích cực, đầy nhận thức trong lành, đầy chất liệu hiện thực mới là chất lãng mạn ấn tượng nhất trong tập thơ ; "Nếu trái đất này mà không có biển / Ai dám mơ tìm thấy một thiên đường".Qủa thực, đến với thơ và gắn bó thơ với đời một cách hài hòa, tác giả đã được đền bù xứng đáng ; 'Tháng năm rồi sẽ qua dần / Dòng đời nối tiêp tình Xuân còn dài...".
   Hai trăm bài thơ, mỗi bài một vẻ, mỗi bài một khía cạnh, một góc độ, nhưng chúng xứng đáng là miếng kim cương đủ màu sắc óng ánh trong ống kính vạn hoa của một nhà thơ tràn trề cảm xúc. Xin chúc mừng tác giả Đoàn Kim Vân và trân trọng được giới thiệu với bạn đọc.

                                                                      Nhà thơ  Bằng Việt
 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa