0 nhận xét

Ảnh tư liệu


Từ trái sang phải Phạm Bào,vợ chồng nhà thơ DUY YÊN & KIM VÂN,

                   nhà thơ XUÂN QUỲ , MC Kiều Trang.
0 nhận xét

MỘT HỒN THƠ ĐA CHIỀU VÀ DA DIẾT

Ảnh Internet

Bài Viết Nhận Xét Tập: Lăng Kính  Thơ  của Đoàn Kim Vân(NXB Hội nhà văn (2014)

MỘT HỒN THƠ ĐA CHIỀU VÀ DA DIẾT
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoa
Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã hội Việt Nam
       Một người bạn đưa  cho tôi xem tập bản thảo Lăng kính thơ. Chỉ mới đọc mấy trang đầu thôi mà tôi đã bị cuốn hút thật sự. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi được biết tác giả là nữ giới - nhà thơ Đoàn Kim Vân - ở góc độ sáng tạo văn chương thật dồi dào. Kể từ ngày nghỉ hưu và công việc kinh doanh, bà đã cùng chồng là nhà thơ Nguyễn Duy Yên (cháu ngoại của nhà văn hóa - danh nhân Phan Kế Bính), say mê hơn trong công việc sáng tác thơ ca. Ông, bà đã để lại cho đời một lượng tác phẩm  thật đáng nể phục như sau:
Tiếng lòng (tập thơ in chung, Nxb. Văn hóa - Thông Tin, 1997); Dặm Đời (tập thơ in chung Nxb. Văn học, 2001); Chân trời mới (tập thơ in chung, Nxb. Văn học, 2003), Biển đời (tập thơ in chung, Nxb. Văn học, 2008), Tuyển tập thơ (tập thơ in chung, Nxb. Văn học, 2010), Ngược dòng thời gian - in riêng (Nxb. Văn học, 2008); Mùa hoa nhãn - in riêng (Nxb. Hội nhà văn, 2010); Lăng kính thơ - in riêng (Nxb. Hội nhà văn, 2014). Mênh mang xuân... (tập thơ Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2009); Một thoáng hương xưa (tập thơ Nguyễn Duy Yên, Nxb. Hội nhà văn, 2010); Muôn nẻo đường thơ ( tập thơ Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2012).
      Bà cùng chồng là ông Nguyễn Duy Yên đã biên soạn 02 tập thơ: Trăng với thi nhân Việt Nam (Nxb. Văn học, 2010); Nợ bút nghiên (Nxb. Văn học 2012). Ngoài việc in sách ông, bà đã xuất bản 20 đĩa CD, DVD (Nxb. Âm nhạc - DIHAVINA và Audio HỒ GƯƠM ấn hành từ 1998 - 2008). Năm 2014 ông, bà đã xuất bản một tập ca nhạc Xuân với tôi trên 100 bài (do Nxb. Âm nhạc việt Nam ấn hành - DIHAVINA, 2014). 
      Những bài thơ của ông, bà đã được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc, phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nôi và Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiều ca khúc hay được khán thính giả yêu thích đón nhận.
     Tôi trộm nghĩ, nếu trong lâu đài văn chương của ông bà có thêm tập ký và tập tự truyện nữa thì thật đầy đủ và đáng quý biết bao cho hậu thế!
     Tập Lăng kính thơ gồm 201 bài thơ chỉ với thể thơ bốn câu, đây là điều đặc biệt so với các tập thơ trước đây của bà. Người nữ sĩ họ Đoàn này đã trải lòng mình với tất cả những gì có thể diễn đạt được bằng thơ, từ ký ức xa xăm của thời tuổi trẻ, thời đã qua và những dấu ấn của thời hiện tại, cho đến tình yêu, thế sự, thiên nhiên, danh thắng, gia đình và cả bạn hữu nữa... đều được bà biểu cảm bằng những thi tứ mượt mà, chắt lọc.
     Bà đã viết về nỗi nhớ như một lời hò hẹn, lời dặn dò:
Nhớ nhau thì nhớ hôm nay nhé
Có lệ rưng rưng nặng khối tình
Trống trải lòng em khi tiễn biệt
Đường chiều in mãi bóng hình anh.
                                              (Nỗi nhớ)
     Cũng là nỗi nhớ, nhưng khi viết về dòng sông, bà như trách cứ, một sự trách cứ thật dễ chịu và thăm thẳm:
Sông kia ai nối nhịp cầu
Người đi để nhớ để sầu cho ai
Nắng chiều nhàn nhạt dần phai
Trông theo dòng nước nhớ hoài xa xăm
                                          (Dòng sông nỗi nhớ)
     Ở một bài khác, ta lại bắt gặp nỗi nhớ như trên, có điều giai điệu lại nghe có vẻ buồn hơn, da diết hơn thì phải:
Nhớ thương muốn gửi cho nhau
Đường mây cách trở ai sầu hơn ai?
Đêm dài tỉnh giấc hôm mai
Nghe con chim hót vườn ngoài mờ sương.
                                                           (Nhớ)
      Đọc Lăng kính thơ ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của mùa xuân và mùa thu, có lẽ hai mùa này đã chắp cánh hồn thơ cho bà. Phải là người từng trải, biết chắt chiu và yêu quý cuộc đời mới có những vần thơ về mùa xuân không chỉ đẹp mà còn như là sự nuối tiếc vậy:
Xuân đi đâu có đợi chờ
Tiếc xuân ra ngẩn vào ngơ một mình
Xa rồi những quãng ngày xanh
Xuân nhàn ngồi viết thơ tình gửi ai 
                                              (Tiếc xuân)
Hoặc:
Xuân đến đây rồi sao lại đi?
Đẹp như cô gái tuổi đương thì
Tình xuân phong kín bao nhung nhớ
Xuân đến đây rồi sao lại đi?
                                 (Xuân đừng đi)
Nhà thơ Đoàn Kim Vân còn viết rất nhiều bài thơ về mùa xuân, với bà mùa xuân như hiển hiện không nguôi ngoai trong ký ức. Phải là người có tâm hồn đa cảm, dễ rung động với cái đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là với mùa xuân thì cảm hứng thi tứ mới rung lên được những vần điệu say đến vậy. Một loạt bài về mùa xuân của bà đã khẳng định điều này: Trăng xuân, Cảm xúc ngày xuân , Gặp xuân...
        Mùa xuân là như vậy, còn mùa thu thì sao?
Bà đã viết:
Xanh biếc trời thu ngọn gió lành
Giậu thưa dương liễu rủ màu xanh
Ngoài vườn lá rụng cây thay lá
Phẳng lặng hồ thu song gợi tình
                                 (Trời thu)
    Và cảm thương cho thân phận vợ chồng Ngâu, năm dài đằng đẵng xa nhau:
Ngồi buồn thầm khóc mưa Ngâu
Vì đâu nên nỗi mà đau khối tình
Trăng buồn gió cũng lặng thinh
Năm tròn qua mới thấy hình bóng nhau
                                       (Mưa Ngâu)
      Qua một số bài thơ xuân và thu, ta nhận thấy hồn thơ của bà đã toát lên niềm vui trong sáng và nỗi buồn thầm lặng hòa quyện với thiên nhiên huyền bí.
      Một điều dễ nhận thấy trong tập năng kính thơ là những danh thắng cảnh của đất nước đã được nhà thơ Đoàn Kim Vân khái quát thật cô đọng nhưng hết sức sinh động. Người đọc có cảm tưởng như người thi sĩ này đi nhiều, biết nhiều, đặc biệt nắm được cái hồn của sự vật và hiện tượng. Bà đã dành cho dòng sông Thạch Hãn những vần thơ thật đặc trưng như sau:
Dòng sông Thạch Hãn nở hoa
Đôi bờ con nước hiền hòa chảy xuôi
Chiến trường xưa của một thời
Tấm gương liệt sĩ đời đời nhớ ơn.
                                   (Dòng sông Thạch Hãn)
      Còn khi viết về sông Hương, những vần thơ của bà bỗng như lặng xuống một cách yên ả, êm đềm như vốn có của một miền quê hết sức thơ mộng đã bao đời từng là nguồn cảm hứng của thơ ca: 
Đêm tàn lãng đãng sương rơi
Thuyền về bến đậu gợi khơi nỗi buồn
Khách đi rồi mái chèo buông
Còn trơ cô gái sông hương lững lờ
                              (Dòng sông Hương)
    Tả thiên nhiên, thơ Đoàn Kim Vân đã biết chắt lọc những thi tứ và hình ảnh đẹp, có khi bất ngờ đến mê mẩn. Bà là người yêu thích chơi hoa, nhưng phải là hoa tươi, hương sắc dịu dàng, còn như hoa giả thì mình không ưa, bà đã bộc lộ tâm trạng của mình qua bài thơ:
Vốn là người thích yêu hoa
Thiên nhiên ban tặng nõn nà tươi sinh
Sắc hương quyến rũ gợi tình
Còn như hoa giả thì mình không ưa.
                                       (Yêu hoa)
     Có những đêm về khuya, dưới ánh trăng hạ tuần, bà ngồi chờ xem hoa Quỳnh nở, xúc động với loài hoa đẹp kiêu sa mà lại chóng tàn:
Em từ kẽ lá nở ra
Quỳnh hoa em đẹp như là dáng tiên
Thẹn thùng khoe sắc về đêm
Đợi người quân tử bên thềm ngắm trăng.
Và cảm thương cho loài hoa quý:
Em đẹp nhưng mà chẳng tỏa hương
Nên em lánh mặt giữa đời thường
Qua đêm khoe sắc rồi tàn lụi
Để lại cho đời nỗi cảm thương.
                               (Hoa Quỳnh)
     Khi đến Hạ Long, một danh thắng nổi tiếng của đất nước vào một buổi chiều tà, ngày sắp hết, bà ngẫu hứng viết:
Biển gọi chiều về nắng nhạt phai
Trăng non hé nhú sắc vàng tươi
Cánh buồm no gió thuyền về bến
Ai đó trông chờ trong mắt ai!
                       (Hạ Long chiều)
     Đến với Tam Đảo, núi non trùng điệp, ngây ngất giữa khoảng trời lộng gió, mây phủ quanh năm bà cảm nhận:
Thăm thẳm trời cao gió cuốn bay
Mây ôm ấp núi giữa ban ngày
Bốn mùa đủ cả trong trời đất
Khách đến ai mà chẳng đắm say.
                                   (Ngẫu hứng Tam Đảo)
     Đối với Sa Pa là vùng đất thơ ca đã từng khắc họa nhiều cảnh đẹp, nhưng trong thơ của Đoàn Kim Vân người quê xứ nhãn này, Sa Pa lại hiện lên một cách bình dị và gần gũi biết bao:
Suối Hoa trong mát chảy hiền hòa
Nương rẫy mờ sương mấy bản xa
Thắng cảnh Sa Pa mơ mộng quá
Bốn mùa mây phủ bốn mùa hoa.
                                    (Sa Pa)
       Trong Lăng kính thơ có một loạt bài mang tính tự sự. Đây là mảng đề tài gây được sự chú ý của bạn đọc, là điểm nhấn nổi trội của tập thơ. Tự sự của Đoàn Kim Vân rất khéo léo, uyển chuyển. Nhiều khi bà nói về mình mà người đọc lại liên tưởng đến mình, đến ý nghĩa khác. Phải là người từng trải sự đời, phải lăn lộn ba chìm, bảy nổi mới có lời thơ dẫn dắt khéo léo như thế. Nói một cách khác, tất cả sự suy ngẫm về mình chỉ gói gọn trong những từ tuy gần gũi trong đời thường, nhưng vô cùng ý nghĩa, đó là các bài: Tìm, Ngẫm, Nghĩ, Tự nhủ, Sửa mình, Tu thân... Phải chăng đây là sự đúc kết của một đời người đã từng nếm trải cay đắng, ngọt bùi.
      Người ta đọc thơ bà mà có cảm tưởng như đang tự răn mình vậy:
Nhìn đời đôi mắt mờ sương khói
Ngán ngẩm nhân tình bạc tựa vôi
Tai chẳng muốn nghe lời kiệm nói
Sống sao xứng đáng một con người.
                                     (Tự nhủ)
     Bà tự nhủ như vậy rồi lại tự mình đi tìm. Bà tìm gì vậy? Bà đã có đủ mọi thứ rồi kia mà. Thật bất ngờ khi bà tâm sự:
Người đi tìm kiếm bạc vàng
Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
Ngẫm xem những tấn trò đời
Ai mà tìm thấy mặt trời nửa đêm
                                     (Tìm)
       Bà nghĩ cũng thật khác nhiều người. Sự khác biệt này ta có thể chấp nhận được, bởi lẽ lợi danh bà cũng có đủ rồi. phải chăng càng về cuối cuộc đời, người ta càng nhận thấy tình bạn là thật cao quý và được sống là điều hạnh phúc hơn hết thảy mọi thứ:
Lợi danh như thể phù du
Hãy nên thêm bạn bớt thù là hơn
Biển đời sóng gió nguồn cơn
Mai ngày về đất hỏi còn gì đâu?
                               (Nghĩ)
    Vậy cho nên bà luôn sửa mình. Đây cũng chính là thông điệp bà muốn gửi cho tất cả những ai quá coi trọng vật chất, tiền bạc:
Muốn hay phải biết sửa mình
Đừng kiêu ngạo quá mà sinh hợm đời
Thả mình vào chốn ăn chơi
Để rồi bỏ phí một thời xuân xanh.
                                (Sửa mình) 
     Đối với Đoàn Kim Vân, con người ta muốn sống thanh thản thì chớ tham lam. Đây là bí quyết sống và làm việc. Và nếu ai đó từ bỏ được lòng tham thì cuối cùng cái gì cũng gặt hái được cả, như thể là nhân nào thì quả ấy vây. Bà tâm sự:
Tham lam rước họa vào thân
Ở sao đức độ nghĩa mới là
Khôn ngoan ăn nói thật thà
Thấy của phi nghĩa tránh xa chớ màng.
                                         (Chớ tham)
     Riêng với tập Lăng kính thơ, tôi khẳng định rằng, tập thơ không những dày dặn về số lượng mà còn phong phú và đa dạng về chủ đề sáng tác. Điều cần nói tác giả đã nói và diễn đạt được bằng thơ, kể cả những nỗi lòng sâu xa, trắc ẩn, cũng như màu xám của sụ đời và màu hồng của cuộc sống hôm nay. Tập thơ thực sự là bước cách tân đáng kể của Đoàn Kim Vân, góp phần không nhỏ trong cả một quãng đường say mê sáng tạo văn chương.
     Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn hai bài thơ của bà mà tôi tâm đắc, một bài bà quan niệm về đời người và bài khác bà quan niệm về lăng kính của người nghệ sĩ. Bà chính là một con người bình dị như bao con người khác, nhưng điều đáng quý là bà biết nhận ra đời người thật ngắn ngủi, để khi sống phải sống sao cho xứng đáng. Bà còn là một nghệ sĩ, bởi thế bà đã biết viết về đời và dành cho đời những gì ưu ái nhất qua "lăng kính" của một nhà thơ:
Sinh tử chẳng qua cũng lẽ đời
Thời gian vun vút tháng năm trôi
Trần gian lận đận bao lâu nữa
Thấp thoáng qua đi một kiếp người
                                    (Đời người)
Và:
"Lăng kính" sáng  soi tỏ việc đời 
Biết yêu biết ghét bạn lòng ơi
Ngợi ca Tổ quốc giàu và đẹp
Gợi mở đôi điều góp ý thôi.
                              (Lăng kính thơ)
   Vâng, tuy nữ sĩ Đoàn Kim Vân nói "góp ý đôi điều" nhưng đó là cả một nỗi lòng mênh mang, đau đáu của bà đối với cuộc đời này. Và đôi điều của bà cũng thật lớn lao, thật ý nghĩa, đọc mãi, ngẫm mãi mà không hết.
    Xin trân trọng giới thiệu tập Lăng kính thơ với bạn đọc và những ai đã từng yêu mến dòng thơ tứ tuyệt cô đọng, kiệm lời nhưng chuyển tải được rất nhiều ý nghĩa sâu xa ta thường gặp trong đời sống thường ngày.
Hà Nội, tháng 9 năm 2013
0 nhận xét

BƯỚC DÀI TRONG NGHỆ THUẬT SÁNG TÁC THƠ ĐOÀN KIM VÂN

Ảnh: Internet

BƯỚC DÀI TRONG NGHỆ THUẬT SÁNG TÁC THƠ ĐOÀN KIM VÂN
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ
Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội
      Với 201 bài thơ tứ tuyệt (bốn câu) làm nên tập thơ này(Lăng kính thơ), Đoàn Kim Vân đã đi một bước dài trong sáng tác, đó là độ chín về lối viết, nhuần nhuyễn, trau chuốt về câu tứ, bản năng thơ được bộc lộ tự nhiên đi sâu vào tâm tư, tình cảm và các hiện tượng của xã hội, có nhận xét và phê phán.
      Tập thơ không sắp xếp theo từng chủ đề mà nó trải dài theo diễn biến tâm trạng của tác giả, điều đó nói lên cách viết theo xu hướng mới, chảy theo dòng tư tưởng và suy nghĩ của riêng mình.
     Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể cảm thụ thơ chị theo từng nhóm cảm xúc về sự thăng hoa, từ quan sát cảnh vật xung quanh cuộc sống hàng ngày, từ đó nảy sinh giao kết quan hệ đa chiều của tâm tư, tình cảm được thông qua chiêm nghiệm của thời gian.
     Đọc theo hướng nào ta cũng bắt gặp những câu thơ luôn luôn cài đặt tâm tư của mình - Đây Chiều mơ:
... Mênh mông mặt nước sông dài 
Một chiều xa một mảnh trời lênh đênh...
Và Đêm Tây Hồ:
... Quanh co muôn nẻo dặm đường
Thuyền trôi bến đợi người thương cách vời...
     Nỗi khắc khoải đợi chờ ấy nó đan xen vào cuộc sống hằng ngày. Sum họp và chia ly, thành công hay thất bại âu cũng là quy luật tự nhiên trong kiếp sống con người, nhà thơ tự hỏi:
... Trần gian ở trọ bao lâu nữa?
Thi sĩ lãng du thế đủ rồi
     Những bài, những câu thơ hay có khá nhiều trong tập thơ, chúng tôi muốn dành cho bạn đọc tự chọn, vì sức sống và hấp dẫn của tập thơ này sẽ nói lên tất cả. Và tôi muốn nói thêm, so với các nhà văn hội viên Hà Nội cùng lứa tuổi thì Đoàn Kim Vân có số tác phẩm nổi trội do các nhà xuất bản Văn học, Hội nhà văn, Văn hóa - Thông tin ấn hành: Tiếng lòng(1997), Dặm đời (2000), Chân trời mới(2003), Biển đời (2007), Ngược dòng thời gian (2008), Mùa hoa nhãn (2010).
     Tôi đã được đọc phần lớn số bài trong các tập thơ ấy và nhận thấy xuyên suốt tác phẩm của chị vẫn cứ là một tình cảm nồng ấm, một trách nhiệm cao với sự chia sẻ nỗi lòng riêng tư.
     Theo tôi đó là cái lớn, cái quyết định tư tưởng của một nhà thơ, nó có tầm ảnh hưởng của tác phẩm đối với bạn đọc, qua đó mà tác động đến đời sống văn học cộng đồng.
     Chúng ta ghi nhận sự đóng góp của nhà thơ vào nền văn học thủ đô,  thật rất đáng quý và trân trọng.
     Tập "Lăng kính thơ" ý tứ mỗi bài chỉ gói gọn trong bốn câu quả là khó viết, vì lẽ đó tôi đánh giá cao về phương pháp sáng tác thơ của tác giả, bài thơ làm cho bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ và cảm thụ được lâu bền.
     Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập "Lăng kính thơ" của nhà thơ Đoàn Kim Vân.
0 nhận xét

Đọc "Lăng kính thơ"

Ảnh: Internet

Đọc "Lăng kính thơ" của Đoàn Kim Vân (NXB Hội nhà văn 2014)
ĐÔI ĐIỀU CÙNG BẠN ĐỌC
     Trước đây tôi đã cho ra mắt bạn đọc gồm nhiều thể loại thơ in trong các tập: Tiếng lòng (1997), Dặm đời(2000), Chân trời mới(2003), Biển đời (2007), Ngược dòng thời gian(2008), Mùa hoa nhãn (2010).
     Trong tập thơ này tôi có dụng ý viết theo thể loại tứ tuyệt (bốn câu), ngắn gọn nói về cảnh, tình và sự việc... Sử dụng lời tuy ít nhưng ý tứ sâu xa, tinh tế, gợi cho bạn đọc những giây phút suy tư, rung động, dễ nhớ, khó quên. Tôi nghĩ thơ càng cô đọng, hàm chứa được nhiều ý và lời như thế sẽ làm giàu thêm chất thơ.
     Từ tuổi cắp sách tới trường, nay đã lĩn kĩn về già, ôn lại những chặng đường đi qua, thơ đã làm cho tâm hồn tôi trong sáng và an bình, vượt qua thác ghềnh giữa dòng đời đầy biến động.
     Cái giới hạn thông thường của đời người, sống được trăm năm đã là sung mãn lắm rồi, song dễ được mấy ai?
Ngẫm cho cùng:
Sinh tử chẳng qua cũng lẽ đời
Thời gian vun vút tháng năm trôi
Trần gian lận đận còn bao độ?
Thấp thoáng qua đi một kiếp người.
     Thơ thẩn với cuộc đời ngót tám mươi xuân, tâm hồn thơ đọng mãi trong tôi. Thơ có cá tính, phong cách, giọng điệu riêng, có buồn vui, ước mong và hy vọng. Mặc dù giai đoạn này có nhiều người mặc cảm với thơ văn, bởi nó được xuất bản tùm lum, quá dễ dãi, lại rơi vào thời kỳ khá nhiều người có lối sống thực dụng của nền kinh tế thị trường. Nhưng thơ ca vẫn có chỗ đứng với sức sống lâu bền, nó sẽ tồn tại mãi mãi, vì nó là cội nguồn của đất nước thơ ca.
      Trong một rừng thơ ca, có bài hay sẽ đi sâu vào lòng người, có bài không được hay thời gian sẽ tinh giản, sàng lọc, người đọc sẽ lãng quên. Âu cũng là quy luật khắc nghiệt của văn chương, ai đã đụng vào thì phải chấp nhận, ông "Thần Văn học" phán xét chẳng kiêng nể ai, rất công bằng và chính trực.
     Tập "Lăng kính thơ" này tôi muốn gửi tới bạn đọc đôi dòng kỷ niệm tinh thần, rất mong các bạn đón nhận và độ lượng:
Lòng còn gửi lại chút này
Tình thơ lai láng mà say hương đời
Trăm năm ra khỏi cõi người
Tâm hồn tôi vẫn sáng ngời niềm tin.
Cuối Đông năm Quý tỵ(1 - 2014)
Đoàn Kim Vân
0 nhận xét

Trích Trong Tập Thơ Trăng Với Thi Nhân NXB văn học 2010 - Thơ Nguyễn Duy Yên

Ảnh: Internet

Trích Trong Tập Thơ Trăng Với Thi Nhân NXB văn học 2010 - Thơ Nguyễn Duy Yên
Nguyễn Duy Yên sinh năm 1931, quê Thụy Lôi, Tiên Lữ, Hưng Yên. Nguyên là kỹ sư ngành thủy lợi, học viên Trường Sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V, nguyên Trưởng Đài vô tuyến điện Bộ TTM - QĐNDVN. Các tác phẩm thơ đã xuất bản: Tiếng lòng, in chung với Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1997. Dặm đời, in chung với Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn học, 2001. Chân trời mới, in chung với Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn học, 2003. Biển đời, in chung với Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn học, 2008. Mênh mang... Xuân, Nxb. Văn học, 2009. Tuyển tập thơ, in chung với Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn học, 2010. Một thoáng hương xưa, Nxb. Hội Nhà văn, 2010.
TÌNH TRĂNG NƯỚC 

Trăng nước đôi ta xa cách biệt
Trọn đời mang nặng mối tình câm
Lòng anh trong trắng riêng em biết
Tròn trĩnh canh khuya buổi đêm rằm
Trần gian lắm kẻ yêu nhau thế
Hững hờ như gió thổi vờn trăng
Trăm sông rồi cũng trôi ra biển
Còn lại cô đơn một chị Hằng
Từng cơn trời giận gây giông tố
Anh thành tàn bạo của trần gian
Trên cung Nguyệt Quế em buồn nhỉ
Có một tình nhân quá phũ phàng
Chú Cuội cây đa ngơ ngẩn quá
Thương em bạc phận kiếp má đào
Chốn ấy bồng lai xa vời vợi
Anh kẻ si tình mộng trăng sao
Ôm trọn bóng em trong hình nước
Gửi hồn trên tít tận trời cao
Tỏa sáng lung linh trăng huyền ảo
Hồm bướm mơ tiên chuyện thuở nào.

ĐÊM TRĂNG

Khuya khoắt nhà ai vắng ánh đèn
Trăng luồn khe cửa chẳng cài then
Xóm nghèo tĩnh mịch đơn sơ quá
Ôm chặt trăng vào giấc ngủ êm

THƯỞNG NGUYỆT

Rượu nào mà uống chẳng say
Thưởng trăng cạn chén ngất ngây hương nồng
Tưởng như trời đất vô cùng
Hóa ra ẩn chứa trong lòng thi nhân.

RU HỒN TÔI

Trăng rắc vào tôi một chất men
Ru hồn bay bổng tựa du tiên
Thiên đình cao ngất xa vời vợi
Đơn chiếc chị Hằng thức trắng đêm.

SAY

Say trăng say cả đất trời
Say tình say cả nghĩa đời trắng đen
Dù cho chếch choáng hơi men
Ly tình dốc cạn con tim thắm hồng
Luật đời sắc sắc, không không
Hằng Nga sống mãi trong lòng nhân gian
Qua đêm lại tiếc trăng tàn
Vòng đời sinh tử lẽ thường thế thôi
Trăng thanh tỏa khắp bầu trời
Sáng soi cho cả loài người đêm đêm
Xóa đi bao lỗi ưu phiền
Đi vào cõi mộng trăng êm giấc nồng. 

0 nhận xét

Trích Trong Tập Thơ Trăng Với Thi Nhân NXB văn học 2010 - Thơ Đoàn Kim Vân


Trích Trong Tập Thơ Trăng Với Thi Nhân NXB văn học 2010 - Thơ Đoàn Kim Vân
Đoàn Kim Vân sinh năm 1936, quê Tiên Lữ, Hưng Yên. Nguyên là cán bộ Bộ Văn hóa. Hiện tại là Phó giám đốc Trung tâm văn học nghệ thuật Thăng Long thi xã thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Các tác phẩm thơ đã xuất bản: Tiếng lòng, in chung với Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1997. Dặm đời, in chung với Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2001. Chân trời mới, in chung với Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2003. Biển đời, in chung với Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2008. Ngược dòng thời gian, Nxb. Văn học, 2008. Tuyển tập thơ, in chung với Nguyễn Duy Yên, Nxb. Văn học, 2010. Mùa hoa nhãn, Nxb. Hội Nhà văn, 2010.

SAY TRĂNG

Trăng huyền diệu cứ đêm đêm tỏa sáng
Gọi hồn thơ dệt mộng những đêm say
Triều triệu ngôi sao đua nhau lấp lánh
Lững lờ trôi bàng bạc áng mây bay
Tinh tú nhẹ rơi tan vào vũ trụ
Uống cạn trăng cùng trái đất thầm quay
Người ta bảo Tiên trên trời đẹp lắm
Thấy gì đâu! Cao vời vợi chín tầng mây
Ta chỉ thấy trăng sao trên bầu trời xa thẳm
Chị Hằng Nga in bóng giữa trời mây
Chú Cuội cây đa đã đi vào huyền thoại
Canh trái đất này bao cuộc đổi thay
Và cuốn hút những cuộc tình nhân loại
Ôm trăng vào nhè nhẹ giữa vòng tay
Khát vọng thi nhân từ ngàn đời vẫn khát
Trăng là linh hồn trong đêm tối ta say.

TRĂNG XUÂN

Trăng xuân vừa hé non tơ
Đào xanh mơn mởn đợi chờ se duyên
Mênh mông trong cõi u huyền
Hằng Nga sinh đẹp cảnh tiên trên trời.

Vui đùa theo áng mây trôi
Vừng đông chớm nở tìm nơi ẩn mình
Dân châu Á đón bình minh
Trăng non chuyển đến tự tình trời Âu.

Âm thầm trái đất quay mau
Ngày qua rồi lại canh thâu trăng tàn
Mong sao trời tạnh mây quang
Trăng thanh gió mát trần gian vui mừng.

Cây trổ lộc, lúa đơm bông
Nắng mưa hòa thuận, ruộng đồng tốt tươi
Xuân về vạn vật sinh sôi
Hòa cùng trăng gió đất trời vào xuân.

TRĂNG HẠ TUẦN

Trăng sầu lơ lửng đung đưa
Ngấn vàng soi bóng cuối mùa nhạt phai
Chỉ còn có một đêm mai
Hóa thân trăng lại cùng ai vui đùa
Trăng già lại trẻ như xưa
Để ai xuân sắc già nua theo cùng
Những đêm trời sáng trăng trong
Nguyệt hoa, hoa nguyệt bóng lồng đưa hương
Mơ màng dưới ánh trăng suông
Ngắm hoa quên cả mưa sương ướt đầu
Trăng sao vằng vặc đêm thâu
Hạ tuần trăng lặn về đâu trăng tàn.

CẢM HOÀI ĐÊM TRĂNG CHƠI THUYỀN HỒ TÂY

Dập dờn sóng nước Hồ Tây
Mái chèo vỗ nhịp nước mây quyện trời
Màn đêm tỏa ánh trăng soi
Chuông chùa văng vẳng bồi hồi canh thâu
Nổi chìm bao cuộc bể dâu
Xin đừng quên lãng cho đau lòng hồ
Lạnh lùng con nước trơ trơ
Thăng Long sánh với Tây Hồ ngàn năm
Trải bao binh biến thăng trầm
Mặt hồ soi bóng chị Hằng đêm đêm
Giăng tơ trong ánh hoa đèn
Sương khuya mờ ảo con thuyền đung đưa
Cảnh tình nửa tỉnh nửa mơ
Lênh đênh mặt nước Tây Hồ dạo chơi
Lững lờ dăm áng mây trôi
Vầng trăng chia sẻ đầy vơi với hồ
Từ ngàn xưa đến bây giờ
Tây Hồ còn đó bài thơ trữ tình.

YÊU TRĂNG

Trên trời có dải sông Ngân
Có vầng trăng sáng cho trần gian soi
Thời gian lặng lẽ êm trôi
Trăm năm một kiếp cuộc đời ngắn sao
Trăng thanh gió mát dạt dào
Vui cùng trăng gió biết bao nhiêu tình
Đêm tàn lại đón bình minh
Vòng quay trái đất bao hình bóng qua
Yêu trăng đi kẻo nữa mà
Tuổi xuân mấy độ đã ra lão làng.

ĐÊM TRĂNG TÂY HỒ

Đêm trăng ngắm cảnh Hồ Tây
Chòm cây xanh ủ sương bay la đà
Yêu sao người đẹp Hằng Nga
Sông trăng một dải Ngân Hà sáng sao
Hương đêm êm dịu ngọt ngào
Vi vu tiếng gió tan vào ánh trăng
Nhớ xưa chuyện cũ kể rằng
Sâm Cầm bơi lội tung tăng mặt hồ
Biết bao cảnh đẹp Thủ đô
Điểm tô non nước đón chờ ngàn xuân
Biến thiên tạo hóa xoay vần
Xa rồi mỹ nữ, cung tần thưở xưa
Trời còn lúc nắng khi mưa
Một vầng trăng lẻ cuối mùa về đâu?
Trăng suông lơ lửng trăng sầu
Rằm qua trăng khuyết để mau chóng nhà
Canh khuya trăng khuyết, trăng tà
Tình trăng với nước đậm đà sắc hương
Hàng cây im ngủ bên đường
Tàn đêm trăng lặn còn vương tơ lòng.
                                                    Thu Bính Tuất - 2006
0 nhận xét

"NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN": TÂM TÌNH GỬI LẠI CỦA MỘT DOANH NHÂN

Ảnh: Internet

"NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN": TÂM TÌNH GỬI LẠI CỦA MỘT DOANH NHÂN
(Đọc Ngược dòng thời gian, thơ của Đoàn Kim Vân, Nxb.Văn học, 2008)
Nguyễn Anh Thế
Khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học Trường Đại Học Văn Hóa, Hà Nội

       Xin được lấy hai câu thơ cuối tập để bắt đầu bài viết:
"Thôi thì coi cũng như không
Đường trần thanh thản ung dung ta về"
                                          (Tiếc nuối)
      Có lẽ với tập thơ của Đoàn Kim Vân, người ta cần phải có một cách đọc của riêng mình. Nếu đọc từng bài một sẽ không thể cảm nhận được hết cái dư vị tình cảm của người viết. Thơ chị độc đáo ở chỗ mỗi bài thơ cứ được giằng níu lại với nhau bằng một mối dây liên hệ vô hình. Chính vì thế, không những từng bài thơ mà ngay cả tập thơ, bản thân nó cũng là một thể thống nhất. Đọc một cách nghiêm túc bằng thái độ tri ân với mỗi một dòng xúc cảm của người viết,  chỉ qua tập thơ Ngược dòng thời gian, chúng ta cũng đã hình dung được diện mạo tâm hồn một người cầm bút.
       Điều đầu tiên phát lộ trong thế giới nghệ thuật thơ Đoàn Kim Vân là xúc cảm hoài cổ. Nỗi nhớ luôn là điều ám ảnh nhất với chị. Điều đó hé mở ngay từ nhan đề tập thơ: Ngược dòng thời gian. Nó chính là điểm xuất phát cho các ý thơ, là cấu tứ và cũng là điểm chốt cho mỗi bài thơ. Tính nhất quán trong cảm xúc của Đoàn Kim Vân được gói trọn vẹn bởi nỗi hoài cổ. Phải chăng khi tâm đã thanh thản giữa cõi nhân gian, bước chân đã mòn lối cuối đường trần, những trăn trở, chiêm nghiệm về một kiếp người lại thổi bùng lên trong nhà thơ những nỗi niềm tiếc nuối mãnh liệt đến thế sao? Cho dù:
Nắng mưa dầu dãi phòng trần
Mái đầu xanh, bạc theo dần thời gian
Hoa tươi rồi cũng héo tàn
Đa đoan nặng gánh trần gian kiếp người
                                        (Tiếc nuối)
       Thì chính những nỗi nhớ vẫn đang bập bùng trong hồn thơ Đoàn Kim Vân lại khẳng định tình yêu da diết của chị với cuộc đời. Nỗi nhớ quê của một người phụ nữ đã đi hết những nắng, mưa, sương, gió trong cõi nhân gian mà sao vẫn cứ hồn nhiên, trẻ dại đến thế. Có lẽ cũng chỉ bắt gặp trong thơ Đoàn Kim Vân mà thôi:
Nhớ sao những buổi trưa hè
Tiếng ru xen lẫn tiếng ve kêu hoài
Nhớ ngày đi học lớp hai
Tung tăng cặp sách trên vai tới trường
Nhớ ao chuôm, nhớ con đường
Nhớ từng hòn đá, mảnh vườn, gốc tre
                                              (Nhớ Quê)
      Hình ảnh người mẹ luôn gắn liền với hình ảnh quê hương trong nỗi nhớ của nhà thơ:
      Trong Ngược dòng thời gian, nhà thơ Đoàn Kim Vân đã lay động được nỗi lòng của những đứa con xa quê. Giữa sự ồn ã, xô bồ của phố thị mà bắt gặp những câu thơ sau đây thì làm sao không yêu, không nhớ:
Tiếng quê hương, tiếng mẹ hiền
Cho ta sức sống lớn lên thành người
Hồn quê gợi nhớ xa xôi
Bao nhiêu kỉ niệm một thời trẻ thơ
                           (Hồn quê gơi nhớ)
      Đọc thơ Đoàn Kim Vân trong Ngược dòng thời gian mới thấy chị đa cảm. Đến Huế rồi xa Huế cũng để lại trong chị những vần thơ da diết:
Ồ sao! Nhớ Thế Huế ơi
Tính ra đã mấy thu rồi xa nhau
Còn trong trí nhớ nguyên màu
Sông Hương núi Ngự nhịp cầu bắc giang
                                     (Nhớ Huế)
      Mỗi mảnh đất chị đi qua cùng với những dấu chân in lại là vết dấu của tâm hồn chị lẩn khuất đâu đó để mà nhớ, mà thương: Nhớ chiều Vĩ Dạ, nhớ sông Hương, đau đáu cho một Vọng Phu đợi chồng, xót xa trước mộ Phạm Hồng Thái hay chạnh lòng nghĩ về nữ sĩ Lê Dung tài danh bạc mệnh...
Đọc tập thơ của chị mới thấy Đoàn Kim Vân làm thơ như thể những cảm xúc chị có trong cuộc đời nhất thiết phải để dành cho thi ca. Bởi chẳng có người phụ nữ nào cứ ngày tháng miên man đi tìm ý cho một bài thơ chưa thành như chị. Điều đó làm nên cái hồn nhiên nghệ sĩ đáng yêu và đáng trân trọng ở nhà thơ Đoàn Kim Vân.
     Tình yêu cũng là mảng đề tài nổi bật trong Ngược dòng thời gian. Nhiều bài thơ tình nhà thơ hoàn thành từ khi mới mười tám, đôi mươi. Đặt trong mạch chảy của cả tập thơ giúp người đọc hình dung ra một Đoàn Kim Vân trẻ trung, chứa chan tình đời:
Yêu anh tuổi mới đương thì
Người đi chinh chiến cũng vì nước non
Thủy chung giữ tấm lòng son
Đầy vơi nỗi nhớ khi còn vắng xa.
       Mối tình thủy chung, son sắt giữa nhà thơ Đoàn Kim Vân với nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã được chính tác giả ghi lại bằng những vần thơ trong năm tháng chiến tranh đạn lửa như những dự cảm:
Mai ngày sẽ hết chiến chinh
Vườn quê ta lại chung tình bên nhau
Hương xưa vẫn giữ nguyên mầu
Dù cho đến bạc mái đầu không phai
                                           (Gửi người thương)
       Điều đặc biệt trong tập thơ ngược dòng thời gian của nhà thơ Đoàn Kim Vân là người đọc còn bắt gặp nhiều bài thơ mang đậm nỗi lòng thế sự. Ít ai có thể nghĩ một tác giả thơ nữ đằm thắm xúc cảm, mãnh liệt trong tình yêu như nhà thơ Đoàn Kim Vân lại có được những bài thơ đau đáu thế sự, mừng vui với sự đổi thay của đất nước đến như vậy.
Ngôi nhà thế giới chơi chung
Học buôn học bán bạn cùng năm châu
Làm cho nước mạnh dân giàu
Sánh vai cường quốc tiến mau kịp thời
                                       (Chào WTO)
Hay:
Tương lai mới, chặng đường dài
Vượt qua đau khổ, xây đài vinh quang
Giang sơn to đẹp, đàng hoàng
Dân sinh hạnh phúc vẻ vang giống nòi
                                (Thế kỷ tương lai)
       Nhà thơ Đoàn Kim Vân đã chọn thể thơ lục bát để lên khuôn cho xúc cảm của mình. Đó là sự nhạy cảm của người viết khi lựa chọn hình thức thể hiện cho tác phẩm. Qua thể thơ lục bát, thơ Đoàn Kim Vân đằm thắm hơn, trữ tình hơn và đi vào tận cùng sự sẻ chia với người đọc. Với tập Ngược dòng thời gian, nhà thơ Đoàn Kim Vân khát vọng lưu lại chút tâm tình của mình, như một món quà bà gửi tặng cho cuộc đời.
Hà Nội, tháng 3.2010
0 nhận xét

DOANH NHÂN LÀ THI SĨ

Ảnh: Internet

DOANH NHÂN LÀ THI SĨ 
Nhà báo Nam Anh 
      "Chị hãy viết về tôi với tư cách là một người yêu thơ, biết làm thơ chứ đừng viết với vai trò là một doanh nhân nữa nhé! ". Đó là câu nói của bà trước khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện. Bà là Đoàn Kim Vân, đã từng nổi danh một thời với tư cách là người sáng lập đồ gỗ mỹ nghệ Mỹ Hà mà trong giới doanh nhân ai cũng biết đến, nhưng không mấy ai biết được rằng bà còn là nữ sĩ cũng từng có tiếng tăm trong thi đàn Việt Nam. Và chỉ có những người bạn thơ, những người đã gắn bó với bà mới biết thơ cũng như hơi thở của cuộc sống của bà vậy. Nó đến một cách tự nhiên và in đậm sự giản dị, hồn hậu của cuộc đời bà trên những trang viết.
       Có lẽ cái duyên với thơ bắt đầu từ khi cô gái Đoàn Kim Vân bước vào tuổi mười tám, tuổi đã bắt đầu biết yêu. Như bà nói thì thơ chính là chiếc cầu nối bắc nhịp tình yêu của vợ chồng bà. Chàng trai lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, cô thôn nữ Đoàn Kim Vân chờ đợi với nỗi nhớ khắc khoải. Thư đi thư về,  những bức thư viết bằng thơ đã xóa nhòa khoảng cách của không gian, thời gian để nối liền hai con tim có cùng tần số. Từ đó, thơ gắn bó với bà như nơi chốn để gửi gắm tâm tình. Theo thời gian, bà bắt đầu viết nhiều hơn, những vần thơ đến tự nhiên hơn. Đọc thơ bà thấy cả một bức tranh nhiều gam màu. Đó là tình yêu, là thiên nhiên vạn vật, là lời tâm sự, là trải nghiệm của cuộc đời v.v..."Chính niềm đam mê dành cho thơ đã giúp tôi cảm nhận được mọi thứ trong cuộc sống" - bà tâm sự.
      Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng khi một người đã theo đuổi nghiệp kinh doanh, bị cuốn theo guồng xoáy kinh tế thị trường, thì đâu còn thời gian, tâm trí cho nghiệp văn thơ? Nhưng bà nói: Thơ chính là thứ giúp tôi lấy lại cân bằng trong cuộc sống và công việc. Những lúc tưởng chừng việc kinh doanh đi vào bế tắc, không lối thoát thì tôi tìm đến thơ như tìm sự giải tỏa. Hay đơn giản trong cuộc sống không thể tránh khỏi có người khiến tôi tức giận đến nỗi có thể căm ghét nhưng tôi sẽ không xả giận bằng cách làm đau lại họ mà tôi nghĩ rằng mình đã có thơ, thứ có thể làm cho mình quên đi phiền muộn...''. Và cứ thế mặc dù bận với công việc xây dựng thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Mỹ Hà nhưng đôi lúc bà vẫn dành cho mình những khoảng lặng hiếm hoi để có thể theo đuổi niềm đam mê của riêng mình. Đến bây giờ khi công việc kinh doanh đã ổn định, con cái cũng đã kế nghiệp được nghề truyền thống thì quỹ thời gian của bà dành cho thơ chiếm phần nhiều. Có thể nói hơn mười năm trở lại đây là quãng thời gian viết sung sức nhất của bà. Đặc biệt là bên cạnh bà có một người bạn đời và cũng là một người bạn thơ để mỗi đứa con tinh thần ra đời lại có người cùng trao đổi, đàm đạo, chỉnh sửa cho thêm phần trau chuốt. Như đền đáp lại lòng đam mê thơ của bà, đến nay, bà đã cùng chồng xuất bản được bốn tập thơ: Tiếng Lòng, Nxb. Văn Hóa - Thông tin, 1997, Dặm đời, Nxb. Văn học, 2000, Chân trời mới, Nxb. Văn học, 2003 và Biển đời, Nxb. Văn học, 2007. Điều thú vị là phần lớn những bài thơ của Đoàn Kim Vân tạo nên sự liên thông trong cảm hứng của nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Trọng Bằng, Hồng Đăng, Huy Thục, La thăng, Dân Huyền ...Họ đã phổ nhạc từ thơ của bà. Bởi thế có thể nói đến đêm thơ nhạc " Trăng và biển" của tác giả Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên được tổ chức năm 2001 là cuộc gặp gỡ giữa những tâm hồn đồng điệu. Đây chính là phần thưởng lớn lao và nguồn động viên tiếp thêm sức lực cho cây bút Kim Vân tiếp tục sáng tác.
       Năm nay đã bước sang tuổi 73,  bà vẫn luôn viết và những lời thơ càng trau chuốt hơn, sâu đậm và đằm thắm hơn. Sắp tới bà sẽ xuất bản tập thơ ngược dòng thời gian gồm 73 bài thơ lục bát để tiếp nối chặng đường thơ của mình. Trong bà vẫn luôn giữ được ngọn lửa đam mê, yêu đời. Có lẽ chính là sự hồn hậu, giản dị của thơ đã tác động trở lại, tạo nên sự trẻ trung và rung động nghệ thuật cần thiết cho nữ doanh nhân - thi sĩ Đoàn Kim Vân.
Tháng 7 năm 2008 
0 nhận xét

GIỮ LẤY BIỂN TRỜI CỦA TA

Việt Nam - Đà Nẵng có Hoàng Sa
Và đảo Trường Sa biển Khánh Hòa
Dậy sóng biển Đông bầy dã thú
Gian khoan *xâm lấn đảo nhà ta.

Giặc đến đây rồi giặc phải tan
Dân Nam đâu có chịu đầu hàng
Noi gương liệt sĩ từ bao thuở 
Rửa hận Bạch Đằng máu đỏ loang

Trời Nam biển đảo rộng bao la
Lịch sử thăng trầm đã trải qua
Giữ vững chủ quyền dành độc lập
Đổ bao xương máu của ông cha.

Biển Đông nổi sóng thét gầm vang
Xua đuổi xâm lăng lũ bạo tàn
Bành trướng mưu gian đồ phản bội
Đừng quên trang sử nước nhà Nam

               Đoàn Kim Vân -(12-5-2014)

*Trung quốc mang giàn khoan cực lớn
xâm chiếm  vùng biển của VN ở đảo
Hoàng sa đầu tháng 5 - 2014. 
0 nhận xét

Phan Kế Bính...


 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa