0 nhận xét

Dấu ấn...

                                                                                       Ảnh Internet


Lời giới thiệu tập thơ “ DẤU ẤN MỘT THỜI”


           DẤU ẤN CỦA THỂ THƠ TRUYỀN THỐNG
                    TRÊN NỀN SỰ KIỆN HÔM NAY
                                        Nhà thơ Bằng Việt
                         Chủ tịch Liên hiệp HVHNT Hà nội

                                                                                   

Khi đưa tập thơ cho tôi đọc trước khi in, anh chị Nguyễn Duy Yên, Đoàn Kim Vân còn rất băn khoăn chưa biết nên đặt tên cả tập thơ rất đầy đặn và nhiều tâm sự này là gì, mặc dù ở ngay trang đầu, anh chị đã đề sẵn một dòng ghi chú đậm, coi như “ sú - tít ( sous - titre): “ 5000 câu thơ lục bát: Tình yêu - Đất nước - Con người”. Mãi đến một tuần sau, anh chị mới thống nhất bảo tôi: “ Chú xem. Anh chị định đặt đề cho cả tập là Dấu ấn một thời, liệu có được không?”. Trời ơi! Anh chị quá khiêm tốn! Cái đề ấy chính là chìa khóa hữu hiệu vạn năng để bất cứ bạn đọc nào cũng cảm thấy hào hứng và gần gũi khi được làm người đồng hành với các tác giả, để cùng bước vào và cùng khám phá những trang lục bát tuy giản dị, chân thành nhưng lại rất ưu tư, đau đời của hai tác giả, đã cùng dắt tay nhau dấn bước,vượt qua biết bao chặng đường dài, lắm từng trải và nhiều chiêm nghiệm cho tới hôm nay!
Tính công dân của tập thơ này rất cao, điều ấy làm mỗi người đọc đều phải kinh ngạc, nếu như ta biết được, đây là tâm tư và cảm xúc của lớp người đã bước vào tuổi có thể sẵn sàng được quyền tiêu dao với những thú chơi như cá vàng cây cảnh, như du ngoạn biển biếc non xanh, hay thả hồn vào những dòng thơ thật sự nhàn tản, tĩnh tâm, thậm chí chỉ là những dòng thơ thù tạc. Nhưng không! Điểm xuyết trong các bài thơ, chúng ta đều thấy dấu ấn sắc nét của hiện thực đa dạng, phong phú, đậm đặc xung quanh ta, tưởng chừng như hai tác giả nhạy cảm và tinh tường này không hề bỏ qua một chuyện gì trong đời thường, cũng không chịu né tránh một chuyện gì, dù phức tạp và ngang trái: Trong thơ của tác giả Nguyễn Duy Yên, ở ngoài nước là những câu thơ ngậm ngùi cảm thán khi Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, là chuyện xót xa với hàng triệu dân Syrie tỵ nạn bị chìm tàu ngoài biển khi chạy nạn tránh bọn cuồng tín IS ở Trung Đông. Ở trong nước, là chuyện chặt cây gây bức xúc dư luận cách đây vài năm ở Hà Nội, chuyện ô nhiễm của tập đoàn Formosa ở biển miền Trung. Rồi những nhức nhối khác trong đời thường: Nào là chuyện vỡ ống nước sông Đà, nào là chuyện lấn chiếm vỉa hè, chuyện lãng phí hàng trăm ngàn tỷ đầu tư không sinh lời, chuyện tham nhũng và lợi ích nhóm làm nghèo đất nước. Cho đến những chuyện không dễ đưa vào thơ như  vụ việc bắn giết nhau ở Yên Bái, chuyện hàng rẻ tiền Trung Quốc tràn ngập thị trường, chuyện người dân Việt Nam nhậu nhẹt bia rượu vào loại  “có hạng” của thế giới, chuyện cải tổ giáo dục theo kiểu “ ăn đong”, chuyện nợ công còn chồng chất đến mấy đời con cháu, đến chuyện bạo hành gia đình, bạo lực học đường và cả tệ nạn “ấu dâm”, tiếp nữa là chuyện ô nhiễm thực phẩm và chuyện cờ gian bạc lận sát phạt nhau tràn lan, rồi chuyện “ sống thử” quan hệ bừa bãi ở các ký túc xá công nhân và sinh viên trên cả nước, cho tới cả chuyện “ bún chửi” ồn ào trên báo nước ngoài ở chợ Ngô Sỹ Liên Hà Nội, thậm chí chuyện về trận bóng đá kỳ quặc ở Long An, thủ môn quay hẳn lưng lại không thèm bắt bóng để phản đối trọng tài! Thật là một bức tranh toàn cảnh, muôn màu muôn vẻ “ hỉ, nộ , ái ố” về “ Tấn trò đời” ở Việt Nam hôm nay, mà tác giả Nguyễn Duy Yên khéo léo xâu chuỗi lại và làm bật lên những nghịch cảnh, những phi lý, khiến người đọc vừa xót xa vừa đồng cảm !
Đến thơ của tác giả Đoàn Kim Vân thì lại tập trung vào những chi tiết hoàn toàn khác. Chị đã đưa vào thơ các đường nét đẹp đẽ từ ngôi chùa Việt của sư thầy Huyền Diệu ở mãi tận Nê pan, với đôi chim hồng hạc bay về đậu ngay tận nơi đất Phật. Chị cảm thông và chia sẻ với những người vợ chờ chồng đến nỗi hóa thành đá Vọng phu, từ những thời loạn lạc xa xưa – chuyện phổ biến với phụ nữ Việt Nam trên giải đất đã trải qua mấy nghìn năm chống giặc và giữ nước. Chị cảm thán với tấm gương của bà Ba Định, nữ tướng thời đại chống Mỹ tiếp nối dòng dõi Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Chị ghi nhớ cả tấm gương liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với tập nhật ký làm xúc động hàng triệu bạn bè quốc tế. Và chị còn có dịp dừng chân tại Quảng Châu, thắp nén hương trước mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã làm bọn thực dân Pháp kinh hoàng với tiếng bom ở Sa Điện lừng lẫy một thời! Cho đến hương hồn của 10 cô gái ngã xuống ở Ngã ba Đồng Lộc, chị cũng dành những lời đẹp đẽ nhất để ca ngợi mười “ Đóa hoa bất tử” của dân tộc. Có thể nói, tác giả Đoàn Kim Vân luôn luôn biết trân trọng và thành kính hướng tới mọi vẻ đẹp vĩnh hằng của những tâm hồn cao thượng, đề cập đến mọi giá trị bất diệt của những phẩm chất hướng thiện, dám hy sinh hết thảy vì chân lý, vì quyền sống của dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước. Không hề trùng lặp với những ý tứ và xúc cảm như người bạn đời Nguyễn Duy Yên,- luôn trăn trở vì những điều bất cập của “Tấn trò đời”-, Đoàn Kim Vân lại có một cách tiếp cận riêng với đời sống hiện thực, đó là luôn luôn vươn tới những phạm trù thiêng liêng, trong trẻo, có tác động nâng đôi cánh ta bay cao lên cho tâm hồn tỏa sáng và lan tỏa đến mỗi chúng ta lòng yêu đời và yêu con người, vun đắp cho mỗi chúng ta những phẩm chất trên đây một cách vững bền, cao thượng. Thực sự là cả hai Anh Chị đã biết cùng nhau kết nối hài hòa và bù đắp cho nhau, “kẻ xướng người tùy”, thực sự ăn ý và cân bằng, vớí chủ ý là chỉ sử dụng một thể thơ dân gian truyền thống, để cùng nhau tạo nên cho chúng ta một bản hòa âm trong trẻo, tuy giản dị và có lúc môc mạc, nhưng lại phong phú, đa dạng, ăn ý với nhau và rất hiểu nhau, ngay từ đề tài đến phong cách thể hiện, mà tất cả chỉ tận dụng thế mạnh của một lối diễn đạt lục bát thân quen.

Tôi nhớ trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh có nhận xét rằng:  Năm nào ta cũng được ăn cơm mới, dù cũng vẫn là đất cũ, gạo cũ, cùng với người cũ cấy trồng ấy thôi! Với thơ lục bát, tất nhiên là thể thơ rất cũ đã hàng nghìn đời rồi và cảnh, tình trong thơ ấy cũng  có thể là nay mà cũng có thể là xưa…Nhưng vẫn chỉ với những dòng 6-8 như vậy, làm thế nào để người yêu thơ thưởng thức thấy rằng, đấy vẫn là cơm mới? Quả thực, hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã làm chúng ta bất ngờ, khi dám “ trình làng” một lúc cả 5000 câu thơ lục bát, mà ta có thể đọc  liền mạch không mệt, không bị rơi vào một cảm quan tầm thường, đơn điệu, hoặc nặng nề, chừng đó đã đủ là thành công rất đáng ghi nhận của tập thơ “song đôi” độc đáo, đầy gắn bó này của hai tác giả!

Khi nhà thơ Nguyễn Duy Yên viết bài:
Thi gan cùng với đất trời
Dãi dầu mưa nắng vẫn tươi lá cành
Ủ lòng nhựa trắng da xanh
Bốn mùa hoa nở thân mình đầy gai.
                                                     ( Vịnh cây xương rồng)
Thì cũng là mượn cây để nói người, mà cái “ủ lòng” ấy cũng khó có thể dùng khái niệm “cũ hay mới” mà luận được, mà phải xuất phát từ cái tình và cái tâm của tác giả. Vậy là, lục bát vẫn phải lấy tình sinh hứng để vận ra, để tỏ bày. Hoặc có lúc chỉ là một Bến xưa: “Có người thơ thẩn biết là về đâu?” mà ngẫu nhiên cũng làm ta bâng khuâng đến vậy! Ta thử gọi Xuân ơi cùng tác giả: “Thôi thì xuân đã về đây/ Đừng đi ở lại cho khuây lòng trần”. Lại có lúc, hòa theo tác giả, lòng ta cùng Thơ thẩn: “Trời buồn trời đổ cơn mưa/ Tôi buồn ngồi viết bài thơ tự tình/ Gửi ai, ai biết đến mình/ Ngập ngừng xóa sạch không thành bài thơ!” Hay còn là một chút ngẩn ngơ vương vấn: “Chiều nay lấm tấm mưa rơi/ Trang thơ không tải nổi lời yêu em!”Quả là chất thi sĩ! Mới biết nhà thơ Chế Lan Viên thật hóm hỉnh mà có lý khi đặt ra trên đời có một “giống thi nhân” khác với người thường! Nguyễn Duy Yên cũng dám đặt hẳn cho mình tư cách ấy. Trong  Là thi nhân, ông viết: “Sang giàu đã chắc gì đâu/ Mà đem so sánh với đầu thi nhân”. Lý lẽ giản dị nhưng tự tin, dám tự hào vì những giá trị tinh thần vô giá của “ thi nhân”, mà của cải vật chất dù giàu sang đến mấy cũng không dễ gì đem lại.
Đã là giống thi nhân thì chắc chắn Nguyễn Duy Yên phải yêu, phải lỡ, lại phải ngậm ngùi vì nhiều nỗi niềm thế sự. Khi nhà thơ hỏi: “Cuộc đời chẳng lẽ tay không ra về”(Khơi nguồn), rồi ông xem lại: “Già ngồi tính sổ giật mình xót xa” (Nỗi lòng), thì ta cũng có phần ái ngại cho cái cách tính sổ tỉ mẩn đó, nhưng rồi đến lượt ta, ta cũng lại phải giật mình với cái xót xa của ông, vì nghĩ lại, chính cuộc đời ta nào cũng có khác gì thế đâu?  Hay chỗ khác, ở bài Đêm trăng sáng: “Tơ lòng chia sẻ cùng ai?” rồi:“Tuổi xuân hỏi được mấy thì?”, sang bài Chiều buông: “ Chiều nay lấm tấm mưa rơi/ Trang thơ không tải nổi lời yêu em”, ta càng thông cảm thêm với nhà thơ giàu tâm sự cảm thán này. Ta còn gặp lại tâm sự ấy trong bài Man mác xuân: “Đường về man mác, đường xa nỗi mình”, hay bài Lặng lẽ xuân: “ Thời gian lặng lẽ trôi mau/ Dại khôn, khôn dại, qua cầu mới hay!” hoặc bài Bâng khuâng xuân: “Trăm năm như thể tấc gang/ Đời người như chuyến đò ngang sớm chiều!”… Phải trải lắm cuộc đời mới có nổi những câu thơ như vậy.
          Khi đi giữa kinh đô Huế đượm lắm màu lắm sắc cổ kính trang nghiêm, thế mà khi nói về chợ Đông Ba, chốn xô bồ nhất ở kinh đô, nhà thơ vẫn rộng lòng  hạ câu khen bất ngờ: “ Chợ Đông Ba khá đông người /Cũng thơ mộng lắm, giữa đời hào hoa” (Thăm Huế ngày xuân)… Quả là lục bát đôi khi cũng cần một chút tinh nghịch là thế, nó gieo vào lòng ta chút sắc thái mới, lại ẩn nụ cười mỉm hóm hỉnh tinh ranh của tác giả. Còn cái ranh giới mong manh trong bài Đêm trừ tịch: “Chỉ còn có nửa đêm nay/ Nửa đêm sau đã sang ngày đầu xuân” thì ta có thể cảm nhận trực giác được ngay điều nhà thơ muốn nói, khi rất rành rẽ và cụ thể chia đêm thành hai nửa, nhưng lại tiềm ẩn những điều không nói,vừa nuối tiếc cái cũ, vừa phấp phỏng cái mới, mà không cần liệt kê tận cùng ra những điều ấy là gì, trong cái khoảnh khắc đan xen nhau, chứa đầy mọi cảm thức mơ hồ. Cảm nhận hư hư thực thực kiểu như vậy còn được tác giả nuôi dưỡng tiếp trong bài Nhớ bạn tình: “ Ngoài trời chợt đổ cơn mưa/ Tỉnh ra mới biết mình vừa chiêm bao”. Ta còn gặp những câu thơ nặng một nỗi buồn nhân thế khác nữa, ví dụ như trong bài Vui đi kẻo lỡ xuân tàn: “Bạn bè được mấy tri ân/ Người thân còn được mấy lần gặp nhau” hoặc trong bài Trăm năm là ngắn hay dài: “Nổi chìm chiếc bóng cô đơn/ Phong trần một kiếp tủi hờn vì ai?/ Trăm năm là ngắn hay dài/ Nửa chừng xuân đã ra người đời xưa”. Nhưng nói vậy mà không hẳn vậy, vì tác giả không chỉ thích đăm đắm một nỗi niềm hoài cổ hay luyến tiếc quá khứ, lại cũng không hề là kiểu người bi lụy, bi quan khi nhìn đời. Khi đúc kết lại triết lý nhân sinh, tác giả vẫn tìm ra được cái lý để rồi biết tự an ủi mình, như: “Non cao còn có sông dài/ Trăng tà còn có sao mai cuối trời” (Tình trường), hay “ Xuân tàn mà vẫn không tan/ Hòa cùng vạn vật muôn vàn năm sau!”( Xuân bất tái lai)…
Khi tác giả Nguyễn Duy Yên nói về một mảnh tình riêng với quê nhà, mộc mạc, cụ thể, thì ông có những câu đặc tả tinh tế, thú vị như cách cảm của một lão nông:  “Say trong khói thuốc mơ màng/ Bát chè xanh ánh trăng vàng trời quê” (Mùa về). Nhưng khi đặt mình vào tâm trạng của một con người nghiên bút tài hoa, cảm thán trước mênh mang trời nước, trước một cuộc hành trình vô định, thì giọng thơ của tác giả lại khác hoàn toàn, nó đã ra khỏi cảm quan cụ thể, mà bước vào thế giới tư duy trừu tượng có phần siêu hình: “ Chênh vênh như một nhịp cầu/ Cô đơn như một con tàu ra khơi/ Tình em như nhạc không lời/Viển vông như cả một trời ước mơ”. Hay ở một bài khác, khi nói về cái đích thế giới đại đồng xem ra còn xa xôi ngút ngàn sương khói, giọng thơ cảm thán của tác giả dù kín đáo, nhưng vẫn vời vợi một nỗi ngậm ngùi tiếc nuối, cao sang mà có phần siêu thoát: “ Tiếc làm chi, tiếc làm gì/ Thời gian lặng lẽ trôi đi chẳng ngừng/ Những mong thế giới đại đồng/ Giấc mơ huyền ảo mênh mông nỗi buồn/  Ngựa phi mỏi gối chân chồn/ Đường đi tới đích xem còn xa xa…” Để rồi, nhà thơ lặng lẽ kết thúc bài bằng một nét cười mỉm, vừa có vẻ hồn nhiên như tự diễu cợt mình, vừa đầy bâng khuâng trải nghiệm: “ Bâng khuâng xuân đến càng yêu/ Ngỡ mình còn bé tẻo tèo teo năm nào!”. Bút lực của nhà thơ Nguyễn Duy Yên có thể nói là đa thanh, đa dạng. Ông biết đưa từng tâm trạng khác nhau và có khi rất xa nhau vào cùng một âm hưởng của dòng thơ lục bát và có thể nói, ông đã thung thăng bay nhảy cũng như tự tin xuôi ngược trong dòng thơ này một cách phóng khoáng và năng động.

Tiếp nối phần thứ hai của tập “ Dấu ấn một thời”, ta hãy tiếp tục chuyển sang những câu thơ hồn hậu và đầy nữ tính trong thơ lục bát với người bạn đời của tác giả Nguyễn Duy Yên là nhà thơ  Đoàn Kim Vân. Ở chị, điểm trước tiên cần ghi nhận là chị đã cho ta bắt gặp được một điển hình của người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ được khuôn giáo nề nếp của người đất Thăng Long – Hà Nội xưa. Rất nhiều bài đề cập đến chủ đề này. Ở bài Sửa mình, thì: “Muốn hay phải biết sửa mình/  Đừng kiêu ngạo quá mà sinh hợm đời/  Thả mình vào chốn ăn chơi/ Để rồi bỏ phí một thời xuân xanh”. Ở bài Chớ tham, thì: “ Tham lam rước họa vào thân/ Ở sao có đức có nhân mới là/ Người khôn ăn nói thật thà/ Thấy của phi nghĩa tránh xa chớ màng!”. Ở bài Chọn bạn, thì: “Tìm người kết bạn mà chơi/ Học gương đạo đức tình người nghĩa nhân/ Tránh xa chớ có nên gần/ Tà gian xấu bụng, thiệt thân khó lường”. Rồi đến lý tưởng sống một đời cũng được chị đề cập một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc trong bài Còn gì: “Sống vô ích sống làm gì/ Danh thơm để lại ra đi yên lòng/ Bàn tay sạch trắng như bông/ Cỏ xanh áo phủ giấc nồng ngàn thu…”
Thơ Đoàn Kim Vân có cái day dứt, nhưng là cái day dứt dịu dàng và kiên định:  “Nhớ con sông nhớ những chiều/  Con đê vắng mấy xóm nghèo bên sông/  Ăn quả nhớ đến người trồng/  Lớn lên bởi có tấm lòng quê hương” (Hồn quê). Hay: “Hồi chuông lay động đất trời/ Giật mình cảnh tỉnh nỗi đời xót xa/ Bổng trầm thánh thót ngân nga/  Như lời nhắc nhở liệu mà tu thân!” ( Tiếng chuông). Là một người sáng tác, chị có cái day dứt đáng yêu của một người vất vả vì ngôn từ, đo đắn để tìm ra một tứ thơ hay, một chữ tài hoa đặt đúng chỗ. Cái ngẩn ngơ vì sáng tạo ấy đã được chị diễn tả  trong nhiều bài, như Thao thức: “Câu thơ thức dậy trong tôi/ Ghi vào để nhớ lỡ rồi lại quên/ Đã từng thao thức bao đêm/ Tứ thơ lẩn quất mãi tìm chẳng ra!”. Hay trong bài Vu vơ: “Có người đi nhặt hoàng hôn/ Đêm về đem dệt nỗi buồn vu vơ/ Có người ra ngẩn vào ngơ/  Mải tìm ý một bài thơ chưa thành!”. Hoặc nỗi tiếc nuối sợ tứ thơ của Chiều mơ dở dang bay mất: “Bài thơ mới viết nửa chừng/ Giấc mơ chiều mãi xin đừng qua đi/”. Vất vả như vậy, nhưng chỉ là vì thú vui tao nhã của tâm hồn, nên tác giả vẫn yên tâm, lòng tự nhủ lòng:“Nợ văn chương mối tình đầu/ Bốn mùa qua vẫn nguyên màu thời gian”(Thơ), hoặc: “Lòng còn gửi lại chút này/ Tình thơ lai láng mà say hương đời/ Trăm năm ra khỏi cõi người/ Tâm hồn tôi vẫn sáng ngời niềm tin”( Tâm hồn tôi). Vì đã có một thú vui tinh thần cao đẹp làm chỗ tựa cho tâm hồn mình, nên cả trong suy nghĩ, hay luận về danh lợi phù du ở đời, chị cũng chỉ nói vừa đủ: “Cái gì đạt tới đỉnh cao/ Tai ương sẽ đến vận vào mình thôi/ Duyên kia chỉ có một thời/ Hiểu nhiều biết lắm để rồi dại khôn” (Ngẫm); “Lợi danh như thể phù du/  Hãy nên thêm bạn bớt thù là hơn/ Biển đời sóng gió nguồn cơn/ Mai ngày về đất hỏi còn gì đâu” (Nghĩ);  “Tham lam rước họa vào thân/ Ở sao có đức có nhân mới là/  Người khôn ăn nói thật thà/  Thấy của phi nghĩa tránh xa chớ màng” (Chớ tham).  Trong một xã hội đang có nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, những bài thơ ngắn gọn của Đoàn Kim Vân có thể coi như những lời cảnh tỉnh giàu ý nghĩa.
Đặc biệt, chị rất chú ý đến tu tâm dưỡng tính mà chị một đời mình đã thực hành. Chị tiếc thời gian lắm:  “Thời gian quý trọng hơn vàng/ Để trôi đi mất thở than ích gì/ Xuân đời lặng lẽ trôi đi/  Ngày xanh bỏ phí tiếc thì đã qua” (Lập thân); Có rất nhiều người chỉ thích đi theo con đường vạch sẵn. Nhà thơ Đoàn Kim Vân đã tìm đường thơ cho mình rồi, chị lại còn khuyến khích sự năng động, không chấp nhận thụ động trong việc đời nói chung nữa, điều mà hôm nay chúng ta đang khuyến khích lớp trẻ “khởi nghiệp”:  “Thắp lên ngọn lửa niềm tin/ Lòng không giới hạn trăm nghìn ước mơ/ Đừng bao giờ để bất ngờ/ Đời luôn năng động chớ chờ đợi mong” (Niềm tin). Cái triết lý mạnh mẽ  và chủ động “ Thân lập thân” ấy đã được nhà thơ Đoàn Kim Vân tu chí và thành công một đời, từ tay trắng. chị đã không dấu diếm nói ra cái “bí quyết” chân chỉ ấy trong bài Mở đường: “Mở đường với túp lều tranh/ Gắng công xây dựng trở thành giàu sang”. Đây không chỉ còn là thơ, nó cũng là bài học cho lớp trẻ muốn “khởi nghiệp” từ tay trắng hôm nay.
Những bài Đoàn Kim Vân viết về tình quê, nỗi nhớ quê, giọng thơ không sôi nổi, mà lắng đọng nỗi buồn một thời đã qua, có những câu lặng lẽ mà làm ta nao lòng: “Con sông xưa chảy âm thầm/ Chợ làng ta họp mỗi tuần mấy phiên?”(Tiếng quê hương). Hay:“Giật mình ngày tháng qua mau/  Nghe con sóng vỗ nỗi sầu riêng tư” (Bến cũ tình quê). Đoàn Kim Vân mang nặng tình quê và hay hoài niệm về tuổi thơ ở quê nhà, vì chị vẫn có cái bùi ngùi, dù  lớn lên và đã thành đạt trong đời, nhưng vẫn có cái tâm trạng luôn “ngộ” ra thân phận nổi chìm, phiêu bồng, phù du, theo quan niệm của nhà Phật: “Con thuyền định mệnh hư không/ người đi đãi cát ở trong biển đời/ Dấu chân khắp nẻo muôn nơi/ Tấm thân phiêu bạt một trời lênh đênh!”. Đấy là cái lõi để mình tự giác ngộ ra thân phận mình, từ đó, có cách sống và xử thế đúng đắn, nghĩa tình. Chính vì đã “ ngộ” ra bản thân mình trong cuộc sống, nên Đoàn Kim Vân rất biết chiu chắt từng nét đẹp nhỏ trong đời và trong thiên nhiên, càng nhạy cảm hơn và “thi sĩ” hơn trong từng biểu cảm của đời thường:  Đây là một chút xao lòng trong  Gió giao mùa: “Ô kìa lá rụng ngoài sân/ Vài bông cúc nở muộn mằn cuối thu/  Lạnh đông sương muối, sương mù/  Để người luyến tiếc lời ru giao mùa”. Cái tiếc nuối tinh tế và trong trẻo ấy làm ta biết nâng niu và nhạy cảm hơn với từng biến diễn của thời gian, của sự vật quanh mình.
          Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đều có các bài thơ nhắc về các bậc văn nghệ sĩ tài danh của đất nước qua nhiều thời, như nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Tú Xương, nữ sĩ Ngân Giang, nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…, với tấm lòng “lân tài” và cảm mến, gợi ra thêm nhiều điểm tương đồng và phản chiếu lẫn nhau trong các tâm hồn đồng điệu qua nhiều thời. Đặc biệt, cả hai Anh Chị đều có bài viết về thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều với nhiều cảm thông và tâm đắc, với ý nghĩ chung rằng thơ hay như Nguyễn Du là thứ thơ động đến tận đất trời, mà không chỉ một thời, mà sẽ còn lưu mãi ngàn đời. Hơn 3000 câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đủ là một kỳ tích để chứng minh và làm sáng tỏ hơn bao giờ hết luận điểm đó trong lịch sử văn học nước ta.
          Tôi cũng xin chúc cho 5000 câu lục bát của Anh Chị Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân sẽ còn đọng lại trong tâm thức người yêu thơ Việt, ghi lại dấu ấn nỗ lực của hai nhà thơ trong thể thơ lục bát truyền thống, muốn đem thơ lục bát đối mặt với các sự kiện thời sự của ngày hôm nay và muốn chứng minh sức sống trường tồn của thơ lục bát qua mọi thời đại. Tôi muốn dẫn một câu Kiều để ghi nhận lại sự nỗ lực của hai nhà thơ: “ Mỗi người một vẻ, mười phân (sẽ) vẹn mười!” Xin chúc mừng hai Anh Chị với tập thơ lục bát hoành tráng “Dấu ấn một thời” và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

                                                                 Nhà thơ BẰNG VIỆT.

                                                                       (Tháng Tám, 2017).
0 nhận xét

Ngẫu hứng bạn...

    NGẪU HỨNG BẠN, TÌNH BẠN THƠ TRONG TUYỂN TẬP
  “5.000 CÂU THƠ LỤC BÁT” MANG TÊN “DẤU ẤN MỘT THỜI
 CỦA VỢ CHỒNG NHÀ THƠ NGUYỄN DUY YÊN VÀ ĐOÀN KIM VÂN
                                           -----------o----------

                                                Nguyễn Việt Chiến
                         Uỷ viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt nam
                                    Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà nội

  Trước khi in tuyển tập “5.000 câu thơ Lục Bát” vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân (đã ngoại tám mươi tuổi và đều là Hội viên Hội Nhà văn Hà nội) đã được trao bằng chứng nhận Guinet Việt nam “Đôi vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ phổ nhạc nhiều nhất” với trên 100 bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhac trong nhiều năm qua. Lần này, với tuyển tập 5.000 câu thơ Lục Bát mang tên “Dấu ấn một thời” có thể nhà thơ cao tuổi này muốn xác định một kỷ lục Guinet về thơ nữa chăng? Vì thế, tác giả Nguyễn Duy Yên trong bài “Dòng sông thơ”đã trải long:
                                    Sông văn chảy cuốn theo dòng
                                    Đường ra biển cả mênh mông nước trời
                                    Viết câu thơ để lại đời
                                    Tìm vàng đãi cát ai người biết chăng.
Còn tác giả Đoàn Kim Vân thì khẳng định :
                                   Thơ là ý của tâm hồn
                                   Gửi niềm tâm sự vui buồn có nhau
                                   Nợ văn chương mối tình đầu
                                   Bốn mùa qua vẫn nguyên màu thời gian.
  Có thể cái “Màu thời gian” trong bài thơ trên như vẫn còn nguyên sự thuỷ chung của tâm hồn thi sĩ với hàng ngàn câu thơ Lucj Bát viết về nhau, viết cho nhau và viết cùng nhau của đôi vợ chồng thi sĩ tuổi cao niên này. Bởi thế, khá tinh tế khi tác giả Nguyễn Duy Yên đã viết tặng vợ đồng thời là bạn thơ bài “Trao gửi cho em”:
                                   Thơ là ý của tâm hồn
                                   Thơ là cảm xúc vui buồn có nhau
                                   Tiếng thơ toả sáng muôn màu
                                   Tiếng thơ ràng buộc nghĩa sâu tình dài
                                   Nàng thơ như ánh sao mai
                                   Sáng soi đôi trẻ tình đời trắng trong
  Với thi sĩ Đoàn Kim Vân, tình yêu đôi lứa lại nhiều khi ẩn chứa trong những nỗi niềm thơ gắn với tình yêu quê hương nguồn cội gửi tấm lòng mình vào bài

                                                                              02
thơ”Hồn quê gợi nhớ” viết từ năm 1956 đã cho ta thấy một người thơ nghiêng về phía duy cảm:
                                   Nhớ gì như nhớ người yêu
                                   Xa quê lòng những sớm chiều nhớ quê
                                   Nhớ dòng sông nhớ con đê
                                   Mùa thơm lúa mới nắng hè chói chang
                                   Nhớ sao những buổi chiều vàng
                                   Thoảng cơn gió thổi Nồm Nam mát lòng
                                   Nhớ ao sen nhớ ruộng đồng
                                   Đường quanh lối xóm tựa trong bàn cờ
                                   Nhơ về một thuở ấu thơ
                                   Lời ru của mẹ à ơ…đêm dài
                                   Nhớ từ hạt lúa củ khoai
                                   Riêu cua gợi cảm nhớ hoài cà tương
                                   Quê hương ơi nặng tình thương
                                   Gieo vào nỗi nhớ vấn vương tâm hồn
  Đọc tập thơ “5.000 câu Lục Bát” ta có thể nhận thấy sự đồng cảm, đồng điệu của đôi vợ chồng nhà thơ này. Dường như quãng thời gian đẹp nhất trong đời họ đã dành cho nhau và giờ đây quãng đời còn lại, họ lại dành cho nhau những khoảnh khắc nồng nàn thi hứng văn chương với những vần thơ Lục Bát như suối nguồn không cạn như trong bài thơ “Hương lòng” của thi lão Nguyễn Duy Yên dưới đây :
                                    Tình yêu ai nói hết lời
                                    Ý lòng tràn ngập sóng đời vấn vương
                                    Gửi em tất cả tình thương
                                    Tạc lòng hai chữ thuỷ chung không mờ
                                    Tuổi thơ hò hẹn khi xưa
                                     Đêm tân hôn ấy bao giờ dám quên
                                     Hoà chung hơi thở bao đêm
                                     Làn môi nhè nhẹ hôn trên má gầy
                                     Men tình em uống dần say
                                     Ước mơ sao có những ngày sáng tươi
                                     Ửng hồng đôi má nụ cười
                                     Truyền thêm sức sống nghĩa đời ghi sâu
                                     Gửi em cả mối tình đầu
                             Hương lòng trong trắng hát câu chung tình
  Tình yêu luôn cộng hưởng với sự sang tạo và là chất men khởi nguồn cho những sang tạo của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân.         

                                                                 03
Hình như tuổi tác không làm suy giảm sức viết của họ và tuyển tập “5.000 câu thơ Lục Bát này” là một minh chứng
                                      Say thơ say cả đất trời
                                      Say tình say cả nghĩa đời trắng đen
                                      Dù không chuếnh choáng hơi men
                                      Mảng chơi chẳng biết là đêm hay ngày
                                      Rượu nồng vừa nhấp đã say
                                      Rượu xuân dốc cạn chén đầy chén vơi
                                      Chen chân ở giữa biển đời
                                      Lao thân lướt sóng ngụp bơi nổi chìm
                                      Ai làm xáo động con tim
                                     Còn bao nỗi nhớ biết tìm nơi đâu...
                                          ( Trích bài thơ” Thôi nhé” của Nguyễn Duy Yên)
  Thi hứng cộng với cảm xúc yêu thương luôn là mạch chảy ngầm qua hầu hết các bài thơ Lục Bát của đôi vợ chồng nhà thơ này. Với tác giả Đoàn Kim Vân có những bài thơ tình viết cách đây 60 năm như bài thoe “Lưu luyến” viết về mối tình của phụ nữ ở hậu phương nhắn nhủ người chiến sĩ dấn than nơi xa trường thật mộc mạc, nồng ấm, tha thiết yêu quê hương với tình yêu đôi lứa không hề xa cách :
                                     Xa rồi những mái nghiêng nghiêng
                                     Bóng quê hương cũ xa biền biệt xa
                                     Anh đi luôn nhớ quê nhà
                                     Mái tranh toả khói chiều tà buông lơi

                                    Đêm về rộn rã tiếng cười
                                    Tình quê đầm ấm cuộc đời nở hoa
                                    Hỏi rằng mình có nhớ ta
                                    Nhớ lời hẹn ước thiết tha mặn nồng

                                    Trong anh còn nhớ hay không?
                                    Buổi giao duyên ấy hẹn lòng thương nhau
                                    Tình đời em đã ghi sâu
                                    Đẹp lòng chiến sĩ những câu chung tình

                                   Nhớ không một buổi bình minh
                                   Tiễn người chiến sĩ một mình ra đi
                                   Trông nhau chẳng biết nói gì
                                   Nỗi lòng kẻ ở người đi nặng tình

                                                                04

                                   Đường dài trái đất mông mênh
                                   Phố phường như cũng thấy mình chia phôi
                                   Nhớ thương thương nhớ khôn nguôi
                                   Mờ dần cảnh vật bóng người khuất xa

                                   Tiễn người chiến sĩ xa nhà
                                   Giờ vui tạm biệt ai mà khôn nguôi
                                   Rồi đây vạn nẻo đường đời
                                   Đăm đăm đôi mắt có người trông theo….

  Trong các thể loại thơ thuộc dạng “văn có vần” còn tồn tại tới ngày nay thi thơ Lục Bát là thể loại dễ viết,  ai cũng cảm nhận được và người Việt nam nào trong đời mình ít ra cũng thuộc dăm ba câu thơ Lục Bát, nhất là ca dao và tục ngữ. Tuy vậy, Lục Bát là một thể thơ”Dễ viết mà khó hay” dẫu những kỹ thuật nằm lòng về thể loại thơ này đã có trên trăm năm qua.
  Với những người làm thơ luôn thường trực ý thức sáng tác có lúc”thi hứng” trong tâm hồn ào đến nhưng “thần hứng” lại chưa khai mở, vì thế những bài thơ hay để đời vẫn là bí mật của Đấng sáng tạo. Đây chính là một thử thách, một đòi hỏi của nghề làm thơ đối với những tác giả đã “phải lòng” thơ Lục Bát ngay từ khi cầm bút viết những bài thơ đầu tiên như, hai vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân.

                                    Hà nội tháng 8 năm 2017 (7 Đinh Dậu)

                                

                                                
                                                              


                            
0 nhận xét

Hồn thơ...

                                        HỒN THƠ LƯU LẠC MIỀN LỤC BÁT

                                           Thạc sĩ Nguyễn thị Thanh Hoà
                                                     Viện Thông tin Khoa học xã hội
                                     Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

  Có nhiều cuộc đời cháy lên bởi sự đam mê, những con người như vậy đã có được hạnh phúc trong tận cùng khát khao và thẳm sâu bản ngã của họ.Một cặp vợ chồng được biết đến với tình yêu tha thiết dành cho thi ca, đã cùng nhau trải qua nửa cuộc đời với những vần điệu, đó là Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Thật lạ, giữa dòng đời xuôi ngược bộn bề lo toan, bươn chải hay giữa cả đỉnh cao thành công, họ vẫn dành tâm hồn mình cho thơ. Và có lẽ chính thơ ca đã giúp họ yêu thương và thấu hiểu nhau hơn, như một nhịp cầu kết nối hai tâm hồn đồng điệu.
  Từng ra nhiều tập thơ chung và riêng, lần này Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân lại cùng xuất bản một tuyển tập thơ chuyên về Lục Bát mang tên “Dấu ấn một thờiThơ Lục Bát dễ làm nhưng khó hay. Là thể thơ truyền thống của dân tộc, Lục Bát có cái dễ trong gieo vần tạo nhịp, nhưng chính như vậy mà có thể tạo sự dễ dãi trong sáng tác, và để có được một câu, một bài Lục Bát xúc tích, có chất lượng nghệ thuật thì không đơn giản. Tuy nhiên ông Duy Yên và bà Kim Vân với tình yêu dành cho thi ca nói chung và thể Lục Bát truyền thống nói riêng, đã mạnh dạn hồn nhiên đến với Lục Bát, trong nhiều bài đã thể hiện được điểm mạnh của mình với thể thơ này. Tập thơ gồm nhiều bài, hai tác giả sáng tác từ những năm 50, 60…của thế kỷ trước. Có thể nói, Lục Bát và thơ ca đã cùng ông bà trải lòng trong gần như phần lớn thời gian của đời mình.
  Tình yêu – đề tài muôn thuở của thi ca :
Giống như nhiều người làm thơ khác, dù từ lúc mới ra nhập làng thơ, nay đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, Duy Yên và Kim Vân viết nhiều về tình yêu, còn mang hơi thơ vào luồng gió mới, phản ảnh nhịp sống của thời đại. Những bài thơ tình lãng mạn của Nguyễn Duy Yên như Trao gửi cho em, Hương lòng, Tình yêu mùa hè, Dốc Lết biển tình, Nhớ bạn tình… và những bài thơ nhẹ nhàng đằm thắm viết về tình yêu của Kim Vân như: Gửi người thương,Tìm bạn đời, Có nhau, Truyền thuyết tình yêu, Dòng sông nỗi nhớ… đã tô điểm thêm cho thế giới thơ tình những bông hoa xinh đẹp. Một buổi chiều trên bến sông, người con gái ngắm nhìn “ một chiều xa anh một mảnh trời lênh đêmh” mà thấy nhói lòng với nỗi nhớ thầm kín trong tim.
                         “ Anh ơi có thấu nỗi lòng em
                          Sầu riêng nén chặt bao đêm khóc thầm
                          Tuổi xanh cùng với tháng năm
                          Lệ tình chưa đọng giọt thầm dưới mi”
                                                         02
                                               (  Dòng sông nỗi nhớ- Đoàn Kim Vân)
  Tình yêu trong thơ Kim Vân có lúc sâu nặng thầm kín như thế, có khi nhẹ nhàng bảng lảng, như nỗi nhớ thương về mối tình đầu nơi miền quê sinh trưởng.
  Ở thơ tình của Nguyễn Duy Yên lại có phần dào dạt hơn. Ông suy ngẫm về tình yêu :”Thơ là ý của tâm hồn/ Thơ là xúc cảm vui buồn có nhau” (Trao gửi cho em), “Tình yêu ai nói hết lời/ Ý lòng tràn ngập sóng đời lâng lâng” (Hương lòng); ông không che giấu sự chiếm lĩnh tình yêu trong tâm hồn mình, nên ông đã được thăng hoa trong hạnh phúc.
                             “ Em ơi tình của đôi ta
                              Như tơ lụa dệt như hoa thắm nồng…”    (Tình yêu mùa hè)
  Và ông vội vàng, như thi sĩ Xuân Diệu vội vàng yêu, giục giã người tình của mình hãy yêu đi  bởi đó là “Nguồn sống của đời”, là sức mạnh cho mình vui tươi. Mối tình nào cũng có những lúc trắc trở, cách xa nhưng đọc thơ tình Duy Yên, người đọc thấy sức mạnh của tình yêu đã khiến cho những khó khăn, cách trở không còn ý nghĩa nữa, bởi trái tim lứa đôi đã” hoà nhịp”, bởi “Vui buồn mặn nhạt chia đôi”(Chiều buông). Và ngay cả khi biết rằng đó chỉ là một “mối tình bâng quơ” cần phải quên đi, nhà thơ vẫn khiến cho người đọc hiểu rằng tình yêu mang sức mạnh không phủ nhận được :
                               “ Rối bời như mớ bong bong
                                 Gỡ sao cho thoát cái vong tương tư”  (Khúc tương tư)
  Tính triết lý phía sau những vần điệu Lục Bát
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời, giờ đây thơ của hai vợ chồng Duy Yên, Kim Vân càng trở nên giàu chất suy tư. Ngắm trăng hạ tuần, Kim Vân bỗng thấy buồn với câu hỏi tự nhiên bật lên trong lòng mình :”Trăng sao vằng vặc đêm thâu/ Hạ tuần trăng lặn về đâu? Trăng tàn”. Bà tự trả lời “Trăng tàn”. Cái chữ “tàn” nghe nhẹ tênh mà não nề, hẫng hụt. Nó nói về sự vô thường của vạn vật, giống như mảnh trăng hạ tuần kia cũng phải có lúc hết tròn đầy. Kim Vân còn có nhiều bài thơ khác thể hiện sự trăn trở, suy tư về số phận, về những nỗi niềm trần thế, như bài  Vượt qua định mệnh, Nhớ quên, Đi về đâu, Nỗi đời, Kiếp hoa Quỳnh, Tiếng chuông, Sao lại cô đơn, Hỏi mình, Chớ tham, Chọn bạn, Lời khuyên… Nhiều bài viết từ chính trải nghiệm, những bài học quý báu mà nữ nhà thơ có được trong đời. Nhiều bài thể hiện những suy ngẫm, triêt lý rât nữ tính mà trải qua nửa đời người bà mới có được, như trong bài Kiếp người ,Nụ cười, Tâm tư, Tiết kiệm, Lời thật, Gái ngoan…
  Những dòng thơ mang tính suy tư, triết lý của Duy Yên có đôi nét khác biệt với người bạn đời của mình. Rõ ràng ông tỏ ra điềm đạm hơn, thâm thuý hơn. Ngay cả khi ngẫm suy về kiếp con người, để trả lời cho câu hỏi về hỉ, nộ, ái, ố, ông chỉ

                                                                 03
buông một câu giản dị mà thấm thía : “Khổ đau hãy tự hỏi mình tại sao?” (Suy ngẫm). Chẳng phải câu nói nhà Phật “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” thật đúng đó sao? Chẳng phải con người cần phải làm chủ mọi hành vi, mọi cảm xúc của mình? Phải chăng câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất trong mọi câu chuyện nên là câu hỏi xoáy vào chính lương tri của mình?
  Nguyễn Duy Yên viết nhiều bài mang tính triết lý, như Suy ngẫm, Tự hỏi, NhẫnBiển đời…nhưng phần lớn triết lý ẩn vào từng câu, từng chữ trong bài,một cách thầm kín và tinh tế, như trong các bài : Nhịp thời gian, Mơ xuân, Thôi thì, Dặm đời, Trăm năm là ngắn hay dài, Đời người, Đôi điều cảm nghí, Trường ca Tản mạn chuyện đời, Mảnh đời lắp ghép… Khi chỉ là bài cảm tác trước cảnh quê tươi đẹp, lúc chỉ là một vần điệu chào xuân mới, những ẩn sâu trong từng ý tứ, lời lẽ lại là những suy ngẫm về tuổi già, về thời gian, sự vô thường của đời người, và lời khuyên nhủ con người hướng tới ánh sáng của niềm hy vọng, lạc quan. Nếu như thơ Kim Vân duyên dáng, nhẹ nhàng thì thơ Duy Yên trầm tĩnh, điềm đạm và giàu tính suy tưởng. Song cả hai đều toát lên vẻ lạc quan yêu đời, cái cảm xúc của những người đã từng trải, biết cách vươn lên ca ngợi cuộc sống này tươi đẹp biết bao. Tôi còn nhớ trong một bài viết về hai nhà thơ này, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đặt tên là “Cặp song ca hai thế kỷ” quả là một nhận xét thật chí lý (bài viết trong tập thơ Biển đời  của Duy Yên và Kim Vân).
  Tuyển tập 5.000 câu thơ Lục Bát “DẤU ẤN MỘT THỜI” của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân là tuyển tập công phu, khẳng định thơ của cặp vợ chồng này một lần nữa đã thành công cùng những tập thơ trước. Đề tài phong phú, nổi bật là tình yêu quê hương, đất nước, con người…, những vần thơ của họ đã đem lại nhiều cảm xúc cho độc giả, bên cạnh đó cũng kịp ghi dấu ấn riêng từng người về phong cách thi ca và cả những điều thẳm sâu trong trái tim, suy nghĩ của họ về thế thái nhân tình. Có thể thấy thơ ca chính là đam mê nhất của hai vợ chồng và chính nó đã khiến họ cất cánh trong bầu trời của nghệ thuật, như Duy Yên đã viết trong bài “Hồn thơ lưu lạc”:
                                              “Hồn thơ lưu lạc chơi vơi
                                                Gửi mây gửi gió giữa trời bao la”
  Đọc xong bản thảo “Dấu ấn một thời” viết tuy dễ mà để cho hay thì quá khó. Hai vợ chồngi nhà thơ đã mạnh dạn dùng thể thơ Lục Bát để miêu tả tình yêu, đất nước , con người, đọc thơ thấy xuyên suốt, êm tai, có nhiều câu hay làm người đọc dễ nhập tâm.
  Tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập thơ” DẤU ẤN MỘT THỜI” mà tôi đã đọc nhiều lần, rất trong sáng và thú vị.,.

                                            Hà nội tháng 09 năm 2017 (tháng 8 năm Đinh Dậu)
                                                      Nguyễn Thị Thanh Hoà















                                                      




0 nhận xét

Những vần thơ...

                    
                        NHỮNG VẦN THƠ ĐẰM THẮM TÌNH NGƯỜI

                                                                 Nhà Văn Nguyễn Thăng

   Thi hào Nguyễn Du Viết truyện Kiều bằng thể thơ Lục Bát dài 3.254 câu. Từ khi ra đời đến nay đã gần 200 năm, truyện Kiều đã thành kiệt tác của Nguyễn Du và Văn học Việt nam. Năm 1965 UNESCO đã vinh danh Nguyễn Du là nhà văn hoá thế giới. Nguyễn Du và truyện Kiều là niềm vinh dự tự hào cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
  Học tập người xưa hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã sáng tác tập thơ mới mang tên DẤU ẤN MỘT THỜI, tập thơ viết bằng 5.000 câu thơ Lục Bát, đó là kỷ lục không phải ai cũng làm được. Tôi đón nhận bản thảo tập thơ 5.000 câu lục bát của hai tác giả trong lòng rất cảm phục và trân trọng.
  Vậy xem hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn kim Vân đã viết thơ Lục Bát như thế nào ? Sáng tác một bài thơ ngắn mà hay thì không hiếm, nhưng làm được hàng nghìn câu thơ lục bát tài hoa thì không dễ.
  Chủ đề tập thơ là Tình yêu- Đất nước- Con người. Hai nhà thơ đã gửi gấm tâm hồn mình vào những con chữ, để rồi rung lên như khúc nhạc lòng.
                                … Đến thăm em, em vắng nhà
                                     Anh buồn đứng ngắm vườn hoa em trồng
                                     Anh chờ anh đợi anh mong
                                     Nào đâu có thấy bóng hồng nẻo xa .
                                           (Bài CHỜ của Nguyễn Duy Yên)
  Chàng trai có lẽ chờ người yêu đã khá lâu, mà vẫn cố đợi. Có yêu mới nhớ, có nhớ mới mong để gặp…mà mối tình đầu thì ai mà chả có dấu yêu như vậy:
                                    … Rối bời như mớ bòng bong
                                        Gỡ sao thoát khỏi cái vòng tương tư
                                               (TƯƠNG TƯ – Nguyễn Duy Yên )
  Nữ sĩ Đoàn Kim Vân lại tả nỗi nhớ người yêu qua dòng sông thăm thẳm :
                                     … Nắng chiều nhàn nhạt dần phai
                                          Trông theo dòng nước nhớ hoài xa xăm
                                                  (NỖI NHỚ - Đoàn Kim Vân)
  Từ tình yêu đến hôn nhân là bước ngoặt trong đời, Đoàn Kim Vân đề cao sự thuỷ chung đi đến tận cùng :
                                            Qua rồi cái tuổi xuân xanh
                                             Ngọt bùi cay đắng chia dành cho nhau
                                             Lộc trời mong được bền lâu
                                             Già rồi càng thắm càng sâu nghĩa tình
                                                     (NGHĨA VỢ CHỒNG – Đoàn Kim Vân)

                                                             02

  Nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng vậy, mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ lại tặng quà hay làm thơ tặng vợ:
                                         Mừng ngày mồng tám tháng ba
                                         Tám mươi có lẻ thấy bà vẫn xuân
                                         Sống vui sảng khoái tinh thần
                                         Lạc quan có đức lang quân bên mình
                                                    (TẶNG VỢ - Nguyễn Duy Yên)
  Và đám cưới vàng của hai nhà thơ thật cảm động (ĐÁM CƯƠI VÀNG -
                                                                                                 Nguyễn Duy Yên)
  Rất quý và trân trọng vợ chồng nhà thơ cao tuổi, miệt mài với thơ ca quên cả tuổi già. Nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân cùng sinh ra ở xã Thuỵ Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nơi có con sông Luộc xứ sở của đặc sản nhãn lồng. Tuy sống ở Thủ đô nhưng tâm tưởng của hai vợ chồng luôn nhớ về cội nguồn.
                                         … Nhớ cha nhớ mẹ nhớ quê
                                              Ngày nao ngóng đợi con về mẹ ơi
                                                        (CHỈ CÒN NỖI NHỚ - Nguyễn Duy Yên)
hay :                                 … Xa xôi những muốn ngày về
                                              Sum vầy nội ngoại thoả thuê tấm lòng.
                                                         (TÌNH QUÊ – Nguyễn Duy Yên)
  Trong niềm vui đám cưới Kim cương. nữ sĩ Đoàn Kim Vân lại nhớ về nơi chôn rau cắt rốn :                             
                                          … Quê hương ơi mối tình đầu
                                               Trở về nay đã nhuộm màu phong sương…
                                                             ( CÒN YÊU – Đoàn Kim Vân)
  Hình ảnh quê hương in đậm trong lòng tác giả :
                                          … Vườn ai thấp thoáng hàng cau
                                               Bếp ai khói toả một màu xanh lam
                                               Đồng quê nắng trải lúa vàng
                                               Hạt bông nặng trĩu xóm làng mừng vui…
                                                                (MÙA VỀ - Nguyễn Duy Yên)
  Đoạn thơ. là bức tranh nhiều gam màu, của hàng cau, khói bếp, nắng trải lúa vàng và ẩn trong đó là tình quê sâu nặng, ngay cả trong giấc ngủ quê hương cũng hiện hữu nơi mộng tưởng.
                                                 Bên dòng sông Luộc êm đềm
                                                 Thơm mùi hoa nhãn hương đêm vị nồng…
                                                                   (VỀ QUÊ MẸ - Đoàn Kim Vân)
  Tác giả gọi mẹ :
                                                              03

                                             … Mẹ ơi con đã về đây
                                                  Ấm tình mẫu tử mà say hương đời
                                                  Mai ngày con sẽ đi rồi
                                                  Lại xa mẹ lại xa rời xóm thôn…
                                                                 (VỀ QUÊ MẸ - Đoàn Kim Vân)
  Câu thơ nghẹn lại với nỗi lòng người, con phải xa mẹ xa quê hương. Vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đến với nhau là do duyên phận.    Tuổi trẻ họ rong ruổi lo việc đời việc nước, họ có mặt trên mọi nẻo đường Tổ quốc, khi về hưu họ sát cánh bên nhau như hình với bóng. Với tâm hồn đồng điệu, đi thăm thú nơi nào họ cũng tức cảnh sinh tình mà làm thơ gửi hồn vào đó.
 … Màn đêm bao phủ sương sa/Rừng khuya lấp lánh sao sa giữa trời… (CHỢ TÌNH SA PA – Nguyễn Duy Yên ).
  Còn ĐÀ LẠT dưới ngòi bút Đoàn Kim Vân : Gió ngàn vi vút thông reo/ Vòm trời xanh thẳm dốc đèo bao quanh… (THÀNH PHỐ ĐỒI THÔNG – Đoàn Kim Vân}
  Qua đèo Hải Vân, choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, thi sĩ Nguyễn Duy Yên thốt lên :
                                            … Quanh co dốc núi cùng đèo
                                                 Sương pha mờ ảo mây treo lưng đầu
                                                 Ngắm nhìn thăm thẳm vực sâu
                                                 Ì ầm sóng vỗ dưới bầu trời xanh….
                                                                (QUA ĐÈO HẢI VÂN – Nguyễn Duy Yên)
  Tác giả vẽ lên bức tranh kỳ vĩ, hiểm trở, với âm thanh gào thét, ào ạt của sóng vỗ xô bờ như huyền thoại. Là lữ khách dạo bước trên đèo ngang, nữ sĩ Đoàn Kim Vân lại nhớ đện bà huyện Thanh Quan có bài thơ Qua Đèo Ngang nổi tiếng bà Vân cảm hứng :
                                            …Vượt đèo Ngang nhớ người xưa
                                                Thanh Quan bà Huyện làm thơ qua đèo…
                                                              (NHỚ MỘT BÀI THƠ – Đoàn Kim Vân)
  Và mỗi lần đến Huế  vợ chồng nhà thơ lại có thơ :
                                            … Giọng hò Huế mấy yêu thương
                                                Mạn thuyền run rẩy bóng gương hoa đèn
                                                              (NHỚ HUẾ - Đoàn Kim Vân)
                                            …  Qua thôn Vĩ Dạ thăm chơi
                                                  Nghe câu hò Huế gửi lời nước non…
                                                              (CHIỀU VĨ DẠ - Đoàn Kim Vân)
  Huế hiện lên như bức tranh thuỷ mặc đặc tả lung linh :
                                             …  Chùa Từ Đàm đến Nam giao
                                                   Dấu xưa còn đó người vào hư không…
                                                                    04

                                                … Dòng sông chia Huế làm đôi
                                                     Tràng Tiền mấy nhịp đôi nơi nối liền
                                                          (THĂM HUẾ NGÀY XUÂN- Nguyễn Duy Yên)
  Và nhiều bài thơ khác nữa về Huế, bài nào của vợ chồng nhà thơ cũng đầy cảm xúc. Trong tập thơ này cảnh đẹp, mộng mơ của Hà nội xuất hiện nhiều, nào là Hồ Gươm, Hồ Tây, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc v.v…
  Hồ Hoàn Kiếm nữ sĩ Đoàn Kim Vân tả :  Mặt hồ xanh nhuộm nắng vàng/ Ven hồ rợp mát bóng hàng cây xanh…
  Cảnh Hồ Tây, mấy nét phác hoạ của nhà thơ Nguyễn Duy Yên : Thấy đâu bóng dáng Sâm Cầm/ Giỡn đùa mặt nước sen hồng nở hoa/ Chuông chùa Trấn Quốc ngân nga/ Sương chiều đã rải nhạt nhoà Hồ Tây. (NGẪU HỨNG TÂY HỒ - Nguyễn Duy Yên).
  Đặc biệt bài thơ CẢM HOÀI ĐÊM CHƠI THUYỀN HỒ TÂY của nữ sĩ Đoàn Kim Vân đã được treo ở chùa Trấn Quốc. Bài thơ gồm 18 câu Lục Bát tả tình, tả cảnh như lôi cuốn hồn thơ lung linh mờ ảo. Ban đêm cảnh trí Hồ Tây như huyền thoại làm cho người đọc thấy Hồ Tây như nàng Tây Thi (chữ dùng của Cao Bá Quát) nữ sĩ Đoàn Kim Vân kết bài thơ bằng hai câu : Từ ngàn xưa đến bây giờ/ Tây Hồ còn đó bài thơ trữ tình.
  Là thi sĩ rong ruổi vui thú với thiên nhiên đi thăm mọi miền đất nước, họ còn có nhiều bài thơ hay, khi dừng bước ở nơi này, nơi kia. Nào Côn Sơn, Kiếp Bạc…nào cảnh biển bao la, nào Cù Lao Chàm, Hồ Ba Bể…Những bài thơ thắm đậm hồn người làm cho độc giả thêm yêu quý đất nước Việt Nam giàu và đẹp. Vợ chồng hai nhà thơ cũng có bài viết về các liệt sĩ như Phạm Hồng Thái, các nữ anh hùng hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc v.v…với tình cảm kính phục và biết ơn.
  Thơ Lục Bát của hai tác giả thật đồng điệu, họ đều yêu ánh trăng vàng, ánh trăng nói hộ lòng người. Hai thi sĩ cũng rất yêu các loài hoa : Hoa sen, hoa Quỳnh, hoa Rừng, Trà hoa với sự quan sát tinh tế.
                                       … Thoảng cơn gió nhẹ mưa bay
                                           Hoa rơi rụng đỏ ngập đầy lối đi…
                                                   (HOA LỘC VỪNG – Đoàn Kim Vân)
  Trong tập thơ 5.000 câu Lục Bát này, số bài viết về mùa xuân khá nhiều. Mùa xuân – Xuân của đất trời, xuân của lòng người, mùa xuân rất đẹp và đầy nuối tiếc :
                                        … Xa rồi những quãng ngày xanh
                                             Xuân nhàn ngồi viết thơ tình gửi ai?.
                                                     (XUÂN NHÀN – Đoàn Kim Vân)
  Một bài khác : Thôi thì xuân đã về đây/ Đừng đi ở lại cho khuây lòng trần (XUÂN ƠI – Nguyễn Duy Yên).
                                                                05
  Đọc DẤU ẤN MỘT THỜI ta thấy vợ chồng nhà thơ có nhiều suy nghĩ về con người. Tác giả là những vị cao niên đã trải nghiệm nhiều về cuộc đời với bao nhiêu cung bậc buồn, vui, khổ đau mà chắt lọc lại thành những chân lý :
   Muốn hay phải biết sửa mình/ Đừng kiêu ngạo quá mà sinh hợm đời (SỬA MÌNH- Đoàn Kim Vân). Và thật chí lý, nữ sĩ lại so sánh tiền tài với nàng thơ :
                                    Người đi tìm kiếm bạc vàng
                                    Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
                                    Ngẫm xem những tấn trò đời
                                    Ai mà tìm thấy một mặt trời nửa đêm
                                                      (TÌM – ĐOÀN KIM VÂN)
  Tác giả triết lý mà sâu sắc như “ … Sang giàu đã chắc gì đâu / Mà đem so sánh với đầu thi nhân (LÀ THI NHÂN – Nguyễn Duy Yên). Tác giả mong :… Riêng lòng mong muốn ước ao/ Hồn thơ hạt giống ươm vào vườn xuân (ĐÔI LỜI TÂM SỰ - Nguyễn Duy Yên).
  Tập thơ cũng viết về tình bạn nên có trước, có sau, vui buồn cùng chia sẻ :
                                Hôm nay bạn đến chơi nhà
                                Dăm câu thơ phú xuề xoà cho vui
                                Trà ngon nâng chén chào mời
                                Luận bàn thế sự đôi lời thăm nhau.
                                                    (VUI VỚI BẠN – Đoàn Kim Vân)
  Từ lòng yêu quý con người hai nhà thơ đã lên án cái xấu, cái ác, tham nhũng, huỷ hoại môi trường, nỗi khổ của người nghèo. Đọc 5.000 câu thơ lục bát của hai tác giả ta đều thấy toát lên sự lạc quan, hy vọng. Tập thơ mang ấn tượng hình ảnh đẹp cuối đời của vợ chồng già : Vợ chồng vui sống bên nhau / Lương hưu tạm đủ chẳng giàu cũng sang (CẢNH NHÀ – Nguyễn Duy Yên) và : Cổ lai hy thế đủ rồi/ Hai bàn tay trắng mỉm cười ra đi (ƠN TRỜI – Đoàn Kim Vân).
  Phải chăng đó là khát vọng và niềm vui cuối đời của 2 tác giả, thật nhẹ nhàng, thanh thản.
  Tôi muốn dành phần cuối bài viết này để nói về trường ca của nhà thơ  Nguyễn Duy Yên : MẢNH ĐỜI LẮP GHÉP dài 276 câu thơ lục bát. Đây là bài thơ thế sự, tác giả đã bộc lộ thái độ công dân yêu nước của mình trước thực trạng đất nước . Nào là nạn tham nhũng, đảo Hoàng sa bị nước láng giềng chiếm đóng, biển miền trung cá chết… nào là thuốc đắt, bệnh viện thiếu giường, môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông, vỉa hè bị lấn chiếm v.v…Nào là cải cách giáo dục, cải lên cải xuống hao tiền tốn của, thi cử rối tinh. Đầu tư nước ngoài thiếu cân nhắc, rồi thơ văn bao chuyện lùm xùm, mỗi hiện tượng tác giả lại xót sa : Trăm ngàn tỷ vứt trắng tay/ Nắng mưa nhà máy phơi bày thi gan…
Hay: Bệnh viện có nhiều tới đâu/ Cũng không kham nổi nỗi đau nhân tình.
 Tác giả cảnh báo :
                                                                    06

                                            Tránh đừng mắc bẫy ngoại xâm
                                            Đồng tiền phi nghĩa hại thân có ngày
  Tác giả nhận xét :
                                           Rút kinh nghiệm cứ triền miên
                                           Việc đâu bỏ đấy cứ quen hứa bừa
  Thơ hay là thơ nói thật của lòng mình. Thơ của công dân yêu nước, góp ý để xã hội tốt đẹp hơn.
  Bài trường ca thứ hai TẢN MẠN CHUYỆN ĐỜI dài mấy trăm câu lục bát cũng vậy. Tác giả cũng chỉ ra những vấn nạn, sai sót trong quản lý kinh tế, xử dụng đồng vốn đầu tư có đôi nơi chưa hợp lý để thiết thực xây dựng đất nước. Với trường ca cho thấy nhà thơ Nguyễn Duy Yên có khả năng viết thành công những bài dài bằng thơ lục bát.
  Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã nối tiếp phát triển được thơ ca dân gian bình dị, giàu hình ảnh, dễ thuộc, dễ nhớ. Một số bài thơ Lục Bát của vợ chồng nhà thơ đạt giá trị cao về nghệ thuật, giàu chất trí tuệ, lôi cuốn người đọc.
  Xin chúc mừng hai nhà thơ, và trân trọng giới thiệu tập thơ DẤU ẤN MỘT THỜI
với bạn đọc.

                                                                  Hà nội tháng 8 năm 2017

                                                                           Nguyễn Thăng


                                        
                             
                                   


  
 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa