Về cặp song ca

Vợ chồng bác Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân - Cặp song ca hai thế kỷ.

Bài đăng: Tạp chí Người Cao Tuổi số 03 - 2012
Về "CẶP SONG CA HAI THỂ KỶ"
   
                      ĐINH VĂN LÀNH

   "Cặp song ca hai thế kỷ" là lời của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi nói về vợ chồng bác Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Tôi cân nhắc mãi mới chọn được một tiêu đề như thế để giới thiệu đôi nét về hai bác, đúng hơn là về câu chuyện thơ ca của hai bác.
    Trước hết, tôi thực sự trân trọng với những đam mê nghệ thuật và những đóng góp cho thơ ca của hai bậc cao niên-"Cặp song ca hai thế kỉ" này. Khoảng mười năm gần đây, hai bác đã "trình làng" 9 tập thơ. Năm tập thơ của hai bác in chung: "Tiếng lòng", Nxb Văn hóa; "Dặm đời", Nxb Văn học; "Chân trời mới", Nxb Văn học; "Biển đời", Nxb Văn học; "tuyển tập thơ Nguyễn Duy yên - Đoàn Kim Vân", Nxb Văn học và 4 tập thơ in riêng (mỗi bác hai tập): Bác Nguyễn Duy Yên với tập "Mênh mang xuân", Nxb Văn học; "Một thoáng hương xưa", Nxb Hội Nhà văn Hà Nội; Bác Đoàn Kim Vân với tập "Ngược dòng thời gian", Nxb Văn học; "Mùa hoa nhãn", Nxb Hội Nhà văn Hà Nội.
    Cặp vợ chồng người lính "đã cùng nhau gắn bó hưởng những đắng cay ngọt bùi, bươn chải trong cuộc sống; cho đến bây giờ khi họ đã trở thành những nhà doanh nghiệp thành đạt, hồn thơ vẫn ở lại bên họ, đều đặn một cách dung dị". Các bài thơ trong những tập thơ nêu trên đều xuất phát từ tình cảm chân thành của hai tâm hồn đồng điệu.
    Có thể nói, mặc dù ở nhiều bài, lời thơ không có gì cầu kì, kiểu cách, nhưng mỗi người đều có một cách diễn đạt riêng, song đều xuất phát từ một nguồn mạch chung, đó là tấm lòng nhân hậu, tâm hồn rộng mở, cuọc sống tình nghĩa, thủy chung; kể cả trong tình cảm vợ chồng, gia đình đến những quan hệ với làng xóm, quê hương và đất nước. Điều đó đã đi vào thơ một cách hồn nhiên rồi tỏa sáng, và nó đã làm nên hồn cốt của mỗi trang thơ.
    Những gì góp phần tọa dựng nên cuộc sống, dù nhỏ thôi, cũng đều được trân trọng, nâng niu và gìn giữ. Đây là kỷ niệm đẹp về những buổi đầu yêu đương, hai người tìm hiểu nhau trên đoạn đê làng:
    Da diết nhớ sao những buổi chiều
    Trên đê dạo bước nhớ người yêu
                   (Nhớ - Nguyễn Duy Yên)
          Và:
    Trên đê rồi cứ mỗi chiều
    Nắng vàng dần tắt, quạnh hưu cõi lòng
    Cháy lên ngọn lửa nhớ mong
    Mái chiều thôn dã, khuê phòng tịch liêu
                  (Lưu luyến - Đoàn Kim Vân)
    Rồi những gì có được trong đời sống tình cảm của họ đối với gia đình, xóm làng và quê hương, đất nước cũng đều được hiện lên trong thơ với sự nồng ấm, đằm thắm, thiết tha:
    Quê hương ơi! Biết bao trìu mến
    Nếp nhà tranh cùng dáng mẹ kính yêu
                (Chiều Hà Nội - Nguyễn Duy Yên)
    Và:
    Tình làng nghĩa xóm trước sau
    Gặp nhau thăm hỏi những câu ân tình
                (Về quê mẹ - Đoàn Kim Vân)
    Cả hai người đều có điều kiện đi nhiều, hiểu nhiều. Càng đi, họ càng thấy tự hào trước những cảnh đẹp kì thú của thiên nhiên trên mọi miền đất nước. Chính thiên nhiên đã làm cho hồn thơ thăng hoa, giúp cho họ thêm yêu cuộc sống:
    Có đi tới mọi miền ta mới hiểu
    Nước non mình kì thú đẹp biết bao
    Yêu cuộc sống như mùa xuân bất tử
    Ngẩng đầu lên trong dáng đứng tự hào
                   (Nhớ (II) - Nguyễn Duy Yên)
    Cuộc sống được hiện lên trong thơ của hai bác với nhiều bình diện khác nhau. Song, chủ đề được tập trung là sự trân trọng những vẻ đẹp của cuộc sống, cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước. Và cũng chính vì yêu cuộc sống, nên ở nhiều bài thơ, hai bác đều muốn gửi gắm những suy tư của riêng mình; đó là nỗi lòng, là trách nhiệm, và thái độ của mình trước những thăng trầm của cuộc đời:
    Mênh mông biển rộng sông dài
    Sầu riêng một gánh, hai vai nặng tình.
         (Một chiều xa anh - Đoàn Kim Vân)
    Và:
    Vương vào cái bả hư danh
    Lòng không trong sáng lòng mình bỏ đi
    Chớ mang cái tiếng thị phi
    Vương vào thêm nhục ích gì khổ thân
                (Vương - Nguyễn Duy Yên)
    trong bài viết quá ngắn ngủi này, không thể nào nói hết được những cái hay, cái đẹp và những đóng góp của 9 tập thơ nêu trên. Tôi chỉ biết nói lên sự trân trọng đối với niềm đam mê của hai nhà thơ cao tuổi - "Cặp song ca hai thế kỷ", như lời nhà thơ Phạm Tiến Duật đã nói. Song điều đáng vui mừng hơn là, đến nay, khi cả hai đã bước qua trên dưới chục năm cái tuổi "Xưa nay hiếm", nhưng tâm hồn vẫn trẻ, lai láng hồn thơ. Bác Đoàn Kim Vân đã 76 tuổi vẫn cứ "Vu vơ" đi "tìm ý một bài thơ chưa thành" và bác Nguyễn Duy Yên thì luôn trăn trở, chiêm nghiệm cuộc sống vì cái"duyên thơ":
    Thơ văn đâu có trẻ già
    Nàng thơ quanh quẩn mãi bên ta
    Duyên nợ chi đây mà thắm lại
    Để tình đeo đẳng dứt không ra
            (Duyên thơ - Nguyễn Duy Yên)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa