BẠC VÀNG CỦA ĐỜI



BẠC VÀNG CỦA ĐỜI
Nhà báo Ngọc Phúc
Tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ lớn Chế Lan Viên:
Mỗi ngày ta gặp một người
Họ là một mảnh của thiên tài nhân loại
Nước mắt, máu của người đúc nên bao hình tượng ngữ ngôn
Vạt áo của triệu nhà thơ không đựng hết bạc, vàng đời rơi vãi
       Thơ trước hết là tiếng nói của con tim yêu thương, với Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân không ý thức mình là nhà thơ, nhưng thơ của anh chị chính là những sáng tạo đóng góp vào vườn thơ nhân loại, là "bạc, vàng của đời". Hai tập thơ của anh chị đã lần lượt được xuất bản: Tiếng lòng năm 1997 và Dặm đời năm 2000, gây được cảm tình của bạn đọc gần xa, nhiều bài có sự đồng cảm với giới âm nhạc, cho nên các nhạc sĩ có  tên tuổi đã phổ thơ của anh chị.
        Nhạc sĩ Hoàng Vân có Xuân với tôi phỏng thơ Nguyễn Duy Yên, nhạc sĩ Huy Du có Em ơi Biển! thơ của Nguyễn Duy Yên và Nhớ quê thơ của Đoàn Kim Vân, nhạc sĩ Trần Hoàn có Một chiều xa anh thơ của Kim Vân và Chiều buồn thơ Duy Yên, nhạc sĩ Thuận Yến có Thu cảm thơ Kim Vân và còn nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ của anh chị. Gần đây, đêm thơ nhạc Trăng và Biển do Nhà văn hóa Sinh viên - Học sinh Hà Nội tổ chức giới thiệu thơ, nhạc của anh chị với sự tham gia của các nhà văn nghệ sĩ tên tuổi đã đem lại cảm tình tốt đẹp trong khán giả Thủ đô.
         Từ Tiếng lòng đến Dặm đời chủ đề là tình yêu, anh chị đã có một số bài thành công, mà nguồn, cảm hứng lớn là mối tình chung thủy, trong  sáng của người thôn nữ với anh bộ đội cụ Hồ, chính hai tác giả là người trong cuộc. Nhiều cung bậc khác nhau của hai con tim yêu thương, say đắm từ cái thủa ban đầu lưu luyến ấy, đã xuyên suốt cuộc đời, tình yêu đã giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
       Trong cuộc sống, anh chị làm thơ như một nhu cầu của đời sống tinh thần, nhưng còn phải dành thời gian cho cuộc mưu sinh, lo toan nuôi dạy con cái trưởng thành.
         Anh chị còn là nhà doanh nghiệp nổi tiếng ở Hà Nội. Ngay sau khi về hưu, anh chị đã thành lập một hợp tác xã đồ gỗ mỹ nghệ với cái tên"Đồ gỗ Mỹ Hà". Hợp tác xã được thành lập từ năm 1982 qua gần 20 năm sản xuất và kinh doanh mỗi ngày một phát triển, tới nay đã có 12 của hàng đồ gỗ ở rải rác trong thành phố. Hợp tác xã Mỹ Hà đã khẳng định tên tuổi, vị trí của mình, được người tiêu dùng biết đến với cái tên quen thuộc.
        Sau mấy chục năm trời, ngày nay các con anh chị đã trưởng thành, anh chị đã giao phần lớn sông việc quản lí kinh doanh cho các con, vì thế anh chị có nhiều thời gian nghỉ ngơi đi tham quan du lịch, làm thơ, cũng vì thế mà bạn đọc yêu mến có thêm tập thơ thứ ba: tập Chân trời mới.
        Từ tình yêu lứa đôi trong hai tập thơ trước đến tình yêu quê hương, đất nước trong tập thơ này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cảm hứng sáng tạo của Duy Yên - Kim Vân. Nhờ có dịp đặt chân đến nhiều miền Tổ quốc, với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tâm hồn thơ lại được đánh thức, đến đâu anh chị cũng để lại những vần thơ kỉ niệm. Về thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, anh nhớ lại:
Quên gian khổ chỉ thấy lòng phơi phới
Hát bài ca đi  giải phóng quê nhà
                          (Một thoáng Điện Biên)
       Đến thăm Huế, anh chị viết thơ không chỉ nói về cái đẹp của Huế, mà còn có sự đồng cảm với một thi sĩ tài hoa đã khuất, Kim Vân cảm thông với tài thơ Hàn Mặc Tử phận mỏng:
Đọng lại bài thơ thôn Vĩ Dạ
Rảo bước ra về nắng nhạt thưa
                   ( Qua Thôn Vĩ Dạ nhớ người xưa)
Và Duy Yên cũng có chung một tâm trạng:
Qua Vĩ Dạ nhớ Hàn Mặc Tử
Lênh đênh sông nước bóng con đò
                        (Trở lại Huế)
       Với nhiều danh lam thắng cảnh, anh chị đều có chung một cảm xúc, nhưng thơ mỗi người lại một vẻ, một tâm trạng khác nhau. Mùa hạ năm 2000 đi SaPa, buổi ra về chị Kim Vân lưu luyến:
Rời Sa Pa mai xuôi Hà Nội
 Lưu lại lòng mình chút vấn vương
Núi rừng ơi hẹn ngày trở lại
Xa cách rồi biết mấy yêu thương
                       (Nhớ Sa Pa)
        Nói đến thơ là nói đến cảm xúc mãnh liệt, cô đọng, không ít người làm thơ thời trẻ về già phải buông bút, trái lại đến bây giờ anh chị đã ở tuổi "thất thập" mà sức viết vẫn còn sung sức, vẫn cảm xúc dạt dào ý thơ. Không phải bài thơ nào của anh chị cũng đạt đến trình độ nghệ thuật, nhưng lời và ý chân thành, hồn nhiên thì bài nào cũng có. Nhiều bài vẫn còn cái tươi nguyên của tuổi trẻ. Trước tình yêu, chị Kim Vân viết về Trăng và Biển, ai nghĩ là thơ của nhà thơ sắp tới tuổi cổ lai hy:
Thôi đừng nhớ cũng đừng mong
Đành ôm chiếc bóng cho lòng đỡ xa
Lênh đênh mặt biển đôi ta
Sóng xô lớp lớp, trăng sa đầy thuyền
Một trời sao biển mông mênh
Thuyền leo ngọn sóng bồng bềnh tóc em
        Không chỉ rung động trước những cảnh đẹp của thiên nhiên, đất nước mà cả khi xem một bộ phim hay một cuốn sách, cũng làm cho anh chị cảm thông, suy ngẫm. Ví như xem bộ phim Gonzaga của Braxin, thông cảm với nghệ sĩ Piano phải chấp nhận sự ruồng bỏ của gia đình, xa rời mọi vinh hoa phú quý để được sáng tạo âm nhạc với cây đàn Piano yêu quý, Kim Vân ca ngợi người nghệ sĩ ấy đã dũng cảm đấu tranh cho tự do, bình đẳng của phụ nữ trên toàn thế giới:
Nhạc với em là đấu tranh là tất cả
Vì con người đau khổ hãy vùng lên
Tìm cuộc sống tươi vui trong thế giới bình yên
Đòi phụ nữ có quyền tự do và bình đẳng
                                  (Bản nhạc ra đời)
         Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tốn nhiều giấy mực của thi nhân từ bao đời nay để ca ngợi, bình luận, Duy Yên đọc Kiều cũng động lòng trắc ẩn, thương cho người con gái tài hoa bạc mệnh:
Thương Kiều số kiếp long đong
Chuyện tình khéo đặt ra nông nỗi này
                            (Đôi mắt nàng Kiều)
      Văn học nước nhà có thêm một bài thơ về Kiều, cụ Nguyễn Du có thêm một người tri âm sau hơn hai thế kỷ, chứng tỏ tác phẩm của cụ nguyễn Tiên Điền vẫn gần gũi chúng ta, sừng sững như cây đại thụ trong vườn thơ dân tộc.
      Thơ tặng bạn bè cũng là nội dung trong tập Chân Trời mới, ở đó có sự đồng cảm chia sẻ nỗi lòng với bạn bè. Kim Vân nhớ tiếc nghệ sĩ nhân dân Lê Dung, không chỉ là tình thương cảm, nuối tiếc mà còn là sự tồn vinh của nhân dân với người nghệ sĩ tài hoa:
Ngôi sao đã tắt dưới bầu trời xanh
Người đi vào cõi tâm linh
Lời ca, giọng hát, riêng mình còn nguyên
Đời luôn nhắc đến tên em
Danh ca nghệ sĩ thân quen một thời
                         (Nhớ tiếc NSNN Lê Dung)
       Tình yêu quê hương sâu nặng trong lòng người xa quê, đã hơn 40 năm gia đình anh chị sống ở Hà Nội nhưng luôn hướng về quê nhãn Hưng Yên. Trong tập thơ Dặm đời có nhiều bài thơ cảm động nói lên nỗi lòng của người con xa quê, trong đó có bài Nhớ quê của chị Kim Vân, nhạc sĩ Huy Du đã đồng cảm phổ nhạc:
Xa rồi năm tháng thời gian
Mà sao nhớ quá xóm làng thân yêu
Nhớ con sông, nhớ những chiều
Con đê vắng mấy xóm nghèo bên sông
Ăn quả nhớ đến người trồng
Lớn lên bởi có tấm lòng quê hương
                         (Nhớ quê)
       Hà Nội quê hương thứ hai của anh chị, chị ca ngợi vẻ đẹp Hồ Gươm với nỗi niềm trắc ẩn, suy tư, bốn khổ thơ theo thể thất ngôn, tác giả vẽ nên cảnh đẹp Hồ Gươm gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Xanh thẳm Hồ Gươm giữa kinh thành
Tháp Rùa in bóng nước lung linh 
Đã trải bao thu mùa lá rụng
Chứng kiến bao lần lửa chiến tranh
                         (Bóng rùa Hồ Gươm)
          Nói đến rùa Hồ Gươm gợi cho ta nhớ đến chiến công của Lê Lợi ở thế kỷ XV chiến thắng quân Minh, Hồ Gươm còn là biểu tượng của Hà Nội, là "Thành phố hòa bình", được thế giới công nhận. Trong diễn văn khai mạc "Năm quốc tế vì hòa bình", chủ tịch thành phố đã khẳng định biểu tượng hòa bình của Thành phố Hà Nội là hình ảnh vua Lê Lợi trả lại thanh gươm báu cho thàn Kim Quy trên hồ Lục Thủy, nay gọi là Hồ Gươm, sau khi quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi quốc gia Đại Việt.
        Gần đây các nhà khoa học đã chứng minh trong lòng Hồ Gươm còn có cụ Rùa từ thời trả gươm ở thế kỷ XV và đặt tên khoa học là Rafetusleloii, một giống rùa chưa từng có trên thế giới gắn với truyền thuyết lịch sử về người anh hùng khai sinh triều đại nhà Lê. Và nói về rùa Hồ Gươm, chị Kim Vân viết:
Thần Rùa sinh sống ở nơi đây
Ẩn mình đáy nước có ai hay
Đôi lúc hiện lên cho đời thấy
Hình hài giỡn sóng giữa trời mây
                      (Bóng Rùa Hồ Gươm)
       Hồ Gươm nối quá khứ với hiện tại, đó cũng là lý do Bóng rùa Hồ Gươm trở thành nhạc phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến.
       Vào năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhìn về tương lai tương lai tươi sáng của đất nước chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI, chị Kim Vân tin tưởng và khẳng định Thế kỷ tương lai.
Thế kỷ mới chặng đường dài
Vượt bao gian khổ xây đài vinh quang
Giang sơn to đẹp đàng hoàng
 Dân sinh hạnh phúc vẻ vang giống nòi
        Duy Yên viết về năm chuyển giao thế kỷ, nghĩ về ngày mai Tổ Quốc mình, anh viết hai bài thơ cùng tên Chân trời mới với cảm hứng chủ đạo là niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước:
Chân trời mới 
Đường rộng thênh thang
Thẳng tiến chúng ta đi
Kỷ nguyên mới gắng nghĩ suy
Vươn tới tầm cao lý tưởng
        Có lẽ đó cũng là lý do anh chị chọn tên bài thơ này đặt tên cho cả tập thơ Chân trời mới.
        Tiếng lòng, Dặm đời và Chân trời mới là ba tập thơ của hai con tim hòa cùng nhịp đập.
Những đóa hoa về tình yêu cuộc sống đã hiến dâng cho đời, góp thêm một bông hoa tươi thắm vào vườn hoa văn học đang thi nhau đua nở, làm cho đời sống con người phong phú và lành mạnh hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa