Cặp song ca...


Cặp Song Ca Hai Thế Kỷ


Ảnh Internet
(Đọc Biển đời, thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, Nxb. Văn Học, 2008)
Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật

Cặp Song Ca Hai Thế Kỷ

       Biển đời là tập thơ thứ tư của hai tác giả, cặp song ca hai thế kỷ: Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Họ song ca trên thi đàn suốt từ thủa đôi mươi đến lúc bạc đầu mà vẫn như chưa già. Sở dĩ có tên tập thơ Biển đời bởi nhà thơ chiến sĩ vệ quốc năm xưa Nguyễn Duy Yên có một bài thơ dài, có thể gọi là trường ca mang tên ấy. Trường ca biển đời có 6 chương, đánh từ I đến VI. Đọc đi đọc lại thấy có 5 chương đời và một chương đạo. Đời là đời người, là các quan hệ và ứng xử xã hội. Đạo là cái bao quát ở trên cao, chỉ dẫn cho lẽ sống, lối sống. Cái chương mang chất đạo ấy là chương thứ V toàn văn như sau:
Biển đời bát ngát mênh mông
Bao điều bí ẩn trong lòng đại dương
Lối đi trăm nẻo ngàn phương
Con đường định mệnh đoạn trường ai hay
Ngọt bùi chua chát đắng cay
Luân hồi một kiếp vần xoay bộn bề 
Tha hương mang nặng tình quê
Khát khao nỗi nhớ ngày về ước ao
Đất thì rộng trời thì cao
Biển đời sóng dữ dội vào quanh ta
Nắng mưa đâu có thuận hòa
Xanh đồng là bởi tay ta vun trồng
      Giọng thơ điềm tĩnh này chỉ thấy ở Nguyễn Duy Yên chừng hai mươi năm nay khi các suy nghĩ cùng thơ đã tới độ chín. Nói theo cách nói của các triết gia Trung Hoa xưa thì đạo là hình nhi thượng và đời là hình nhi hạ. Các thiết chế xã hội mà khổng tử đặt ra như: quân - thần - phụ - tử, quân - phu - phụ đều là hình nhi hạ. Còn với Trang Tử thì chỉ có hình nhi thượng mà thôi. Chính Khổng Tử cũng phải khâm phục Trang Tử ở tính uyên thâm.
       Khổng Tử viết: "Con chim kia có bay trên trời; trời rộng không cùng. Nhưng ta vẫn có thể lấy tên mà bắn. Con cá kia có lội dưới nước; nước rộng không cùng. Nhưng ta vẫn có thể lấy lưới mà quăng. Đến như đạo của ông Trang thì ta không lấy gì quản lý cho được".
      Trích dẫn câu nói để ý rằng thơ tới được cõi đạo là phải trải qua bao trầm luân của cuộc đời thường.
      Xuất thân từ một họ tộc lớn, trong họ hàng còn có người có tên trên văn bia danh giá tại Văn Miếu, Kim Vân là người quý trọng sự hiền tài, giao du rộng. Ấy là bối cảnh để cô đúc thơ ngày một sâu rộng.
       Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nguyên chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, khi phổ thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân có nói rằng: " Sự hiểu biết của anh, mới phổ thành nhạc được". Các nhạc sĩ hàng đầu Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân đến Trọng Bằng, từ Hồng Đăng, Huy Thục, Văn Dung đến La Thăng, Dân Huyền... đã cùng đồng cảm với hai tác giả, mà phổ nhạc một số bài thơ mang đậm nét chữ tình.
       Và theo quan sát của tôi còn có một người gọi là anh cũng được, là bạn vong niên cũng được, rất có thiện cảm với anh, chị Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên, nên đã có thơ tặng, in trong ba tập thơ: Dặm đời, Chân trời mới, Biển đời. Đó là nhà triết học, giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu, một nhà giáo, một nhà thơ, một nhà nho nữa. Bầu không khí tri thức và văn nghệ sĩ quanh hai tác giả nếu như ở Châu Âu thì gọi là " Bầu không khí quý tộc". Điều đó chỉ đúng bề ngoài thôi, bản chất thì không phải vậy. Cả hai tác giả vốn là  dân dã. Một Việt kiều tại Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Hoàn có mấy dòng sau đây:
Xuân nắng Cali rất dịu dàng
Trong vời thôn Thụy nhớ anh Yên
      Thôn Thụy trong dòng thơ ấy tức thôn Thụy Lôi thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ngạn ngữ có câu "Bánh dày nếp cái, con gái Tiên Lữ".Gái Tiên Lữ là vậy nhưng trai Tiên Lữ vất vả, muốn thành tài phải có máu phiêu bạt. Và cái thanh niên tân Yên trong thơ cũng là người có máu phiêu bạt nhưng phiêu bạt một cách.... cách mạng. Ngay từ thủa trẻ, Nguyễn Duy Yên đã phải rời xa quê hương nơi thật bình yên:
Nhớ tuổi thơ nhớ mái trường 
Cây đa giếng nước, con đường thủa xưa
Vẳng nghe vọng tiếng chuông chùa
Phố Suối sông Luộc sớm trưa đi về
      Từ tuổi thơ trong câu thơ ấy đến tuổi tám mươi như trong thoáng chốc, là người ở thế hệ đi sau, tôi mừng khi thấy tác giả Nguyễn Duy Yên còn tình tự được ở cái tuổi xưa nay hiếm, không phải tình tự với một thiếu nữ cụ thể mà tình tự với nàng xuân:
Xuân trẻ đẹp, xuân là muôn thủa
Đuổi theo nàng quên tuổi tám mươi 
Nồng cháy con tim đầy mộng ước
Hai đứa song hành dạo gót chơi
      Thú thật đoạn thơ vừa trích là câu cuối "hai đứa song hành", chữ "hai đứa" trong tiếng Việt chỉ những người không chỉ giống nhau về độ tuổi mà còn ở nhiều điểm chung khác.
      Câu thơ ấy là một sự kiêu ngầm: sánh với mùa xuân là sánh với sự bất tử. Nhưng dù sao đi nữa, ấy cũng là sự tình tự ước lệ, vu khoát từ trên cao, từ hình nhi thượng, từ cõi đạo người.
       Lật mở những trang thơ của mấy chục năm về trước, ta bắt gặp một Nguyễn Duy Yên  trẻ trung với tình cảm đời thường tinh tế trong nhớ nhung, chờ đợi, yêu đương... Đây là một đoạn trong bài Tiếc nuối có lẽ được tác giả viết trước ngày Giải phóng thủ đô1954:
 Dẫu rằng trăm nhớ ngàn thương
Vẫn không ngăn nổi đôi đường cách xa
Từ ngày em lên xe hoa 
Người về ngơ ngẩn vào ra một mình
    Và cả ở bải dấu yêu nữa, không biết viết vào ngày tháng năm nào:
Người đi mang thương nhớ
Nỗi buồn buổi tiễn đưa
Dù xa nhau mãi mãi
Vẫn nguyên vẹn tình xưa
      Những kỉ niệm như thế, đời người hẳn ai cũng có, như những đốm lửa đã tắt mà đôi khi còn hắt nóng ở những chặng đường sau. Cái buồn man mác của sự chia xa bao giờ cũng là cái buồn sang trọng.
Sông kia bên lở lại bên bồi
Bến cũ theo dòng lũ cuốn trôi
Người xưa vẳng bóng tìm đâu thấy 
Chỉ thấy chim sa tận cuối trời.
                                   (Bến xưa - 1964)
     Có thể, một vẻ đẹp cụ thể đã được nâng lên thành hình tượng của cái đẹp thẩm mỹ. Có thể tìm thấy điều này trong một bài thơ Nguyễn Duy Yên sáng tác cách đây gần sáu năm, bài thơ Tình lặng:
Thơ thẩn cô em đứng chờ ai
Tóc mây buông thõng tỏa hương nhài
Khách thơ chợt đến tình không nói
E lệ che nghiêng mái tóc dài
       Ấy là cô gái " chờ ai", tức là chờ bạn trai của cô ta chứ mắc mớ gì đến tác giả. Thế mà quen, thế mà hẹn, thế mà nhớ, thế mà buồn. Nghe thơ này không biết người bạn đời, bạn thơ của Đoàn Kim Vân có ghen không:
Mà có gì đâu để nhớ nhau
Một thoáng tơ vương một chút sầu
Ngược xuôi đôi ngả đường vạn nẻo 
Tình lặng thôi đành hẹn kiếp sau
      Nhưng đọc kỹ, thấy ghen để làm gì vì người đẹp trong thơ cũng như người đẹp trong tranh. Chính tác giả đã vẽ như vậy:
Từ ấy mang theo bệnh tương tư
Khắc khoải ngày đêm đợi ngóng chờ
Để rồi tất cả tan theo mộng
Người đẹp chỉ còn trong ý thơ
      Vâng, tôi không có ý bình luận tổng quát về thơ "giọng ca nam" Nguyễn Duy Yên trước khi nói về giọng ca nữ Đoàn Kim Vân mà chỉ muốn nói rằng thơ Nguyễn Duy Yên khi đạo rất đạo và khi đời rất đời. Nếu cần bình chọn một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Nguyễn Duy Yên trong tập thứ tư này, không thể thiếu bài Rừng chiều. Bài thơ bốn khổ vẻn vẹn 16 dòng mà man mác buồn. Thời gian tác giả chọn là lúc ngày sắp hết, đêm sắp sang:
Tôi muốn ôm hôn bóng dáng chiều
Chẳng có gì đâu một chút yêu
Hoàng hôn trĩu nặng gieo tĩnh lặng
Tia nắng cuối cùng cũng tắt theo
     Người đọc như ngợp trong khung cảnh tĩnh lặng, một màu nâu tối của kèn pha - gốt:
Dốc vắng lối đi mòn sỏi đá
Rừng chiều le lói bóng tà dương
Sương pha màu khói miền sơn cước
Thấp thoáng nẻo xa mấy bản mường
     Ngỡ như tranh Lêvitan, thấy cây, thấy cảnh, mà tĩnh lặng người, có đấy mà không đấy:
Trâu về lốc cốc mõ khuya vang
Nương rẫy xanh xanh lốn đốm vàng 
Dòng nước suối khe tuôn róc rách
Đi mãi về đâu bóng áo chàm
      Còn nắng thì còn thơ, tắt nắng thì thơ cũng dừng. Tô Đông Pha viết:"Ý hết ở đâu thì lời dừng ở đó là thơ mực thước. Lời hết mà ý chưa dừng là thơ trác việt". Cái cô đơn ở bài này là sự không dừng :
Rừng chiều tắt nắng ngả màu đen
Mờ nhạt xa xa mấy ánh đèn
Rừng khuya vắng lặng âm u quá
Canh trời còn lại ánh sao đêm
      Song hành cùng Nguyễn Duy Yên, thơ Đoàn Kim Vân đến hồi bừng nở như một mùa hoa có muôn loài rực rỡ. Cái khác về chất của giọng nữ so với giọng nam cùng tập thơ Đoàn Kim Vân nô nức hơn, tập trung hơn, người đọc thấy cuống lên khi gặp ở tập biển đời một cuộc duyệt binh mà vị tổng tư lệnh là Đoàn Kim Vân và người diễu qua khán đài là các loài hoa. Cho đến nỗi, tôi phải cố tra từ điển để biết loài hoa này khác loài hoa kia.
Trà hoa thưởng thức mùa xuân
Hồng hoa thanh nhiệt tinh thần thêm vui
      Trà hoa có phải là loại có tên là camellia, mà trà hoa tác giả nói là loài Camellia of Japan, hay loài Yellow Camellia? Là loài Water Plantago hay loài Water plantain ? 
Hoa tam thất chữa tiền đình
Trừ phong hoạt huyết lạc kinh phục hồi
Cúc hoa chữa sáng con ngươi
Thủy tiên kết hợp để rồi phát huy
       Không biết loài cúc tác giả nói tới là loài cúc nào, nếu là cúc vàng (Golden - Flowered Chrysan - Themum) thì dùng để chữa chóng mặt, nhức đầu và cả tinh mắt nữa. Còn loài thủy tiên( Daffodil) thì ở Nhật Bản coi là sự kết hợp của biểu tượng vương giả, thanh tao và kiêu hãnh  nữa.
Phù dung chữa bệnh béo phì
Hồng hoa công dụng phòng khi mạch vành
       Phù dung ở Mỹ gọi là Rose Nallow, sớm nở tối tàn. Còn loại hồng chữa bệnh tim tôi thật không tra cứu vào đâu. Chỉ thấy nói hoa hồng leo (Climbing rose) chữa bệnh say rượu thôi
      Không dừng lại ở đó, trong Những bông hoa rừng Đoàn Kim Vân nhắc đến hoa dã quỳ:
Dù cho giông tố bão bùng 
Dã quỳ vẫn nở giữa rừng Tây Nguyên
     Tác giả có cả một bài về hoa anh túc:
Nàng tiên nâu ẩn náu trong hoa 
       Đó là loài hoa đẹp mà phải lên án, khác hẳn loài hoa quỳnh trong bài thơ Kiếp hoa quỳnh:
Em từ kẽ lá nở ra
Quỳnh hoa em đẹp như là dáng tiên
Thẹn Thùng khoe sắc về đêm
Đợi người quân tử bên thềm ngắm trăng
Hoa cười cánh trắng như bông
Sao nhanh tàn héo cho lòng ai đau?
Bạn cùng trăng gió đêm thâu
Kiếp hoa để lại nỗi sầu thi nhân
       Xin cung cấp thêm tư liệu cho tác giả: hoa quỳnh còn được gọi là Hoàng hậu của màn đêm. Dạ hội thơ ngắm hoa quỳnh nở lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vào mùa thu năm 1939 tại nhà hàng chế dầu Khuynh Diệp mang tên Viễn Đệ ở Huế. Tên khoa học của hoa quỳnh là Phyllocatus và đúng là kiếp hoa để lại nỗi sầu thi nhân.
      Bà Đoàn Thị Kim Vân còn viết về hoa nguyệt quế:
Nhỏ nhắn xinh tươi trắng nõn nà
Đêm còn ươm nụ sáng đầy hoa
       Từ các loài hoa thật, nữ thi sĩ viết về các thành phố hoa. Ấy là Đà Lạt:
Đà Lạt lung linh một góc trời
Hoa đèn hòa quyện với hoa tươi
      Ấy là SaPa:
Cầu mây soi bóng suối SaPa
Thấp thoáng cao cao mấy nóc nhà
     Và cũng từ loài hoa thật. Nữ thi sĩ viết về "bông hoa người", ba cô con dâu mang tên loài hoa : Kim Cúc, Mai Hồng, Vân Anh:
Cúc vàng chào đón thu sang
 Hồng tô sắc thắm dịu dàng nở hoa
Anh đào cánh trắng nõn nà
Bốn mùa hòa quyện vườn nhà tỏa hương
                                     (Hoa đời - 2.2007)
      Tôi đi giữa các bài thơ của tác giả Đoàn Kim Vân như đi lạc vào trong các vườn hoa, không biết lối ra, chỉ thấy hương thơm của sự sang trọng mà không thấy bao quá khứ vất vả. Tôi chỉ muốn ngửi thấy hương thơm của hoa, không thấy mùi nhựa cây, mùi hăng hăng của mùn cưa, không gian tĩnh lặng đã xóa đi cái ồn ào vốn có của xưởng sản xuất đồ gỗ Mỹ Hà là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước, nơi mà nữ sĩ Đoàn Kim Vân đã sáng lập và làm giám đốc.
       Với tư cách là nhà thơ, đồng thời cũng là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi đã đọc rất nhiều bài báo ca tụng giám đốc sáng lập Công ty Mỹ Hà là bà Đoàn Kim Vân, một doanh nghiệp văn hóa năng động luôn biết kết hợp kinh tế với văn hóa, dân tộc với hiện đại, người đời ca tụng thôi chứ tác giả  khiêm nhường không tự nói về mình, chỉ thấy một thoáng buồn lúc tác giả nằm viện. Trong bài Tự sự, Đoàn Kim Vân viết:
Nhìn đời sóng mắt mờ sương khói
Ngán ngẩm nhân tình bạc tựa vôi
Tai chẳng muốn nghe lời kiệm nói
Sống đẹp sao đây trọn kiếp người
      Bài thơ còn được chú thích bằng một dòng nghe rất đỗi thê lương như sau:"Viết bài này vào tuổi 70, mắt mờ, tai nặng". May mà chỉ có mấy tuần ở trong cảnh ấy thôi, bây giờ thì khác. Không có một cụ già 70 tuổi nào tên là thế.
      Chỉ có một chị phụ nữ hơi cứng tuổi, tai tinh mắt sáng tên là Đoàn Kim Vân mà thôi. Ấy là không nợ ai tiền bạc, nhưng nợ tình thì vương vấn mãi:
Biển lặng mà sao tình không lặng
Xuân qua rồi vẫn nặng tình xuân
Tháng năm dồn góp bao thương nhớ
Xuôi ngược dòng đời nợ ái ân
       Ấy chính là con người không bao giờ ngừng nghỉ trong việc đi tìm cái đẹp:
Người đi tìm kiếm bạc vàng
Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
Ngẫm xem những tấn trò đời
Ai mà tìm thấy mặt trời nửa đêm
       Ngay ở đầu bài này tôi đã gọi vui hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân là "cặp song ca hai thế kỷ". Cũng bởi thế, đề tài thơ của hai tác giả có thể coi là một, có thể sắp xếp một tuyển tập thơ (cả hai có lẽ gần tới nghìn bài thơ), nếu biên tập, theo trình tự sau đây:
1. Quê hương
2. Tuổi hoa niên
3. Hà Nôi
4. Những  thành phố và những miền quê
5. Những hồ nước và những dòng sông
6. Thơ xuân
7. Thơ xướng họa
8. Thế sự
9. Chợ tình, chợ quê
10. Đình, đền, chùa, miếu
       Có một tuyển tập thơ như thế hẳn rất thú vị.
       Điều mà tôi mong được đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn từ hai tác giả là những chặng đường vất vả một thời (những năm tháng quân nhân của tác giả Nguyễn Duy Yên, những năm tháng tần tảo, một thời bao cấp vất vả của nữ sĩ Đoàn Kim Vân). Cái chung trong thơ hai tác giả là khá đa dạng rồi mà hình như hơi ít cái riêng. Cái được thì cũng đã rõ, nhưng cái mất cũng là nhu cầu mà bạn đọc quan tâm. Nói như trong bài Nỗi niềm của Đoàn Kim Vân:
Dễ đâu gặp được bạn hiền
Để cùng chia sẻ nỗi niềm hân hoan
Ước mơ cuộc sống thanh nhàn
Mà sao nặng gánh trần gian kiếp người
       Cũng bởi gánh nặng gánh đời nên phải gánh thơ.
       Chúc tác giả Nguyễn Duy Yên, tác giả Đoàn Kim Vân trẻ mãi trong đời và trong thơ. Chúc âm nhạc thơ của cặp song ca hai thế kỷ ngân mãi những bài ca bất tử.
Mùa hè 2007

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa