Suy ngẫm...


SUY NGẪM VỀ CUỘC ĐỜI
(Cảm nhận thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân)
Nhà báo Ngọc Phúc
        Trong vòng sáu năm từ 1997 đến 2003 anh chị Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã cho ra mắt bạn đọc liên tiếp ba tập thơ: Tiếng lòng, Dặm đờiChân trời mới. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" mà sáng tác như thế quả là hiếm. Đó không chỉ  là thơ thù tạc, ngâm vịnh cho vui lúc tuổi già trong cái trào lưu chung hiện nay.Khắp các địa phương, từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng có câu lạc bộ thơ ca, góp phần khơi dậy truyền thống "lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa" của dân tộc, đồng thời giúp cho người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".
       Điều kì lạ là thơ của anh chị có duyên với nhiều nhạc sĩ, nghĩa là trong thơ Duy Yên và Kim Vân không chỉ có nội dung tốt mà còn giàu nhạc điệu, cho nên mới lọt vào mắt xanh của các nhạc sĩ, vì thế đã có gần một trăm bài thơ được phổ nhạc,trong đó có nhiều bài do các nhạc sĩ có tên tuổi đã chắp cánh cho thơ bay lên cao, bay xa theo cùng năm tháng. Nhạc sĩ Trần Hoàn với ca khúc Chiều mưa biên giới, Một chiều xa anh, nhạc sĩ Huy Du với ca khúc Say trăng, Em ơi! Biển, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn với ca khúc Hà Nội vào thu, Nhớ một thời yêu, nhạc sĩ Hoàng Vân với ca khúc Cảm hoài đêm chơi thuyền Hồ Tây, nhạc sĩ Trọng Bằng với ca khúc Trống Hội hoa đăng, nhạc sĩ Hồ Bắc với ca khúc Lời ru của Biển, nhạc sĩ Hồng Đăng với ca khúc Nắng hạ bồi hồi v.v...
      Thế mới thấy, sự sáng tạo, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng không kể đến tuổi tác. Chưa dừng ở đó, tôi lại được anh chị cho xem bản thảo tập thơ Biển đời gồm hơn 100 bài thơ sẽ xuất bản trong năm nay.
      Cầm tập thơ trong tay, tôi thật sự cảm động và khâm phục khả năng sáng tạo của hai nhà thơ cao tuổi. Xin được ghi lại đây vài dòng cảm nhận về tập thơ Biển Đời, cũng là một cách "học chữ của đời mà góp nên trang".
       Thủ đô Hà Nội sắp kỉ niệm mộ ngàn năm Thăng Long, là một đề tài lớn của thơ ca, nhạc, họa. Anh chị Duy Yên và Kim Vân cũng có khá nhiều bài thơ về Hà Nội với những tình cảm sâu đậm. Gần cả cuộc đời, anh chị sống cùng Hà Nội trong cuộc mưu sinh, với biết bao thăng trầm của thời gian. Hà Nội đã thành máu thịt trong mỗi người. Hà Nội trở nên da diết, nhớ nhung trong những chuyến đi xa lâu ngày. Đất và người Hà Nội là niềm tự hào, niềm vui sống của anh chị. Anh chị đến với những danh nam thắng cảnh, mỗi một di tích lịch sử của Hà Nội đều gợi cho những cảm xúc trong từng bài thơ viết về Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hồ Gươm...
      Trong tập thơ Chân Trời Mới, chị Kim Vân có bài thơ hay Bóng rùa Hồ Gươm đã thành lời một bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến và nhạc sĩ Huy Thục cũng đã phổ nhạc bài Vãn cảnh Hồ Tây của chị. Trong tập thơ mới này chị lại có bài Bên cầu Thê Húc viết về Hồ Gươm vẫn không sáo mòn:
Cảnh sắc Hồ Gươm sớm mai hồng
Tưng bừng mở hội đón vui chung
Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Ngàn năm tỏa sáng đất Thăng Long
      Còn anh Duy Yên thì tự hào về một Hà Nội đang dựng xây mỗi ngày thêm to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác Hồ hằng mong:
Thành phố ngàn năm mang hương vị ngọt ngào
Mỗi độ thu về xôn xao bao kỉ niệm
Hà Nội dựng xây mỗi ngày thêm to đẹp
Tươi sắc màu khắp nẻo những đường vui
      Anh chị hòa vào niềm vui chung của Thủ đô trước những sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra ở Hà Nội: Tổ chức thành công Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á, hội nghị cấp cao APEC và nhất là Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh WTO, đều dội vào thơ anh chị tạo nên niềm tự hào trong mỗi câu, mỗi chữ.
      Đậm nét trong tập Biển đời còn là những suy tư về cuộc đời, về triết lý sống mà anh chị rút ra từ những trải nghiệm cuộc sống đời thường. Biển đời là tên một bài thơ dài của anh Duy Yên, và chị Kim Vân thì có bài thơ Đời người cùng những suy nghĩ như anh, nhưng mỗi người cảm nhận một cách khác nhau, có lẽ đó cũng là lí do để anh chị chọn Biển đời làm tên chung cho tập thơ.
      Lịch sử nhân loại được hình thành từ đời sống của con người xa xưa, khi nền văn minh nhân loại còn sơ khai, thì kinh nghiệm là điều quý báu của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, cứ thế mà phát triển ngày càng cao cho đến bây giờ, khi khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, thì kinh nghiệm đời sống thế hệ gia đình trước truyền lại cho thế hệ sau góp phần làm nên truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng như của quốc gia.
      Biển đời là một bản tổng kết kinh nghiệm, những triết lí bằng thơ nhằm nuôi dạy con cái trong gia đình và cũng đóng góp một phần nào đó có ích cho đời, anh Nguyễn Duy Yên đã viết:
Sống có nghĩa chớ vì tiền
Ích chung trên hết, chớ riêng lợi mình
Biết bao người đã hy sinh
Cho nền độc lập, hòa bình dài lâu
      Trong cái biển đời mênh mông, lẽ sống mà tác giả khuyên các con cháu cũng là nét đẹp về đạo lý của con người Việt Nam tự bao đời nay - cái riêng và cái chung hòa vào một, làm nên tổng thể thống nhất gia đình - nhà trường và xã hội trong giáo dục. Đó là cái tâm cao đẹp, sống có nghĩa có tình, sống vì lợi ích chung của cộng đồng. Tôi lại nhớ đến điều mà người xưa đã tổng kết:
Thế gian vạn sự giai bào ảnh
Thiên kiếp duy tư nhất điểm tình
( Nghĩa là: mọi sự trên thế gian chỉ là ảo ảnh, cái còn lại mọi kiếp người là chữ tình).
       Hay như danh nhân văn hóa thế giới - nhà thơ Nguyễn Du - thể hiện trong Truyện Kiều là: " Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
       Những điều anh chị suy ngẫm về cuộc đời là những điều tốt đẹp cần phát huy. Có lẽ đó cũng là điều mong mỏi của hai người cao niên này, họ mang duyên nợ với thơ ca và bằng thơ ca gửi tới bạn đọc tập thơ Biển đời với tâm tình dâu bể.
Xuân Đinh Hợi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa