Những vần thơ đẹp

Ảnh: Internet
Giáo sư- Tiến sỹ Lê Khả Thọ
Thật tình cờ tôi được đọc ba tập thơ Tiếng lòng, Dặm đờiChân trời mới của hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Tuy các tập thơ không có chữ "và" nhưng tôi muốn thêm chữ ấy vì một số bài thơ là anh gửi cho chị, chị nhớ đến anh. Cái nhớ của người vợ trẻ tiễn chồng và mong ngóng chồng đang chiến đấu nơi xa thật là da diết. Ai mà không đồng cảm khi đọc câu:
Tiễn người chiến sĩ xa nhà
Giờ vui tạm biệt ai mà khôn nguôi
...Trên đê rồi cứ mỗi chiều
Nắng vàng dần tắt quạnh hiu cõi lòng
                                 (Lưu luyến - Đoàn Kim Vân)
Và:
Trống trải lòng em khi tiễn biệt
Đường chiều in mãi bóng hình anh
                              (Nhắn nhủ - Đoàn Kim Vân)
Thơ là vậy , nhưng người phụ nữ hậu phương đâu chỉ có nhớ nhung, biết bao nhiêu công việc khó khăn phải vượt qua. Là người chiến sĩ đi chiến đấu, anh viết:
Yêu lắm em ơi những buổi chiều
Mây mờ bàng bạc nắng vàng reo
                              ( Nhớ - Nguyễn Duy Yên)
Và những lời đằm thắm tiễn vợ:
Tiễn đưa em con thuyền rời bến cũ
Sông cũng buồn chứng kiến phút chia ly
                                  (Tiếng lòng - Nguyễn Duy Yên)
Chị Đoàn Kim Vân đâu chỉ có các bài thơ về tình yêu đối với chồng,  chị còn dành tình yêu cho quê hương, cho non nước.
Những mái nhà tranh tỏa khói lam
Cả một trời quê nắng nhuộm vàng
                              (Nắng sớm đồng quê- Đoàn Kim Vân )
Hay những vần thơ về Đà Lạt:
Đà Lạt dừng chân một buổi chiều 
Cao nguyên vi vút gió thông reo
Lâu đài trầm tĩnh uy nghi quá 
Lãng đãng sương chiều tiếng nhạn kêu
                             ( Chiều Đà Lạt -Đoàn Kim Vân )
Và với hồ nước xanh trên cao nguyên một nghì mét của Đà Lạt chị viết:
Hồ đã vì ai mà than thở ?
Còn lại Xuân Hương một khoảng trời
                             (Tình yêu Đà Lạt -Đoàn Kim Vân)
Ai đã qua Đà Lạt, đã ở Đà Lạt, chắc là nhớ lắm. Đà Lạt qua các vần thơ đẹp, sâu thẳm ấy của chị. Chị đi nhiều nơi, có lẽ lúc có điều kiện, chị muốn ôm vào lòng cả thiên nhiên hùng vĩ của đất nước.
Trời cao xanh thẳm gió hây hây 
Mây ôm ấp núi giữa ban ngày 
Đủ cả bốn mùa trong trời đất
Khách đến ai mà chẳng đắm say
                             (Tam Đảo trong tôi - Đoàn Kim Vân)
Dù ai đã sống ở thủ đô lâu năm, bài thơ Hồ Gươm xanh nghe vẫn thật trang trọng, thật thiêng liêng về Hồ Gươm huyền thoại.
Đáy nước Hồ Gươm ẩn bóng Rùa
Lăn tăn mặt nước gió lay đưa
Gươm báu thần linh con không nhỉ ?
Chỉ thấy Rùa thiêng với cảnh chùa
                              (Hồ Gươm xanh -Đoàn Kim Vân)
Đi thăm cố đô Huế, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp:
Mai ngày có dịp về thăm Huế
Huế vẫn trường tồn vẫn mộng mơ
Thấp thoáng xa bay tà áo trắng 
Nghiêng đầu duyên dáng nón Bài Thơ
                              (Gửi Huế thương yêu -Đoàn Kim Vân)
Hay bài Trên dòng Hương Giang, các câu thơ hay quá:
Lững lờ thuyền thả êm trôi
Gió vờn khua nước trăng soi mạn thuyền 
...Trăng khuya khi tỏ khi mờ
Đèn hoa giỡn sóng nô đùa mặt sông
                            (Trên dòng Hương Giang - Đoàn Kim Vân)
Cái hòa nhịp giữa hai miền Nam Bắc nó dịu ngọt, thấm sâu ngay cả trong một con người, chị viết:
Cô gái nhãn lồng cô xứ Huế 
Thăm thôn Vĩ Dạ một chiều mơ
                          ( Qua thôn Vĩ Dạ nhỡ người xưa - Đoàn Kim Vân)
Đã có nhiều nhà thơ viết về biển, và biển vẫn là đề tài níu kéo các nhà thơ. Chị Đoàn Kim Vân yêu biển lắm:
Trăng gọi biển, gió gọi trăng
Đường mây cách trở chị Hằng thấu không 
                         (Trăng và biển - Đoàn Kim Vân)
Và chị lại có câu:
Nếu trái đất này không có biển 
Ai dám mơ, tìm thấy một thiên đường 
                           (Biển chiều - Đoàn Kim Vân)
Sự say đắm biển của chị có thể ví như tình yêu thủa ban đầu, nó say đắm quá, lâng lâng quá:
Chưa  từng hẹn biển bao giờ 
Mà sao gặp biển lòng ngơ ngẩn lòng
                          (Lời ru của biển - Đoàn Kim Vân)
Chị yêu thiên nhiên, yêu hoa. Qua các vần thơ yêu hoa, ta cảm nhận chị nhân hậu quá, cái gì của thiên nhiên do tạo hóa sinh ra cũng làm chị say đắm. Có lẽ chị đã yêu nhưng tình yêu trong chị hình như chưa thỏa mãn, còn đầy súc xuân:
Đầm sen cảnh đẹp như mơ
Hoa lồng bóng nguyệt đợi chờ ai đây?
Trời cao cao mấy tầng mây
Hồn thơ gửi lại chốn này với hoa
                       (Hoa sen - Đoàn Kim Vân)
Không né tránh cuộc đời, yêu thiên nhiên, yêu con người mà chị đã gặp. Nhớ thương người đã đi xa. Với bài Nhớ tiếc Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung chị viết :
Giọng vàng em đã mang theo 
Để đời thiếu vắng bao nhiêu ân tình
Người đi vào cõi tâm linh
Lời ca giọng hát riêng mình còn nguyên
Và cũng vừa răn dạy, vừa khuyên bảo nhẹ nhàng cho những người lầm lỡ, chị viết :
Một kiếp hồng nhan đành tủi phận
Đeo đẳng riêng mình vết thương đau
                         (Bụi tình - Đoàn Kim Vân)
Đọc xong những vần thơ của chị viết suốt cả quãng đường dài của cuộc đời, ta thấy mến yêu chị, mến yêu những người phụ nữ Việt Nam tài hoa trên nhiều lĩnh vực.
Trong ba tập thơ với trên hai trăm bài, anh Nguyễn Duy Yên đến với thơ như có "gen" trong dòng máu. Khi còn rất trẻ, anh đã mơ cô thôn nữ:
Thưa thớt xa xa mấy bóng người
Đi mải về đâu, sợ mưa rơi 
Dăm cô hàng xén tan chợ muộn
Vội và gánh hàng lướt qua tôi
                           (Thôn nữ ơi - Nguyễn Duy Yên)
Khi đã trưởng thành, đã yêu, và người con gái mình yêu đã là của mình anh trân trọng viết:
Từ ấy đôi ta bước vào đời 
Vui buồn hai đứa sẻ làm đôi
                          (Gửi em - Nguyễn Duy Yên)
Là người lính trẻ, xa vợ đi chiến đấu, lúc thư giãn nhớ người vợ nơi xa. Trong cơn mưa như trút nước cũng như lúc vài hạt mưa rơi đều gây nỗi nhớ thương:
Cơn mưa rải thảm chiều buồn
Nhớ em , anh lại vấn vương tâm hồn
...Chiều nay lấm tấm mưa rơi
Trang thơ không tải nổi lời yêu em 
                          (Chiều buông - Nguyễn Duy Yên)
Anh cũng là người hay mộng mơ:
Yêu lắm em ơi những buổi chiều
Mây mờ bàng bạc nắng vàng reo
...Những đêm xa vắng đếm từng giây
Em nằm chắc tưởng nhớ ai đây
                         (Nhớ - Nguyễn Duy Yên)
Anh Nguyễn Duy Yên cũng Ghen, cái máu ghen thật đáng yêu, ghen mà đành chịu vì cuộc đời có biết bao nhiêu người tài, chắc gì mình đã được hái hoa :
Em như một đóa hoa thơm
Tỏa hương cho khách qua đường đắm say
                         (Đợi - Nguyễn Duy Yên)
Những ngày xa nhau, thư đi đâu có thư về, nhưng tình yêu vẫn đậm đà tha thiết làm chúng ta nhớ tới biết bao đôi trai gái chồng Nam vợ Bắc. Thư người con trai viết: "Anh vẫn khỏe..."nhưng khi thư đến tay vợ, anh đã hi sinh từ lâu...
Thư đến thư đi đều không cả 
Gói trọn yêu thương tận đáy lòng
                          (Thư đi - Nguyễn Duy Yên)
Gác tình riêng anh đi chiến đấu, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió , nơi bom rơi, lửa đạn. Anh viết:
Chiến chinh phai bạc áo phong trần 
                         (Cuối thu - Nguyễn Duy Yên)
Thơ của anh nhiều , đa dạng , nhưng có lẽ tôi xin dừng lại ở một đôi bài. Trong bài Tình trăng nước có câu rất hay:
Trăm sông rồi cũng trôi ra biển 
Còn lại cô đơn một chị Hằng 
Cái quy luật của vũ trụ , nước bốc thành hơi, hơi đọng lại rơi xuống thành mưa, tạo ra suối, ra sông và ra biển. Sao tôi muốn câu này nó phải hư hư thực thực,thực thực hư hư như câu đề tựa cho bài thơ:
Cõi hư vô tuy không mà thật
Cõi trần gian có thật mà không
                          (Tình trăng nước - Nguyễn Duy Yên)
Đọc xong những vần thơ của anh trong bài Tình trăng nước, tôi muốn được chữa thế này (âu cũng chỉ là mong muốn ):
Trăng trong rồi cũng trôi ra biển 
Để lại cô đơn một chị Hằng
Trăng và chị Hằng là một, nhưng chúng ta có thể ví chị Hằng là một thực thể vật chất khách quan. Trăng như là cái vỏ bên ngoài, nó được tô điểm bằng mặt nước lung linh, bằng gió vờn sóng nước tạo ra vô vàn ánh trăng, nhưng khi cái vỏ ngoài trôi đi, cái đẹp thực chất, cái xấu thực chất nó còn lại. Nó như thầm nhắn ai hãy sống thực với đời.
Đọc bài Thăm hồ Xuân Hương của anh Nguyễn Duy Yên , tôi nhớ da diết hồ Xuân Hương ở Đà Lạt bên cạnh Viện Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt nơi tôi đã công tác nhiều năm:
Xuân Hương em hỡi nước đi đâu
Còn lại hồ trơ, đất bạc màu
Bao giờ em lại xanh như ngọc
Cho khách du hành khỏi lo âu
Nàng thơ Hồ Xuân Hương với những vần thơ khát khao tình yêu và hồ Xuân Hương ở Đà Lạt thơ mộng, làm đắm say bao du khách, đã được anh nâng niu:
Vắng em sao dạ thấy bồn chồn 
Thủ đô như thiếu bóng Hồ Gươm
Nàng thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Duy Yên tuy cách nhau bao thế hệ nhưng những vần thơ, sự đồng cảm vẫn rung lên:
Mai ngày anh lại đi ra Bắc 
Cách trở xa em vạn nẻo đường 
Chính vì anh nặng tình với Nàng Thơ nên ta được thưởng thức các vần thơ đẹp về Chiều mưa biên giới :
Hoàng hôn đi vội mây ngàn trôi
Nhớ lắm người thương tận cuối trời 
Biên giới mờ sương chiều tím ngắt
Lòng buồn khoảnh khắc thấy chơi vơi
                         ( Chiều mưa biên giới - Nguyễn Duy Yên)
Anh yêu rừng núi, yêu cả độ cao cheo leo của dóc đèo :
Hải Vân hai tiếng thân yêu
Có qua mới biết dốc đèo Hải Vân
Ào ào gió thổi quanh năm 
Bốn mùa xương phủ mây giăng mịt mờ
                          (Chuyện tình thời chiến - Nguyễn Duy Yên)
Nhớ lại đồng đội đã ngã xuống, những vần thơ quặn lòng của anh gửi người đi xa
Chẳng tiếc tuổi xanh vì nghĩa cả
Yên nghỉ nơi đây một nấm mồ 
Hoa phủ, hương bay niềm thương nhớ
Lính già rơi lệ mắt mờ khô
                        (Lính già thăm nghĩa trang liệt sĩ - Nguyễn Duy Yên)
Cách biệt âm dương, nhưng anh vẫn coi đồng đội như còn đâu đây:
Bạn cũ yên nằm ở nơi đây
Khôn thiêng xin nhận tấm lòng này 
Đồng đội năm xưa nay còn đó 
Tóc đã chuyển màu, gậy chống tay
                      (Lính già thăm nghĩa trang liệt sĩ - Nguyễn Duy Yên)
Cũng như chị Kim Vân, anh Duy Yên cũng rất yêu trăng, yêu biển, yêu thiên nhiên, hai tâm hồn thơ, hai bạn đời gắn bó với nhau đi suốt cuộc đời. Họ cùng yêu, cùng vui, vùng rung cảm. Đọc thơ của chị Kim Vân thấy hiện lên hình ảnh anh Duy yên và đọc thơ của anh Duy Yên lại có những nét đáng yêu, duyên dáng, đằm thắm của chị Kim Vân. Có lẽ vì họ cùng chung một lí tưởng, chung một ước mơ và cái chính là họ yêu nhau, yêu nhau cho đến trọn đời như có nhà thơ đã viết:
Trên đời còn gì hơn thế
Người sinh người sống để yêu nhau

Hà nội, mùa thu năm 2002

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa