Hành trình mới...


Ảnh : internet

Nhà thơ NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Ủy viên BCH Hội liên hiệp VHNT Hà Nội
 Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội

THƠ BỐN CÂU - HÀNH TRÌNH MỚI CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN DUY YÊN

        Sau 2 tập thơ in riêng Mênh mang ... xuân (Nxb. Văn học) và Một thoáng hương xưa (Nxb. Hội Nhà văn), cùng 5 tập thơ in chung với vợ là bà Đoàn Kim Vân (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Duy Yên tuy năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn cho thấy một bút lực khá dồi dào. Vốn dòng dõi là cháu ngoại của cụ cử Phan Kế Bính, một danh sĩ - dịch giả nổi thiếng thời Pháp trước đây, hẳn ông Nguyễn Duy Yên cũng mang trong mình dòng máu văn chương con nhà nòi. Nhưng có lẽ cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã khiến ông phải gác mộng bút nghiên mà đi vào trận mạc.
       Sau này khi cuộc sống gia đình con cái đã lớn khôn thành đạt vẻ vang, ông mới trở lại với giấc mộng văn chương thủơ ban đầu thì cũng đã vào "tuổi xưa nay hiếm". Và thật lạ, trong hơn một thập niên qua, vợ chồng ông với cả chục tập thơ in chung, in riêng ở khắp các nhà xuất bản chuyên nghành văn học đã cho thấy sức lao động chữ nghĩa của cặp vợ chồng thi sĩ này cũng khiến nhiều người phải kinh ngạc.
      Với cả ngàn bài thơ viết trong 15 năm qua (tập thơ thứ nhất Tiếng lòng in năm 1997), có thể nói ông là một người bền bỉ và say đắm với thi ca. Không hiểu có phải là vì sống với người bạn đời trăm năm cũng đắm say tình yêu thi ca như mình nên dường như nguồn lực cảm hứng của thơ ông cứ như một dòng chảy không hề vơi cạn qua năm tháng. Dưới đây là một bài thơ tặng vợ của ông:
"Một túp lều tranh lập cuộc đời
Đôi lòng thủy chung vượt biển khơi
Qua rồi cái tuổi xưa nay hiếm
Nếm trải bao phen khóc lẫn cười "
                              (Tặng vợ tôi)
      Có thể những bài thơ ban đầu của vợ chồng ông cũng giống như một thứ văn vần tả cảnh, tả tình mà hầu hết các cụ "đến tuổi làm thơ" ở khắp các câu lạc bộ thơ trên cả nước đều ngày đêm thi nhau sáng tác. Nhưng rồi qua thời gian, sự lắng đọng và kinh nghiệm của nghề viết cũng đã bồi đắp cho vốn - tri - thức - thơ của nhà thơ Nguyễn Duy Yên những thi cảnh mới, những cảm xúc mới, những ý tưởng mới để đến hôm nay ông xuất bản tập Muôn nẻo đường thơ với hơn trăm bài thơ 4 câu. Tôi cho rằng cái khẩu khí của nhà thơ Nguyễn Duy Yên trong bài thơ Nạn thơ là một nét chấm phá khá khôi hài về tình trạng "người người làm thơ, nhà nhà in thơ" ngày hôm nay:
"Nhà thơ sao lắm thế giời ơi!
Thơ nhả tùm lum cóc vái trời
Thiên hạ tha hồ ăn chữ nghĩa
No rồi, chướng bụng vái xin thôi"
                                (Nạn thơ)
       Theo tôi, bài thơ 4 câu nói trên, nếu đọc ở bất cứ một câu lạc bộ thơ Phường - khóm nào, nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng sẽ được bà con yêu thơ vỗ tay rào rào hưởng ứng. Tuy đôi lúc có thể cười ra nước mắt như vậy vì cái thứ văn chương - hàng - xáo, nhưng tôi biết ông cũng đã buồn thật, nản thật, đau thật ở bài thơ dưới đây:
"Văn chẳng ra văn, thơ chẳng ra thơ
Tuổi cao sức yếu mắt thêm mờ
Thơ văn bát nháo không buồn đọc
Tri kỷ chỉ tìm trong giấc mơ"
                            (Vắng bạn thơ)
       Không chỉ có thế, tâm - sự - thơ của tác giả Nguyễn Duy Yên nhiều khi cũng đã đi vào những ngõ ngách "bếp núc" của thi ca với nhiều trằn trọc thế sự giữa đời thường:
"Mộng mị đêm trường choàng tỉnh giấc
Nắng mai lấp lánh giọt sương pha
Vần xoay thế sự say mà tỉnh
Phiếm luận văn chương một tiếng "khà" "
       Chưa hết, ở một bài thơ khác, tôi rất đồng cảm và "khoái nhĩ" với Nguyễn Duy Yên khi ông nói thẳng tuột ra một nhận xét về cái thứ thơ "lòe đời" bằng chữ nghĩa như sau:
"Đọc kỹ tập thơ chẳng hiểu gì
Lằng nhằng triết lý cái chi chi
Ngờ rằng ngộ chữ lòe thiên hạ
Đại bịp thành danh thế mới kỳ"
       Chỉ cần đọc mấy bài thơ trích dẫn trên đây, tôi đã nhận ra cái chất nửa trào phúng, khôi hài và nửa trữ tình, lãng mạn trong thơ 4 câu của nhà thơ Nguyễn Duy Yên chính là một hành trình mới trên con đường hoàn thiện thi ca của ông. So với các tập thơ trước đây, các bài thơ 4 câu của ông Nguyễn Duy Yên trong tập Muôn nẻo đường thơ cô đọng hơn mà nói được nhiều hơn, giản dị hơn mà lại có nhiều rung động, ngẫm ngợi hơn và đằng sau những câu thơ ấy là một nụ cười chiêm nghiệm có pha chút sâu cay thế sự như bài thơ sau:
"Có những bài thơ bỏ lãng quên
Vì đời bận rộn cuộc đua chen
Nàng thơ tủi phận duyên không bén
Chẳng lẽ đem thơ đọ với tiền"
                        (Thơ và tiền)
      Tôi chợt nghĩ, trong biển cả văn chương chữ nghĩa mênh mông của bao đời , có lẽ cái tự học vủa mỗi một người thơ để trau dồi kiến thức văn chương có lẽ cũng phải bền bỉ lắm, kiên nhẫn lắm mới có thể có được một chút gì đấy trên con đường khó khăn, gập ghềnh của người cầm bút. Và bài thơ dưới đây của nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng có một tâm sự như vậy:
"Chân lý thì dài đời ngắn ngủi
Gia tài ngọn bút gửi mai sau
Nổi chìm lặn ngụp trong biển học
Đua với thời gian bạc trắng đầu"
                            (Biển học)
      Khép lại bài viết này, tôi cảm nhận thấy hình như nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã tìm ra điểm mạnh của chính mình trong thơ 4 câu, điều mà trước đây ông chưa gửi gắm nhiều. Mong sẽ được đọc các tập thơ 4 câu tiếp theo của ông.
Tháng 9 năm 2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa