Tình yêu đất nước con người

                                                                           Ảnh Internet

                                                   TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI
                                                             TRONG TUYỂN TẬP THƠ
                                               NGUYỄN DUY YÊN VÀ ĐOÀN KIM VÂN
                     (Đọc Tuyển tập thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân-Nxb-Văn học 2010)
                                                    NGUYỄN VĂN SƠN (Nxb- Hội Nhà văn)

  Tuyển tập thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân (Nxb Văn học 2010) được tuyển chọn từ bốn tập thơ in chung và hai tập thơ in riêng bao gồm 232 bài. Nội dung phản ảnh trong tác phẩm được hai tác giả chú trọng vào ba mảng đề tài lớn và xuyên suốt như một dòng chảy miệt mài tâm huyết của cảm xúc trữ tình.Và lao động nghệ thuật tích cực kiếm tìm cái đẹp thánh thiện của ngôn ngữ tiếng Việt, được biểu hiện qua những hình thức nghệ thuật đại chúng mà sâu lắng tình người, thấm đẵm chất suy tư về kiếp sống nhân sinh
  Tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân là những viên chức nhà nước nghỉ hưu, đã trải qua một cuộc đời dài với bao thăng trầm, gian khổ và vinh quang.Đây là đặc điểm có tác động mạnh mẽ đến tác phẩm của họ. Đặc điểm này được ăn sâu ở những lớp sóng hoài niệm về cuộc đời, về số phận con người, về cảnh đẹp của đất nước, ẩn sâu trong những suy tư trải nghiệm về những điều bình thường, ổn định mà ẩn dấu về cái không bình thường và bất ổn trong sâu thẳm tâm hồn con người. Vượt lên trên tất cả, chúng ta nhận thấy sự ngợi ca và tin tưởng các tác giả dành cho con người. Qua tác phẩm của mình Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã xác lập niềm tin vào các giá trị đạo đức, giá trị nhân văn có tính vĩnh hằng ở con người chân chính, những con người yêu tha thiết sự sống và làm chủ cuộc sống.
  Con người là chủ thể của nhận thức, chủ thể của lịch sử, ý thức được điều này nên trong tác phẩm của mình,hai tác giả đã soi chiếu con người ở các góc độ khác nhau, bằng ngôn ngữ thơ ca thật biến ảo.ở mảng đề tài này, cả hai tác giả đều nhất quán mô tả từ con người lịch sử đến những người công dân bình dị đời thường.
  Trong thi phẩm "Viếng thăm đền Kiếp Bạc", tác giả Đoàn Kim Vân đã khắc họa chân dung Đức Thánh Trần với chiến công Bạch Đằng giang lịch sử'Dựng đền Kiếp Bạc phụng thờ/ Đức Trần Hưng Đạo ngọn cờ tiên phong/ Ba lần dẹp giặc Nguyên- Mông.../ Bạch Đằng trận thắng lừng danh/ Giặc tan Kiếp Bạc ẩn mình làm thơ". Khi viết về Yên tử, tác giả liên tưởng đến nhà vua hóa Phật." Non cao Yên Tử mây giăng phủ/ Dòng Trúc Lâm thừa kế Nhân Tông/ Phật linh thiêng lặng lẽ u trầm/" và bốn câu kết :" Bảy trăm năm hào quang rực sáng/ Yên Tử lưu danh mãi cõi trần/ Phật chẳng đâu xa Phật rất gần/ Trái tim nhỏ chữ Tâm rộng lớn."
   Trong hai bài thơ mà nội dung có tính điển hình của một thời đại oanh liệt gắn với những võ công hiển hách của nhà Trần, tác giả đã làm sống lại chân dung Trần Nhân Tông(một ông vua hóa Phật) và chân dung Đức Thánh Trần - Trần Quốc Tuấn (một vị tưởng hiển Thánh). Quả thực tác giả tỏ ra nắm chắc các yếu tố văn hóa lịch sử để tạo ra một không gian nghệ thuật có sức lay động vào chiều sâu thẩm mỹ và chiều sâu tâm linh của người đọc khi tiếp nhận thi phẩm.
   Khi đề cập đến những nhân vật của thời hiện đại, tác giả đã tỏ rõ sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền Độc lập của dân tộc(Viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái),Những câu thơ chân thành cảm động nhất được bật lên từ tâm hồn kính trọng anh hùng liệt sĩ của nữ thi sĩ Đoàn Kim Vân." Phạm Hồng Thái vị anh hùng/ Đấu tranh đâu có ngại ngùng gian nan.../Tạ lòng thắp một tuần hương/Gửi hồn liệt sĩ bốn phương tung hoành.../ " Bảng vàng Tổ quốc ghi công/ Danh thơm Hồng Thái anh hùng Việt Nam."
   Ngoài ra tác giả còn tỏ lòng tri âm với thi nhân quá cố Hàn Mặc Tử."Thăm thôn Vĩ Dạ một chiều mơ / Ngỡ tiếng ai kia đứng gọi đò / Bãi ngô xanh mướt tìm đâu thấy /Khóm Trúc hẳn còn trong ý thơ ".../Có lẽ nơi đây Hàn Mặc Tử/ Chút tình gửi lại chốn hoang sơ...."
  Khi viết về các danh nhân, thi nhân con mắt nghệ thuật của Đoàn Kim Vân bao giờ cũng đậm đặc chất liên tài và kính trọng, Trong bài tiếc nhớ nhạc sĩ Trần Hoàn có những dòng thơ thật xúc động. "Trời trong xanh bỗng nổi cơn giông tố / Để lại nỗi buồn cho những người thân/ Tiếc thương anh dòng lệ cứ rơi dần / Đời mất đi một nhân tài đất nước.../ Vĩnh biệt anh với bao niềm thương cảm / Về bên kia là thế giới vĩnh hằng / Từ nay anh yên giấc ngủ ngàn năm / Chỉ còn lại những bản tình ca bất tử."
   Khi viết về giáo sư Vũ Khiêu, tác giả lại bày tỏ một tinh thần hào sảng ,đồng điệu với triết lý của bản "Chúc văn" do Vũ Khiêu viết, đọc trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng ba năm Canh Thìn. "Tuổi tám lăm chẳng quản nhọc nhằn / Viết "Chúc văn"dâng ngày Giỗ Tổ/ Áng hùng văn đọc trước toàn dân.../ Trăm câu văn trọn bốn ngàn xuân / Bác tổng kết tinh hoa đất nước / Đã bao lần chiến thắng ngoại xâm / Nơi sản sinh anh hùng hào kiệt.
   Mảng đề tài thứ hai trong thơ Đoàn Kim Vân là những cảnh đẹp của non sông đất nước ta. Đọc toàn văn bản tác phẩm thơ của hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. đều thấy toát lên niềm yêu say khi mô tả, ca ngợi những vùng danh lam thắng cảnh, văn hóa lich sử của đất nước. dõi theo hành trình thơ của hai tác giả, thì thấy có nét tương đồng ở đề tài. Trong khi Đoàn Kim Vân viết về Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông.Phạm Hồng Thái, Vũ Khiêu, Trần Hoàn... thì Nguyễn Duy Yên tập trung viết về lãnh tụ Trường Chinh,Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tiếp theo là giới văn nghệ sĩ, như nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Bế Kiến Quốc, Băng Tâm. Tình cảm bạn hữu cũng được Nguyễn Duy Yên khai thác, thật cảm động (Viếng bạn Văn Tùng).Những cuộc đời bình dị cũng được tác giả đưa vào thơ thật có hồn như bài "Hai chị em". Còn trong bài "Đời kỹ nữ" tác giả viết bằng thể thơ lục bát nhuần nhị và sâu nặng nghĩa tình, trách nhiệm của thi sĩ." Đời em kỹ nữ lênh đênh / Lả lơi cùng khách phong tình bao đêm / Giang hồ một kiếp thân em / Lụi tàn một bóng nặng niềm gió mưa." Còn trong thơ Đoàn Kim Vân, ở mảng đề tài này, tác giả viết hàng loạt bài như ; Ký ức tuổi thơ - Tiễn người em gái - Trêu người hàng xóm - với một tình cảm trong sáng nhẹ nhàng.
   Tình yêu đất nước thông qua hệ thống biểu tượng và các địa danh mà hai tác giả đã có dịp chiêm nghiệm đều đi vào thơ ca, và chiếm vị trí đáng kể trong tập thơ. Hình ảnh Thủ đô Hà nội hiện lên trong thơ Đoàn Kim Vân thật đẹp, thật lung linh :" Hồ Gươm mảnh đất linh thiêng / Trăm năm gửi trọn niềm tin với Người". Hoặc trong bài Hà nội vào Thu, Hà nội được khắc họa ":Hoàn Kiếm lung linh bóng nước hồ / Soi mình hàng liễu rủ buông tơ / Hà nội vào Thu trời se lạnh / Gợi cảm cho đời bao ý thơ. Ngoài ra Đoàn Kim Vân còn nhấn mạnh vào nhiều danh lam thắng cảnh và địa linh như chùa Trấn Quốc, chùa Côn Sơn, Đền Hùng, đền Trấn Vũ, Quán Thánh. Non thiêng Yên tử, Văn Miếu- Quốc Tử Giám. đền Kiếp Bạc,Huế, Sa Pa, Đà Lạt,động Phong Nha v.v....
   Trong thơ Nguyên Duy Yên, ngoài vẻ đẹp những cảnh quan sinh thái, tác giả còn tô đậm thêm một số cảnh quan di tích lịch sử văn hóa nhằm khắc sâu trong thế giới nghệ thuật của mình, tạo ra cá tính sáng tạo(Một thoáng Điện Biên,Qua đèo Hải Vân, thăm Hồ Ba Bể , cô Lái đò trên sông Hương....). Tuy nhiên Nguyễn Duy Yên đã dành nhiều tâm huyết và ngôn ngữ nghệ thuật để mô tả trạng thái, cảm xúc người nghệ sĩ khi đối diện với vẻ đẹp linh thiêng của đất nước,ví như cách ông mô tả Thánh địa Mỹ Sơn trong cảnh quan hướng về cái đẹp của truyền thống lịch sử. Nguyễn Duy Yên xúc động trước chiều Mỹ Sơn :" Mỹ Sơn chiều vắng cảnh tiêu sơ / Thành quách lâu đài vẫn đứng trơ /Thời gian mài giũa thành hoang phế / Xúc động lòng đau dạ thẫn thờ." Trong một hoàn cảnh khác,nhà thơ liên tưởng đến Mỹ Sơn với cảm xúc vừa nuối tiếc,vừa chia sẻ đồng cảm.
" Một thời vương giả ai hay biết / Rừng núi âm u lệ vơi đầy / Ngai vàng điện ngọc đi đâu cả .../  Di tích biến thiên theo dòng sử / Văn hóa xa xưa.../thời dựng nước.../ Man mác chiều nay một nỗi buồn / Đường về thầm nhớ cảnh Mỹ Sơn."
  Mảng đề tài triết lý, suy tư về đời sống cũng được hai tác giả chú ý. Với giọng thơ giàu nữ tính; Đoàn Kim Vân viết : Nỗi đời - Tiễn người em gái- Hoa và người- Hoa đời. Trong đó thành công hơn hết là bài Hòn đá vọng phu,vừa hài hòa về vần điệu, vừa phong phú về nội dung và cảm xúc.Chuyện tình Hòn đá vọng phu / Đăm đăm đôi mắt mà ru nỗi buồn / Bồng con đứng giữa cô đơn / Người đi, đi mãi  vẫn còn đợi mong / Biến thân hóa đá chờ chồng / Vọng phu chuyện kể tấm lòng thủy chung.
  Thơ của Nguyễn Duy Yên lại nghiêng về cảm quan thời gian của kiếp người như các bài : Đợi - Khoảnh khắc giao thừa - Đêm trừ tịch - Dĩ vãng. Hơn nữa tác giả còn đề cập đến Lẽ sống - Biển đời - Thói đời...
  Và để giãi bày lòng mình với văn chương, Nguyễn Duy Yên viết bài "Tình tự với nàng thơ", như để chia sẻ nghiệp cầm bút. cũng như tự nhủ trách nhiệm của nhà thơ hiện đại. Tác giả đã bộc lộ hết sức chân thành ": Có lúc nàng thở ở ẩn đâu / Muốn tìm để hỏi một đôi câu / Nàng thơ trốn mất tìm đâu thấy / Chỉ thấy không gian lặng một màu.../ "Tôi yêu nàng lắm hỡi nàng thơ / Tôi vẫn tìm nàng vẫn ước mơ.../Tình sâu gắn bó...
  Mảng đề tài triết lý này tuy không phải là đặc sắc song đã góp phần tạo dựng nên kết cấu của Tuyển tập thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, hợp thành thế giới đa dạng. khắc họa thành công nhiều mảng đề tài của đời sống xã hội., ở đó các tác giả đã kết hợp được hai yếu tố trong một trường cảm xúc sáng tạo, đó là tính bác học của thơ ca và tính chất xã hội hóa của thơ ca.
   Qua tác phẩm của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, ta thấy ẩn chứa nhiều nội dung cảm xúc nghệ thuật. nhưng trên tất cả là tình yêu vô hạn đối với thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam.Đó là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Tuyển tập thơ này, khi nó làm xúc động độc giả bởi chính tình yêu ấy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa