Sắc hương xuân vẫn đậm đà

                                                                  Ảnh Internet

                                                 SẮC HƯƠNG XUÂN VẪN ĐẬM ĐÀ
                    Bài viết của Nhà thơ- Nhà văn Nguyễn Vũ Tiềm (Hội viên hội Nhà Văn VN)
       cho tập thơ "Mênh mang...XUÂN" của Nguyễn Duy Yên do NXB Văn học xuất bản năm 2009.
                                                           ******************

   Từ thành phố phương Nam xa xôi, tôi rất cảm động nhận được bản thảo thơ trên trăm bài của vị lão thành Nguyễn Duy Yên từ Hà nội gửi vào.Đọc bài nhắc tới kỷ niệm về trường Kiêm bị Tiên lữ- Hưng Yên(1920 - 1945), mà ông là học sinh, từ buổi tôi chưa có mặt trên cõi đời này, chợt giật mình ngao ngán trước những vòng quay với tốc độ chóng mặt của con tàu thời gian.
   Vậy mà qua những bài thơ đậm đà tính dân tộc giàu truyền thống của ông, tôi cảm nhận một tâm hồn điềm tĩnh lạc quan luôn hướng về cội nguồn lịch sử mà vẫn rất tươi trẻ, tràn ngập sắc hương xuân, biếc xanh niềm hy vọng.
   Cuộc đời dẫu còn nhiều phiền muộn, nhưng làm thơ thưởng xuân bao giờ cũng là thú chơi thanh cao tao nhã, nhất là với một người có nhiều suy tư, giàu trải nghiệm như ông :
                                     Vì đời còn lắm chua cay
                              Nghĩa tình còn có nay đầy mai vơi
                                     Đa mang một kiếp con người
                             Vui đi kẻo nữa già ngồi tiếc xuân.
                                                     (Đêm trừ tịch)
   Các vị cao niên thường rất tâm đắc câu "Tri túc tâm trường lạc / Vô cầu phẩm tự cao",biết đủ, lòng luôn vui, không cầu xin hệ lụy, tâm hồn tự nhiên được thanh thản nhẹ nhàng, Mặc cho chuyện đời vơi đầy có lúc, hãy tận hưởng niềm vui trong thực tại.
   Ông còn tự nhắc mình :
                                   Trời cao có dải sông Ngân
                            Có vầng trăng sáng cho trần gian soi
                                  Thời gian nhè nhẹ êm trôi
                           Trăm năm là mấy ? cuộc đời ngắn sao?
                                                        (Bất chợt)
   Cuộc đời ngắn vậy đấy, nhưng nếu ta biết tận hưởng cái đẹp mà đời dành cho, kể cả cái đẹp xa tít tắp tận trên trời cao thì niềm vui không lúc nào thiếu vắng. đó là cách ứng xử của con người hào hoa phong nhã có tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng không phải vì thế mà ông quên điều này :
                             Bởi ham vui sống nên mang nợ...
                                                        (Nợ Xuân)
   Chắc đây không phải là nợ tiền, nợ gạo theo nghĩa đen, mà câu thơ mang ý nghĩa lớn hơn, ý thức được trách nhiệm với cuộc đời, điều này luôn canh cánh bên lòng, đó là món nợ mà tất thảy mọi người không ai được phép lãng quên.
   Ý thức với cuộc đời như thế, tuy không phài là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng ông tự nhủ :
                              Văn chương ngọn bút đừng xiên xẹo
                              Sống trọn một đời chẳng vết nhơ.
                                                       (Ngẫu hứng Xuân)
   Cả thời trai trẻ, ông hiến trọn tuổi xuân cho sự nghiệp giành độc lập và thống nhất đất nước. Bây giờ tuy tuổi cao, phút giao thừa, ông vẫn bồi hồi nhớ lại :
                            Còn gì hơn hiến thân mình cao quý
                            Để bao người yên hưởng phút vui xuân
                                                     (Khoảnh khắc giao thừa)
                            Đời người lắm lúc gieo neo
                           Gian nan thử sức đói nghèo thử gan.
                                                    (Cảm Xuân Quý Hợi )
   Ở cách muôn trùng biển cả, những người con xa xứ bồi hồi nhớ quê hương đất nước, ông viết :
                         Mỗi độ xuân về đào nở hoa
                         Người con xa xứ ở phương xa
                         Nặng tình đất nước tình dân tộc
                         Đau đáu nguồn cơn nỗi nhớ nhà
                                                  (Xuân trên đất mẹ)
   Điều đáng quý nữa ở cứ người cầm bút nào,  ấy là sự quan tâm tới những mảnh đời éo le, bất hạnh, với mỗi số phận của con người, Nhà thơ Nguyễn Duy Yên cảm thông với hoàn cảnh :
                                  Sự đời nắng sớm chiều mưa
                         Thoảng coi như một giấc mơ chưa thành
                                  Tiếc cho những quãng ngày xanh
                         Đường đi đôi ngả, thôi đành thế thôi.
                                                     (Bẽ bàng)
   Tác giả xử dụng thành ngữ "sớm nắng chiều mưa"vào trường hợp này rất đắc địa. Đó là hình ảnh quen thuộc hàng ngày, nhưng đủ nói lên cái sự đổi thay bất thường của lòng người,  khó có ai đoán định trước được, bởi vậy mới gây lắm nỗi truân chuyên, ngang trái, xót xa đau đớn cho số phận của con người. Hình ảnh xót sa được tiếp nối : "Thoảng coi như một giấc mơ chưa thành", câu thơ có dáng dấp một triết lý sống mà tác giả rút ra bằng sự trải nghiệm, điềm tĩnh mà sâu sắc.
   Tác giả lại nhìn ra cảnh thiên nhiên, Thấy nhiều nét tương đồng với cuộc sống con người :
                                  Thời gian trôi lặng lẽ
                                  Xuân có muộn bao giờ
                                  Vì đời nhiều ngang trái
                                  Nên hoa nở trái mùa.
                                               (Dấu yêu)
   Một khóm hoa nào đó nở trái mùa cũng làm cho tác giả cảm xúc, liên tưởng đến hoàn cảnh ngang trái từng gặp đó đây. Một phẩm chất đáng quý của văn chương là cảm thông, chia sẻ. Trong thơ Nguyễn duy Yên thấp thoáng đâu đây có nhiều điều để người đọc cùng tâm tình chia sẻ. Từ góc độ này, ông mong ước cuộc đời ngày càng đẹp hơn, những cảnh đời không may mắn sớm được đổi thay :
                              Anh muốn cuộc đời mãi mãi xuân
                              Mặc cho năm tháng cứ trôi dần
                              Tình yêu hạnh phúc bên em đó
                              Khúc nhạc xuân tình cất tiếng ngân.
                                                       (Em là mùa xuân)
   Ông hỏi người, hỏi cảnh, hỏi nàng xuân trong tưởng tượng :
                             Ướm hỏi : Bao giờ hết khó khăn
                             Xuân cười mắng bảo nợ trân gian
                             Thôi đừng oán trách cho thân phận
                            Hy vọng đường đời vẫn chứa chan.
                                                      (Năm mươi xuân ấy)
                            ...Yêu xuân nên chẳng biết mình già
                            Thời gian tô điểm màu sương gió
                           Gian khó bền lòng vững bước qua
                                                     (Hỏi nàng Xuân)
    Và nhà thơ tự nhủ mình :
                            Phong sương đã điểm đôi đầu bạc
                            Mà sắc hương xưa vẫn đậm đà.
                                                     (Tình già)
   Hình ảnh" đôi đầu bạc" là nhà thơ nói tới tình yêu đôi lứa của chính mình từ thuở hàn vi,  cho tới nay cả hai đã nên ông nên bà. Câu dưới "Sắc hương xưa vẫn đậm đà" thể hiện tình cảm mặn nồng mà vẫn kín đáo, tế nhị, thật là khéo.
   Sức trẻ, sức xuân của tập thơ này còn thể hiện rất rõ ở chất vui nhộn, tự trào :
                            Nàng xuân gõ cửa tới thăm ai?
                            Ngó mặt xinh tươi dạ cảm hoài
                            Sự thật hay còn trong giấc mộng
                            Đây nhà thơ kiết quả không sai
                           
                           Nàng hỏi làm ăn có khá không?
                           Xin thưa : Thơ ế Tết nằm suông
                           Viết đôi câu đối mừng Xuân mới
                           Dở dở gàn gàn lẫn vấn vương...
                                   ( Nàng Xuân với thi nhân)

         
   Đời sống vật chất trong xã hội ta giờ đây khá lên nhiều, nên chữ "kiết" cũng chỉ dùng trong hệ thống ngôn ngữ, vậy mà đọc đến "Đây nhà thơ kiết quả không sai" có cái thú vị,  gợi nhớ cảnh các hàn sĩ thuở nào. "Kiết" mà vẫn có thơ, có câu đối thưởng xuân, vẫn phong lưu lịch lãm tiếp nàng Xuân xinh đẹp trang trọng  một cách lịch sự tự tin. Lại thẳng thắn tự nhận : "Dở dở, gàn gàn...", giọng thơ đùa vui xen lẫn xót xa như Nguyễn Khuyến, Tú Xương thuở trước. Bởi lâu nay giọng thơ tự trào ít xuất hiện trên thi đàn của chúng ta..
   Tiếng cười rất cần thiết trong đời sống hàng ngày, cả trong văn chương. Tôi nghĩ các nhà văn, nhà thơ,các nghệ sĩ nên đưa tiếng cười vào tác phẩm của mình nhiều hơn nữa để cho đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta phong phú tươi vui hơn.
   Đôi khi nhà thơ Nguyễn Duy Yên có những câu thơ làm ta bất ngờ :
                                      Trăm năm như thể tấc gang
                            Đời người như chuyến đò ngang sớm chiều
                                      Bâng khuâng xuân đến càng yêu
                            Nghĩ mình còn bé tẻo teo năm nào.
                                                (Bâng khuâng xuân)
   Nói "trăm năm", quãng thời gian khá dài đối với một đời người mà ví như"Tấc gang" ấy là sự trải nghiệm già dặn. Những câu dưới "Ngỡ mình còn bé tẻo teo năm nào" là nét hồn nhiên thơ trẻ thật bất ngờ. Có người nói thơ là nét hồn nhiên,  thơ dại của loài người còn sót lại, rất có lý. Lại có người nói thơ không có tuổi thấy cũng rất hay.
                             Ô hay, ai cấm yêu người đẹp
                             Ừ nhỉ, quên mình tóc bạc phơ.
                                              (Đùa với xuân)
   Trước một giai nhân kiều diễm, hồn thơ sao tránh khỏi sự rung cảm bâng khuâng. Tác giả đặt chữ " Ừ nhỉ " vào đây thể hiện một cái giật mình tinh tế. Tự nhắc nhở hay tiếc nuối? Và hình như cả tiếng thở dài kín đao, xa xôi...
   Công việc chính của ông Nguyễn Duy Yên không phải là việc văn chương, ông luôn bận bịu trên nhiều lĩnh vực khác, vậy mà những bài thơ có ý tứ sâu sắc, có gia công nghệ thuật không phải là hiếm. Tôi rất thích bài thơ ngắn mang màu sắc tâm linh này :
                                 Tần ngần cái rét tháng Ba
                        Mưa xuân phủ bụi mượt mà cỏ non
                                Buồn trông ngôi mộ cỏn con
                       Thoảng trong hơi gió vẫn còn hồn xưa.
                                           (Cuối xuân viếng mộ)
  Một số bài có tìm tòi mới mẻ về ý tưởng, kết cấu chặt chẽ, lời thơ trong sáng như:  Ký ức xuân , Hồn thơ lưu lạc, Hạnh ngộ , Tiễn xuân và một số bài thơ Đường luật... phần nào đã đạt tới sự nhuần nhị thanh thoát.
    Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm , riêng ở Việt Nam ta, trong suốt hành trình bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, mùa xuân thường gắn với nhiều sự kiện lịch sử và tâm linh , do vậy trong mỗi đời người, có biết bao kỷ niệm về mùa xuân không thể phai mờ. Là một người có tâm hồn phong phú và lãng mạn, nhà thơ Nguyễn Duy Yên dành nhiều tâm huyết viết về mùa xuân cũng là điều dễ hiểu.
   Nhưng một tác giả tập hợp cho riêng mình trên trăm bài thơ về chủ đề mùa Xuân, quả thực là hiếm có, đủ biết ông yêu mùa xuân biết chừng nào , đủ biết tâm hồn ông lúc nào cũng tràn ngập sắc Xuân.
   Nói về tuổi đời, trước đây thì "Nhân sinh thất thập cổ lai hy"nhưng nay đã khác rồi, có thể nói cửu thập , bách tuế là chuyện thường. Mừng về tuổi thọ của dân tộc mình, nhưng đáng mừng hơn là các vị cao niên luôn có tâm hồn trẻ trung, làm chỗ dựa vững chắc cho con cháu. Nhà thơ Nguyễn Duy Yên với những bài thơ say đắm hương sắc mùa xuân trong tập này thật đáng trân trọng.

                                                                     TP . Hồ Chí Minh , 09-6-2009
                                                                    
                                                                            NGUYỄN VŨ TIỀM
                                                                          Hội viên Hội nhà văn VN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa