Người đàn bà bới rác...


Người Đàn Bà "Bới Rác Ra Tiền"
Nhà báo Quỳnh

         Bà Kim Vân nói: "Chúng tôi yêu nhau đều là mối tình đầu, vì thơ mà mê nhau đấy. Ngày xưa phải lòng để ý nhau từ thơ, tỏ tình bằng thơ. Đám cưới hôm trước thì hôm sau anh Duy Yên đã lên đường hành quân.Thư từ chiến trường gửi vào, từ hậu phương gửi ra cũng là những vần thơ thương nhớ, đợi chờ. Hết chiến tranh, gia đình sum họp. Đến những ngày gian truân khốn khó vật lộn vì kinh tế, hay những khi thư giãn an nhàn, hai vợ chồng vẫn bên nhau thủy chung son sắt, lại vừa thắm tình tri kỷ của một cặp bạn thơ. Đến nỗi bây giờ già rồi, bạn bè còn đùa: dễ chừng ông bà này ở nhà nói chuyện với nhau cũng có vần có điệu".
          Nhà cửa ông bà Duy Yên - Kim Vân giờ đây khang trang bề thế, con cái phương trưởng. Đồ gỗ Mỹ Hà có 12 cửa hàng tại Hà Nội, các con đang phát triển Mỹ Hà thành một Group: không chỉ có đồ gỗ mỹ nghệ mà còn cả kinh doanh nội thất, thời trang, đồ giả cổ... "có được ngày hôm nay là nhờ bàn tay tần tảo, tháo vát và đầu óc kinh doanh sắc bén, quyết đoán của bà nhà tôi", ông Duy Yên tự hào nói về vợ mình.
          Bà Kim Vân vẫn chưa quên những tháng ngày cơ cực của gia đình:"Con đông, "trứng gà trứng vịt", hai vợ chồng đều là cán bộ, được phân cho ở nhờ một căn phòng chật chội ngay nơi thờ Hải Thượng Lãn Ông. Tường bằng gỗ tạp đóng quây lại, trong nhà là đền thờ, tôi là phụ nữ sợ xúc phạm chỗ linh thiêng, thường kê tấm phản ra ngủ ngoài hè. Con cái nheo nhóc quá, cứ đau đầu nghĩ mình phải tìm ra việc gì đó mà làm  thêm, để lấy tiền nuôi con. Ngay từ những năm 70, khi cả miền Bắc còn ngạt trong nền kinh tế bao cấp, hai vợ chồng đã phải tính kế bứt ra. Chồng làm kế toán ngoài giờ cho một HTX, tôi nhận in nhãn vở học sinh bán buôn cho hàng xén chợ Đồng Xuân. Hai vợ chồng đi làm nhà nước về , thức khuya dậy sớm, sắp chữ, các con dập in. Từ đó in sang vải, khăn mùi xoa, bao bì nhựa.... Khi công việc đều tay, làm 10 ngày đã có thu nhập bằng cả tháng lương. Qua một số nghề khác: nhuộm cặp sắt màu (thứ để kẹp quần áo), mua trấu xay thành cám bổi bán lại, nhuộm giấy màu thủ công, đóng cặp hồ sơ 3 dây, giao hàng thuê cho các tổ sản xuất nhựa gia công, làm lốp xe đạp...Làm ăn chăm chỉ tằn tiện, tới 1975 cộng số tiền dành dụm đã kha khá, bèn vay thêm hùn vốn với một vài người mở của cơ sở sản xuất dép nhựa gia công. Ngày ấy ra ngoài kinh doanh nghĩa là tư thương, bị phê phán lắm, làm cứ phải giấu. Vẫn đảm bảo cho các bình xét ở cơ quan, về nhà lại lao đầu vào làm cung thợ, tự tay mang giao bán từng đôi cho các quầy dép ở chợ Đồng Xuân. Vợ chồng có tiền dư ra, việc đầu tiên là dồn vào mua một cây đàn piano cho con học(cây piano này lúc ấy trị giá như một gia sản ). Đến thời điểm ấy gia đình đã thoát nghèo, nhưng tôi vẫn luôn khao khát kinh doanh hối thúc: rõ ràng trong lãnh địa này mình còn khả năng và mình phải khai thác nó...".
        Những năm đầu thập kỉ 80, khi nghề thủ công truyền thống còn đang èo uột đìu hiu ngay trong lòng các làng nghề, các nghệ nhân ôm sẵn nỗi buồn về sự mai một, thất truyền vốn liếng cha ông, thì bà Kim Vân đã nhìn ra một con đường cho mình. Bà chọn nghề gỗ chạm khảm, đi về các làng nghề cổ: Vân Hà, Vân Diềm, Đồng Kỵ, Phú Xuyên, Nam Định, Đông Anh...tìm người dựng lại nghề. Ngày ấy làng nào cũng nghèo, trong các kho gỗ chỉ còn những đầu gỗ vụn, bà vận động từng nghệ nhân cầm lại đục, bào... đứng ra bày  chỉ cho lứa thợ trẻ và tự tay làm cho bà. Lúc đầu chỉ làm con giống, tượng phật, đồ thờ... lấy tên hiệu là Mỹ Hà. Sau một lần bà Kim Vân tình cờ được chiếc cửa và đôi ghế cổ được chạm, khảm trai rất đẹp, bà nảy ra ý tưởng làm đồ nội thất theo kiểu giả cổ. Với quan điểm "người là gốc", bà rất tin cậy và chăm chút các nhân viên của mình. Có những người từng vào tù, ngay cả bạn bè thân quyến cũng xa lánh, bà Kim Vân đã bảo lãnh về cho họ được làm việc, có người từng ngồi tù 7 năm, bà giao cho quản lý cả một phân xưởng của mình. Ngay cả khi Mỹ Hà điêu đứng vì nguồn vốn, bà Kim Vân vẫn sẵn sàng vay tiền ứng cho gia đình của từng nhân viên. Vì thế, những người cộng sự đã quyết tâm theo Mỹ Hà, vì Mỹ Hà đến cùng. Cho đến ngày hôm nay, ngoài 12 chi nhánh Mỹ Hà tại Hà Nội do các con cháu ông bà Duy Yên, Kim Vân quản lý, đồ gỗ nội thất mỹ nghệ mang thương hiệu Mỹ Hà đã có mặt tại châu Âu, châu Mỹ và khắp châu Á. Còn bà tỷ phú ở tuổi gần 70 vẫn ngày ngày đi xe ôm ra cai quản công việc ở cửa hàng mình.
         Bà Kim Vân cười hồn hậu: "Gia đình và bạn bè cứ nói đùa, rằng tôi bới đống rác cũng ra tiền. Tôi chỉ thấy mình là người chịu khó, thương chồng thương con, và cũng là cái số nữa nên thấy việc đến lại phải cố. Giờ thì già rồi, đang rút lui dần nhường vị trí cho các con. Quay về làm bạn thơ với ông lão nhà tôi".
"Ông lão" ấy thương và cảm phục vợ phải biết. Từ khi tóc còn xanh tới ngày đầu bạc, bà vẫn là "người đẹp" trong trái tim ông. Và bây giờ:
Anh anh, em em mãi rồi mà 
Giờ đây lên lão, vẫn hai ta
Tình đời lại đẹp hơn xưa nhỉ?
Anh đổi thành ông, em hóa bà.
                          (Tình già _ Duy Yên)
      Mong rằng, tay trong tay họ sẽ đi bên nhau với một tình yêu son sắt, tới ngày cuối cùng của cuộc đời.
Năm 2001

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Đồ gỗ nội thất thanh hóa, bàn ghế gỗ tại thanh hóa, giường ngủ đẹp thanh hóa, giường gỗ thanh hóa, bàn ghế ăn thanh hóa, tủ quần áo gỗ thanh hóa, sofa gỗ tại thanh hóa